7 biểu đồ 'định hình' cuộc bầu cử Mỹ 2024: Lạm phát được cho là vấn đề 'then chốt'
Cuộc đua vào Nhà Trắng của 2 ứng viên Kamala Harris và Donald Trump được "định hình" bởi 7 vấn đề "nóng hổi", bao gồm lạm phát, buổi tranh luận gây tranh cãi của ông Biden hay chính sách đối ngoại.
Ngày 6/11 sẽ đánh dấu thời điểm kết thúc của cuộc đua vào Nhà Trắng với đầy biến động. Sự cạnh tranh giữa 2 ứng viên Donald Trump và Kamala Harris, và trước đó là Joe Biden, đã thể hiện rõ về quan điểm của các cử tri ở Mỹ, từ kinh tế, chính sách đối ngoại cho đến lập trường của các ứng viên.
Đây là 7 biểu đồ miêu tả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Lạm phát
Lạm phát và chi phí sinh hoạt là những vấn đề then chốt trong sự kiện bầu cử lần này. Các cử tri liên tục cho biết diễn biến của nền kinh tế và tình trạng giá cả tăng cao là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Dù lạm phát đã giảm đáng kể so với mức cao sau đại dịch, nhưng các cử tri vẫn chưa hài lòng vì chi phí vẫn chưa hạ nhiệt. Một số quan điểm cho rằng nguyên nhân của xu hướng này đến từ các chính sách kinh tế của Biden, hay còn gọi là “Bidenomics”.
Trong khi đó, ông Trump tuyên bố rằng lạm phát sẽ biến mất nếu ông tái đắc cử. Còn các nhà kinh tế lại cảnh báo tình hình có thể trở nên khó khăn nếu ông Trump áp thuế nhập khẩu mạnh tay và trục xuất hàng triệu lao động nhập cư.
Hiện tại, với quan điểm của cử tri về vấn đề này, 2 ứng viên gần như ngang nhau. Theo cuộc thăm dò của FT-Michigan Ross, 44% cử tri đi bầu cho biết họ tin tưởng ông Trump hơn trong việc giải quyết các vấn đề về kinh tế, còn 43% ủng hộ bà Harris.
Những buổi tranh luận của các ứng viên
Sau màn tranh luận bị đánh giá là “tồi tệ” của ông Biden vào ngày 27/6, ông đã chịu áp lực lớn từ phía đảng Dân chủ. Ngày 21/7, ông Biden tuyên bố rút khỏi chiến dịch tranh cử và bà Harris là ứng viên thay thế vào ngày 5/8. Chuỗi sự kiện này đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong kết quả của các cuộc thăm dò.
Bà Harris nhanh chóng thu hẹp khoảng cách dẫn trước của ông Trump trong các cuộc thăm dò sau đó. Tuy nhiên, lợi thế của bà lại giảm đi trong những tuần gần đây.
Vấn đề nhập cư
Lượng người nhập cư qua biên giới Mỹ - Mexico trong những năm gần đây đã tăng kỷ lục và trở thành điểm yếu của bà Harris. Theo một cuộc thăm dò của CNN vào tháng 10, nhiều người Mỹ cho biết họ tin tưởng ông Trump sẽ giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn bà Harris. Phần lớn cử tri Mỹ cũng nói rằng họ muốn giảm số người nhập cư.
Số người bị bắt giữ sau khi vượt biên trái phép đã tăng vọt cho đến tháng 12/2023, nhưng giảm mạnh kể từ khi chính quyền Biden áp đặt giới hạn đối với những người xin tị nạn vào tháng 6 và hiện tương tự với số liệu của thời Trump.
Những cáo buộc mà ông Trump phải đối mặt
Hồi tháng 5, ông Trump liên tục bị cáo buộc trong 3 vụ án hình sự. Một bản cáo trạng liên bang còn cáo buộc ông tìm cách thay đổi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và bản cáo trạng khác liên quan đến xử lý sai tài liệu.
Vụ án liên đến tài liệu đã bị một thẩm phán Florida bác bỏ, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ đang kháng cáo quyết định đó và các thủ tục tố tụng ở Georgia về việc can thiệp bầu cử đang bị hoãn lại.
Luật phá thai
Bảo vệ quyền phá thai là một yếu tố cốt lõi trong chiến dịch của bà Harris, trong khi nhiều người cho rằng đây là “điểm yếu” đối với ông Trump. Phó Tổng thống Mỹ đã mạnh mẽ vận động về vấn đề này.
Ngược lại, một số nhà lập pháp và thẩm phán bảo thủ cũng kêu gọi hạn chế người dân thực hiện biện pháp tránh thai và phương pháp khác như thụ tinh trong ống nghiệm.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của công chúng đối với quyền phá thai đã tăng lên trong 15 năm qua, từ mức thấp là 47% cho rằng phá thai nên “được hợp pháp hoá trong tất cả/hầu hết các trường hợp" vào năm 2009 lên mức cao là 63% trong năm nay.
Chính sách đối ngoại
Trump và Harris có quan điểm đối ngoại hoàn toàn khác nhau. Cựu Tổng thống ủng hộ chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” và muốn đạt được thoả thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt mâu thuẫn ở Ukraine.
Trong khi đó, bà Harris lại nhấn mạnh về cam kết với Ukraine và các đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, bà có thể sẽ tiếp tục gây áp lực cho Bắc Kinh bằng thuế quan.
Các khoản tiền đóng góp cho ứng viên
2024 sẽ ghi nhận cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử, khi các chiến dịch tranh cử và các nhóm ủng hộ đã huy động được gần 4 tỷ USD tính đến giữa tháng 10: 2,2 tỷ USD ủng hộ bà Harris và 1,7 tỷ USD cho ông Trump.
Chiến dịch của bà Harris đã nhận được hơn 600.000 khoản đóng góp trong 2 ngày đầu tiên, nhiều hơn bất kỳ ngày nào trong chiến dịch năm 2020 của Biden. Còn ông Trump nhận được sự ủng hộ từ nhiều tỷ phú, bao gồm người thừa kế ngân hàng Timothy Mellon, nhà phát triển sòng bạc Miriam Adelson, ông trùm vận chuyển Richard Uihlein và Elon Musk.
Tham khảo FT
Nhịp sống thị trường