7 bộ phim lột tả chân thực tình cảnh khốn khổ khi thị trường "gặp bão"
Mọi người đều nên biết về các cuộc khủng hoảng tài chính sẽ tác động tới mình như thế nào cũng như trách nhiệm của ngân hàng trung ương, các công ty và cả chúng ta trong việc chống lại ảnh hưởng của nó.
- 07-12-201712 bộ phim hay nhất về phố Wall mà nhà đầu tư nào cũng nên xem một lần
- 01-12-2017Nghe như phim nhưng là thật: "Virus Amazon" khiến doanh nhân mất trắng 400.000 USD, cửa hàng doanh thu 10 triệu USD có nguy cơ sụp đổ
- 14-09-2017Muốn hiểu về bong bóng tài chính thường được so sánh với giá bitcoin hiện nay, hãy xem bộ phim này
1. Cuộc Đại Suy Thoái (The Big Short)
Năm 2005, trong bối cảnh thị trường tài chính và bất động sản phủ đầy màu hồng, Michael Burry - một bác sĩ chuyển nghề quản lý quỹ đầu tư lại khiến tất cả khách hàng của anh ta sửng sốt khi đưa ra lời tiên đoán rằng bong bóng địa ốc sẽ vỡ tan chỉ trong vòng hai năm. Bằng một việc đơn giản nhưng không mấy ai để ý là đọc kỹ các hợp đồng mua bán địa ốc và tìm ra vô số rủi ro tài chính từ chúng, Burry tin chắc rằng quỹ đầu tư Scion của anh cần đi ngược lại xu hướng thị trường bằng việc ký các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng CDS (Credit Default Swap) với những ngân hàng lớn.
Thoáng nghe được câu chuyện đầu tư "điên rồ" của Burry, Jared Vennett - một chuyên viên tài chính tại ngân hàng Deutsche Bank, nhanh chóng nắm bắt được ý đồ và lập tức đi tìm nhà đầu tư để đổ vốn vào thị trường CDS. Cũng bắt nguồn từ ý tưởng của Vennett, hai giao dịch viên trẻ tuổi và vô danh là Charlie Geller và Jamie Shipley bắt đầu tìm cách kiếm lời từ thị trường CDS đầy rủi ro với sự hỗ trợ của chuyên gia tài chính đã về hưu Ben Rickert.
Bộ phim được nằm trong đề cử giải Oscar 2016 với các phim nổi tiếng khác là The Revenant và Mad Max...
2. Quá Lớn Để Sụp Đổ (Too Big to Fail)
Câu chuyện kể lại thời kỳ trước giai đoạn 2008-2009, kinh tế tăng trưởng và tín dụng dồi dào tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng giải ngân những khoản cho vay lỏng lẻo vào các căn địa ốc với tính toán giá nhà đất chỉ tăng mà không thể giảm. Dân chúng dễ dàng mượn tiền mà không cần phải khai man mức lương, còn nhà cửa sau khi mua thị giá cứ tăng vọt. Đến lúc bong bóng vỡ trên thị trường địa ốc thì các khoản nợ xấu bắt đầu nảy nở. Bear Stern, Lehman Brothers ... lần lượt phá sản, trong khi đó Lehman Brothers không được ngân hàng trung ương Mỹ cứu giúp, trở thành điểm bắt đầu cho cuộc hoảng loạn của thị trường tài chính Hoa Kỳ.
Bộ phim kể lại hàng loạt diễn biến ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng toàn cầu khủng khiếp được thực hiện bởi Cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson, Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Ben Bernanke và Cựu Chủ tịch Ngân hàng bang New York Timothy Geithner. Đây chính là bộ ba nhân vật nắm vai trò quan trọng trong việc điều hành ra quyết sách để ngăn chặn cuộc khủng hoảng chưa từng giống với cuộc khủng hoảng nào trước đây .
3. Khủng Hoảng Tài Chính (Inside Job)
Inside Job là bộ phim tài liệu kể lại câu chuyện về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào những năm 1980. Trong phim, đạo diễn Charles H.Ferguson miêu tả hệ thống tài chính thối nát của nước Mỹ, và hậu quả của sự mục nát đó. Bộ phim cũng đã phơi bày những thay đổi trong môi trường chính trị cũng như những mánh khóe trong giới ngân hàng, từ đó lũng đoạn thị trường tài chính và gây nên cuộc khủng hoảng .
Inside Job đã nhận được những đánh giá rất cao của giới phê bình điện ảnh và giới chuyên môn. Bộ phim được chia làm 5 phần: Mọi việc khởi đầu như thế nào? (Phần I) , Bong bóng xuất hiện (Phần II), Khủng hoảng nổ ra (Phần III), Trách nhiệm của chúng ta (Phần IV), Chúng ta đang ở đâu (Phần V) ...
Bộ phim từng được trình chiếu tại liên hoan phim Cannes vào tháng 5/2010 và đã giành chiến thắng tại giải cho phim tài liệu xuất sắc nhất.
3. Chủ nghĩa tư bản: Một câu chuyện tình (Capitalism: A Love Story)
Lấy dẫn chứng bằng những câu chuyện có thật thương tâm, đạo diễn Micheal Moore đã biến bộ phim của mình thành một thứ vũ khí để tấn công vào hệ thống tư bản chủ nghĩa, chỉ trích nó chỉ sinh lợi cho người giàu trong khi đẩy hàng triệu người khác vào cảnh bần cùng.
