MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

600 tỷ đồng - thương vụ gọi vốn thành công nhất của start-up Việt

Tại ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2016, 12-11, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhiều thương vụ gọi vốn thành công trong năm nay với mức cao nhất đến thời điểm này là 600 tỷ đồng.

Ngày 12-11, tại Grand Plaza Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các đối tác trong và ngoài nước, tổ chức sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST Vietnam 2016) nhằm kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học sâu sắc về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tôn vinh các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Lãnh đạo Chính phủ “tiếp lửa” cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Ảnh Ngũ Hiệp)

Lãnh đạo Chính phủ “tiếp lửa” cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Ảnh Ngũ Hiệp)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự lễ khai mạc với nhận định doanh nghiệp khởi nghiệp là cộng đồng thường tạo ra những sản phẩm mới, những phân khúc thị trường mới, khách hàng mới bằng những công nghệ, ý tưởng mới chưa từng có, vì vậy thường liên quan tới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, qua internet đến với thế giới.

Cộng đồng này thường gắn với rủi ro nhưng khi thành công sẽ có những giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh rất cao, có tính đột phá. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chính là cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là những doanh nghiệp trẻ, vừa có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, nghiên cứu và phát triển được những công nghệ mới, vừa nhạy bén với thị trường, có quyết tâm, ý chí phi thường để đưa sản phẩm, dịch vụ mới của họ đến với khách hàng trong nước và quốc tế.

Xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ đa dạng của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam

Xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ đa dạng của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam

Chính vì lý do đó, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay còn gọi là startup là mô hình doanh nghiệp được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng phát triển như Hoa Kỳ, Phần Lan, Singapore...

Được xếp thứ 3 trong danh sách những quốc gia tốt nhất thế giới nên đầu tư vào, Việt Nam là nơi thu hút không ít của các Quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới. Năm nay tiếp tục là một năm khởi sắc khi một loạt các starup Việt nhận được các khoản đầu tư lớn. Ví dụ Tháng 2 Triipme gọi vốn được 10 tỷ đồng; Tháng 3 MoMo do Công ty cổ phần M_Service sở hữu đã nhận được khoản đầu tư lên tới hơn 600 tỷ đồng từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.

Đây có thể coi là một trong những thương vụ gọi vốn thành công nhất của start-up Việt tính đến hiện tại. Tháng 5, Gotit nhận được khoản 200 tỷ đồng và lọt vào Top 2 ứng dụng Apple Store; Tháng 7, Vntrip.vn được đầu tư gần 70 tỷ đồng hay HelloMa nhận được khoảng đầu tư 90 tỷ đồng.

Giai đoạn 2012-2016 cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh khi hiện nay có khoảng 1800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các mô hình này ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Cộng đồng khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đang thu hút dòng vốn nước ngoài

Cộng đồng khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đang thu hút dòng vốn nước ngoài

Có thể kể ra một vài ví dụ về sự thành công của một số start-up nhờ được đầu tư như: Lozi - Mạng xã hội về ẩm thực và mua bán đồ thời trang và điện tử; hiện Lozi có khoảng 400.000 người dùng và doanh thu cũng khoảng 50.000 USD một tháng. Đầu năm 2016, Lozi vừa nhận đầu tư từ Nhật và Singapore, cuối năm nay Lozi dự kiến sẽ tiếp tục gọi vốn. Trong tháng 11 này, Lozi cũng nhận được khoản đầu tư 1 triệu USD từ Hàn Quốc.

Thực tế cho thấy hoạt động khởi nghiệp ĐMST có thể phát triển và thành công không thể thiếu được vai trò của các Quỹ/nhà đầu tư mạo hiểm và các Nhà đầu tư thiên thần. Theo thống kê, hiện có hơn 20 Quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài có hoạt động đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, VinaCapital, 500 startups, v.v.

Tuy nhiên các quỹ này cũng chưa đầu tư thành lập Quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam mà chỉ có văn phòng đại diện để tìm các khoản đầu tư. Gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển của các Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam, số lượng các Quỹ nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Thống kê cho thấy, tổng số thương vụ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam năm 2012 là 24 thương vụ thì đến năm 2015 đã tăng lên 67 thương vụ và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.

Các dự án khởi nghiệp đang tranh thủ tìm kiếm cơ hội đầu tư vốn và khách hàng

Các dự án khởi nghiệp đang tranh thủ tìm kiếm cơ hội đầu tư vốn và khách hàng

Việt Nam hiện nay đã bắt đầu hình thành một số mạng lưới đầu tư thiên thần như: VIC Impact với khoảng 10 nhà đầu tư là doanh nhân khởi nghiệp thành công và một số nhà đầu tư chuyên nghiệp; Hatch! Angel network - mạng lưới nhà đầu tư do tổ chức Hatch hỗ trợ khởi nghiệp hình thành; iAngel - mạng lưới đầu tư thiên thần mới được hình thành, dựa trên thành viên chính là các thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA).

Chính vì vậy, đây chính là thời điểm rất thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với những lợi thế cạnh tranh của mình doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang rất thu hút sự quan tâm chú ý của các Quỹ đầu tư, các nhà đầu tư mạo hiểm và các Dự án quốc tế tài trợ cho khởi nghiệp.

Theo Duy Anh

An ninh thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên