7 đặc điểm khác biệt của những đứa trẻ thành công: Số 5 đôi khi khiến cha mẹ rất phiền
Nếu con bạn có tất cả những đặc điểm dưới đây thì xin chúc mừng nhé, vì khả năng thành công của bé là rất lớn.
- 17-06-2022Hành trình thay đổi của con trai cựu Thủ tướng Anh: Từ chàng trai có 'hình ảnh không mấy tốt đẹp' đến người sáng lập công ty công nghệ, kiếm 1,6 tỷ USD trong vòng 8 tháng bất chấp đại dịch
- 15-06-2022Giải mã quốc gia duy nhất trên thế giới không có người mắc ung thư trong gần 40 năm: Bí quyết nằm ở công thức sống tích cực rất đơn giản
- 14-06-2022Hành trình thoát nghèo xuất sắc của ''người đàn bà thép của ngành dầu mỏ'': Từng sống giữa khu ổ chuột khét tiếng, phải đi thu gom phế liệu để có tiền mua sách, đấu tranh từng ngày để sống
Khi tôi bắt đầu sự nghiệp dạy học cho những đứa trẻ có - nhiều - nguy cơ, hầu hết những học sinh của tôi đều sống trong nghèo khổ, là nạn nhân bị lạm dụng, hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức, hoặc có những thiếu khuyết về mặt cảm xúc hoặc thân thể. Tôi muốn tìm ra những cách thức để giúp chúng thành công.
Là một chuyên gia tâm lý làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi đã học được một bài học quan trọng: Sự thành công là kết quả của sự cố gắng, chứ không phải sinh ra đã có, sinh ra là đã thành công. Trẻ em cần một môi trường an toàn, ổn định và đầy tình yêu thương. Bên cạnh đó, các em cũng cần có quyền tự quyết , quyền được chọn những gì chúng muốn làm để phát triển toàn diện.
Sau khi rà soát những cuộc nghiên cứu về các đặc điểm của những đứa trẻ thành công, tôi đã nhận ra có 7 kỹ năng mà các trẻ em cần để rèn giũa và nâng cao sự cứng cỏi, khả năng phục hồi, khả năng hòa nhập xã hội, nhận thức cũng như đạo đức. Và đây chính là những đặc điểm phân biệt những đứa trẻ thành công và tỏa sáng trong tương lai với những đứa trẻ bất ổn.
1. Sự tự tin
Hầu hết các bậc phụ huynh đều đồng nhất 2 khái niệm tự trọng và tự tin. Họ nói với con mình là "Con thật đặc biệt", hoặc "Con có thể là bất cứ thứ gì con muốn".
(Ảnh minh họa)
Nhưng đã có bằng chứng cho thấy việc nâng cao lòng tự trọng sẽ giúp tăng điểm số học hành hoặc thậm chí là hạnh phúc của con trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy những đứa trẻ cho rằng điểm số mà chúng có được là do nỗ lực và thế mạnh của chúng sẽ thành công hơn những đứa trẻ tin rằng chúng không thể kiểm soát được các kết quả học tập.
Sự tự tin thực sự chính là kết quả của việc làm tốt, đối diện với thử thách, tạo ra giải pháp và tự phục hồi sau khi vấp ngã. Việc bạn giải quyết các khó khăn của con, thay con hoàn thành nhiệm vụ sẽ chỉ chúng nghĩ rằng: "Bố mẹ không tin là mình có thể làm được".
Những đứa trẻ tự tin biết rằng chúng có thể thất bại, song sẽ hồi phục lại được, và đó là lý do chúng ta cần giải phóng bản thân khỏi việc can thiệp và "giải cứu" con mỗi khi con gặp vấn đề.
2. Đồng cảm
Đặc điểm này có 3 kiểu khác biệt: Thứ nhất là sự đồng cảm về mặt cảm xúc, tức là khi ta chia sẻ, ta có cùng cảm xúc với người khác; thứ hai là sự đồng cảm về mặt hành vi, tức là khi ta hành động với lòng trắc ẩn; thứ ba là sự đồng cảm về mặt nhận thức, khi ta hiểu được suy nghĩ của ai đó, hoặc đứng vào hoàn cảnh của họ để suy nghĩ.
(Ảnh minh họa)
Trẻ em cần những từ vựng về cảm xúc để phát triển được sự đồng cảm. Đây là những cách mà cha mẹ có thể dạy con điều đó.