Bộ phim tập trung vào hậu quả nghiêm trọng mà sự thống trị của các tập đoàn kinh tế và lối sống hưởng thụ quá đà ảnh hưởng đến đời sống của người Mỹ và công dân toàn cầu. Phía phản diện trong bộ phim của Moore là những ngân hàng lớn và những quỹ phòng ngừa rủi ro đã đánh bạc tiền của nhà đầu tư vào những phi vụ phức tạp mà chỉ rất ít, nếu có, người thực sự hiểu được.
Trong lúc đó, các công ty lớn lại luôn nhăm nhe sa thải hàng nghìn nhân viên, bất kể việc luôn mồm khoác lác về những bản báo cáo lợi nhuận.
Micheal Moore cũng cho người xem thấy mối quan hệ khăng khít "ma quỷ" giữa ngân hàng, chính trị gia và các quan chức Bộ Tài chính. Điều đó có nghĩa các quy định được đề ra chỉ để phục vụ lợi ích một số ít người ở Phố Wall - trung tâm tài chính của nước Mỹ, thay vì phục vụ đông đảo dân chúng.
4. Phố Wall: Đồng tiền không bao giờ ngủ quên (Wall Street: Money Never Sleeps)
Gordon Gekko từng là một huyền thoại trên thị trường chứng khoán phố Wall, nhưng sau hàng loạt gian lận về tài chính cùng mánh khóe rửa tiền tinh vi, ông bị tòa án xử 8 năm tù giam. Trong cái ngày được thả tự do, không một ai - bạn bè, đồng nghiệp - năm xưa đến đón Gordon. Cô con gái Winnie cũng vậy, sau cái chết của người anh trai Rudy, cô không bao giờ muốn gặp lại người cha của mình. Suốt một thời gian dài sau đó, Gordon tập trung tâm trí viết sách và cho ra đời cuốn "Liệu lòng tham có tốt?". Kinh nghiệm, sự ảnh hưởng trên thị trường, cùng các mối quan hệ cũ và đặc biệt là bài diễn văn của Gordon tại trường đại học đã tác động mạnh mẽ tới Jake Moore, một thương nhân trẻ tuổi.
Ngân hàng Keller Zabel mà Jake đang làm việc bắt đầu lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Để cứu lấy sự nghiệp ngân hàng khỏi món nợ khổng lồ lên đến hàng tỷ đô la, Jake đến gặp Gordon. Đổi lại, anh phải giúp ông và Winnie- đồng thời là cô bạn gái của anh - nối lại mối quan hệ vốn đã bị đóng băng bao năm nay. Một trò chơi tiền bạc bắt đầu diễn ra giữa những kẻ tài trí và sẵn sàng liều mình vì quyền lực và những món tiền khổng lồ. Trong mỗi cuộc chơi, chỉ duy nhất một người thắng cuộc...
Bộ phim lọt top 5 danh sách đứng đầu bảng xếp hạng Bắc Mỹ sau 2 tuần đầu ra mắt.
5. Cuộc chiến phố Wall (Margin Call )
Toàn bộ diễn biến trong Margin Call chỉ gói gọn trong khoảng 36 tiếng tại một ngân hàng đầu tư có tiếng tại Mỹ. Cuộc khủng khoảng tài chính giai đoạn 2007 - 2008 đã kéo theo sự sụp đổ của vô số công ty cả lớn lẫn nhỏ. Sau khi hoàn thành nốt công việc của một đồng nghiệp vừa bị sa thải, chuyên viên phân tích rủi ro Peter Sullivan tình cờ phát hiện ra ngân hàng đang đứng trước bờ vực phá sản. Ngay lập tức, anh trình báo lên cấp trên Will Emerson rồi lên trưởng phòng bán hàng Sam Rogers. Sự việc quá nghiêm trọng khiến các sếp bự lần lượt xuất hiện để tìm cách giải quyết.
Điểm khác biệt ở Margin Call chính là bộ phim không có nhân vật chính thực thụ, các nhân vật đều có vai trò gần như tương đương, không ai nổi bật lên. Trong nhóm nhân viên của ngân hàng, không có ai tốt hẳn, không có ai xấu hẳn. Thậm chí, những người như Sam, Peter hay Eric dù chiếm được cảm tình của khán giả vẫn lộ ra mong muốn kiếm tiền để rồi bị cuốn theo thời thế.
6. Nữ hoàng của Véc-xai (The Queen of Versailles)
Bộ phim theo chân tỷ phú David Siegel và người vợ thứ ba Jackie, họ cố gắng xây dựng căn nhà khổng lồ rộng khoảng 8350 mét vuông trên đất Mỹ. Biệt thự mang tên Versaille, theo tên thành phố tiêu thụ xa hoa bậc nhất nước Pháp thời trước đây.
Nhưng khủng hoảng tài chính không tha ai, gia đình này sớm phải vật lộn để chống lại cơn bĩ cực để qua những năm 2008-2009. Giá cổ phiếu của công ty người chồng, WestGate Resorts, chạm đáy trong thời kỳ này. Gia đình này không còn có thể đi theo lối sống cũ. Họ buộc phải dừng việc xây dựng ngôi biệt thự nguy nga gồm hai làn bowling, một hầm rượu hai tầng, 11 nhà bếp, 20 gara xe hơi .... và sa thải hàng loạt người phục vụ để duy trì cuộc sống.