- Gọi tên cảm xúc: Đặt tên cảm xúc trong những hoàn cảnh nhất định để giúp chúng xây dựng vốn từ vựng về cảm xúc. Ví dụ: "Con đang vui kìa", "Trông con có vẻ thất vọng".
- Hãy hỏi con các câu hỏi như: "Chuyện đó khiến con cảm thấy ra sao?" "Trông con có vẻ sợ hãi. Mẹ nói có đúng không?" Hãy giúp con bạn nhận ra tất cả các cảm xúc đó là bình thường. Cách mà ta lựa chọn để biểu hiện chúng mới là thứ có thể khiến ta rơi vào rắc rối.
- Chia sẻ cảm xúc: Trẻ em cần các cơ hội để thể hiện các cảm xúc của chúng một cách an toàn: Hãy tạo ra không gian đó bằng cách chia sẻ các cảm xúc của chính bạn như: "Mẹ đã không ngủ đủ, nên bây giờ mẹ đang rất dễ cáu", hoặc "Mẹ cảm thấy rất thất vọng về cuốn sách này".
- Nhận biết cảm xúc của người khác: Hãy chỉ ra các khuôn mặt và ngôn ngữ hình thể tại thư viện hoặc công viên cho con rồi hỏi những câu như: "Con nghĩ người đàn ông kia đang cảm thấy thế nào?", hoặc "Con đã bao giờ cảm thấy như thế chưa?".
3. Tự kiểm soát
Khả năng kiểm soát sự chú ý, cảm xúc, suy nghĩ, hành động và mong muốn của mình là một trong những thế mạnh liên quan nhất đến sự thành công, nó giúp những đứa trẻ có khả năng hồi phục và phát triển mạnh mẽ.
(Ảnh minh họa)
Một trong những cách dạy trẻ tự kiểm soát là cho chúng những tín hiệu. Một số trẻ em cảm thấy rất khó khăn mỗi khi phải thay đổi mục tiêu tập trung trong các hoạt động của mình. Đó là lý do các giáo viên sẽ phải sử dụng "các tín hiệu chú ý", ví dụ như rung chuông, hay các mệnh lệnh kiểu như "Hạ bút xuống, nhìn lên bảng nào.
Bạn hãy phát triển những tín hiệu, cùng con tập luyện, và sau đó yêu cầu con chú ý. Ví dụ: "Mẹ cần con chú ý trong khoảng 1 phút. Con sẵn sàng lắng nghe mẹ chưa?".
Một kỹ thuật khác là sử dụng các cách nhấn nhá, cách dừng câu. Việc bạn nói chậm lại sẽ giúp con có thời gian để suy nghĩ. Dạy con cách dừng câu có thể giúp con biết cách dừng lại và nghĩ trước khi hành động.
Ví dụ, bạn nói với con: "Khi con tức giận, hãy đếm từ 1 đến 10 trước khi trả lời", hoặc "Khi con không chắc điều gì đó, hãy dừng lại, suy nghĩ, và tự bình tĩnh lại".
4. Sự chính trực
Sự chính trực là một hệ thống những niềm tin, khả năng, thái độ và kỹ năng để giúp tạo ra một chiếc "la bàn đạo đức", tức là khả năng giúp con bạn phân biệt đúng sai, và làm những điều đúng thay vì những điều sai.
(Ảnh minh họa)
Việc vạch ra những mong đợi của bạn đóng vai trò quan trọng, nhưng việc cho con không gian để định hình về tư duy đạo đức của riêng chúng, phân biệt nó với tư duy đạo đức của bạn cũng quan trọng không kém.
Nó cũng giúp bạn nhận ra và khen ngợi những hành vi đạo đức tốt của con. Như thế, con bạn sẽ biết rằng bạn đánh giá cao những điều gì. Hãy gọi đó là sự chính trực, sau đó mô tả hành động đó để con biết những gì chúng làm xứng đáng được công nhận.
Hãy sử dụng từ "bởi vì" để khiến lời khen của bạn trở nên cụ thể hơn. Ví dụ "Con đã thể hiện sự chính trực khi con biết giữ lời hứa sẽ đi cùng bạn con, mặc dù con đã phải từ bỏ việc được ngủ nướng vào buổi sáng".
5. Sự tò mò
Sự tò mò chính là sự nhận ra, theo đuổi và mong muốn được khám phá những điều mới mẻ, mang tính thử thách và không chắc chắn.
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy "phát điên" khi con quá tò mò và khiến mọi thứ trong nhà hoặc là lộn xộn, hoặc là hỏng hóc, nhưng thật ra, đây lại là một đặc điểm giúp con thành công hơn trong tương lai.
(Ảnh minh họa)
Để giúp con xây dựng sự tò mò, tôi thường sử dụng những món đồ chơi hoặc các game không giới hạn. Hãy cho chúng sơn, sợi chỉ và các que kẹo mút để tạo ra các công trình. Hoặc cho chúng những chiếc kẹp giấy, que vệ sinh ống nước và đố chúng tạo ra càng nhiều thứ càng tốt.
Một cách khác là hãy kích thích sự tò mò của con. Thay vì bảo con "Thế này không được rồi", hãy nói: "Để xem chuyện gì sẽ xảy ra", thay vì cho chúng sẵn câu trả lời, hãy hỏi chúng: "Con nghĩ sao? Làm sao con biết? Làm sao con tìm ra được điều đó?".
Cuối cùng, khi bạn đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, hãy dùng những câu hỏi có từ "Mẹ băn khoăn..", kiểu như "Mẹ băn khoăn không biết cô ấy đang đi đâu", hoặc "Mẹ băn khoăn không biết tại sao họ lại làm thế", hoặc "Mẹ băn khoăn không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo"...
6. Sự kiên trì
Sự kiên trì sẽ giúp trẻ em tiếp tục làm một việc chúng đang làm thay vì từ bỏ. Những sai lầm có thể khiến con đi chệch hướng và không thể thành công. Vì thế đừng để con bạn quan trọng hóa vấn đề của chúng. Thay vào đó, hãy khiến chúng tin tưởng, tập trung sự chú ý vào mục tiêu của mình.
(Ảnh minh họa)
Một số trẻ em từ bỏ vì chúng cảm thấy quá choáng ngợp với những vấn đề hoặc nhiệm vụ của mình. Hãy phân tách các nhiệm vụ đó thành những phần nhỏ sẽ giúp các em dễ bắt đầu hơn.
Bạn có thể dạy con cách phân tách, chia nhỏ những nhiệm vụ của mình, để các con không bị áp lực quá. Sự tự tin và sự kiên trì sẽ giúp các con dần hoàn thành được những nhiệm vụ lớn hơn.
7. Sự lạc quan
Những đứa trẻ lạc quan luôn coi các thách thức và khó khăn chỉ mang tính tạm thời và có thể vượt qua được, vì thế chúng sẽ dễ dàng thành công hơn.
Trong khi đó, những đứa trẻ bi quan thường nhìn các thách thức đó như là những điều mang tính lâu dài, vĩnh viễn, như những khối bê tông không thể di chuyển, và do đó, khiến chúng muốn từ bỏ hơn.
(Ảnh minh họa)
Việc dạy con suy nghĩ một cách lạc quan, tích cực nên bắt đầu từ chúng ta. Trẻ em sẽ tiếp nhận lời nói của chúng ta hàng ngày, thậm chí ghim sâu vào trong đầu, và sau đó, những điều này có thể biến thành các thông điệp dẫn dắt chúng.
Bạn là người lạc quan hay là người bi quan? Bạn mô tả 1 cốc nước là đầy 1 nửa hay vơi 1 nửa? Tóm lại, cách bạn nhìn nhận vấn đề sẽ đóng vai trò quan trọng trong cách con bạn nhìn vấn đề, nên nếu bạn là người bi quan, hãy học cách thay đổi, vì cả bạn và vì cả tương lai của con bạn nữa.
Michele Borba, tác giả của bài viết là một nhà tâm lý học làm việc trong môi trường giáo dục tại Mỹ. Bà cũng là một chuyên gia về dạy con, và là tác giả của cuốn sách "Thrivers: The Surprising Reasons Why Some Kids Struggle and Others Shine" (Tạm dịch: Những lý do đáng ngạc nhiên về tại sao một số trẻ em thì chật vật còn số khác thì lại tỏa sáng) và cuốn "UnSelfie: Why Empathetic Kids Succeed in Our All-About Me World" (Tạm dịch: Vị nhân sinh: Tại sao những đứa trẻ biết đồng cảm lại thành công trong xã hội vị kỷ). Hiện bà đang sống ở Palm Springs, bang California cùng chồng và có 3 cậu con trai.
Theo CNBC
Trí Thức Trẻ