MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 dấu hiệu điển hình của người EQ thấp nơi công sở

26-11-2022 - 22:25 PM | Sống

7 dấu hiệu điển hình của người EQ thấp nơi công sở

Trong môi trường làm việc, bạn phải trở thành một người chín chắn. Đừng để những hành động "ngây thơ, non nớt" cản trở con đường sự nghiệp của bản thân.


1. Tính tình quá thẳng thắn, dễ làm mất lòng mọi người

Ở nơi làm việc sẽ có một số người dường như không bao giờ quan tâm đến cảm xúc của người khác. Nhóm người này thường có tính cách thẳng thắn. Không hẳn là đối với mọi người, mọi việc đều có thành kiến ​​hay ác ý. Họ là những người "Khẩu xà tâm phật", có tấm lòng ấm áp, thích giúp đỡ người khác nhưng lại ăn nói không được khôn khéo làm mất lòng người khác.

Tính cách này, trong giao tiếp và hợp tác với mọi người, sẽ là một trở ngại lớn thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bản thân.

Chính vì thế, muốn tồn tại lâu dài trong công ty, muốn có thêm nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp chúng ta phải biết chú trọng đến lời ăn tiếng nói của mình. Có như vậy mới có thể tránh làm phật lòng những người xung quanh, tạo dựng nhiều mối quan hệ tốt từ đó đường công danh cũng sẽ ngày càng rộng mở.

2. Quá phụ thuộc vào người khác

7 dấu hiệu điển hình của người EQ thấp nơi công sở - Ảnh 1.

 Trong giáo dục truyền thống, cả giáo viên và cha mẹ đều dạy dỗ chúng ta phải biết vâng lời. Vì vậy, nhân viên mới bước chân vào chốn công sở hầu như đều quen với tâm lý ám thị. Cấp trên bảo gì thì phải làm cho bằng được, bất kể công việc gì. Theo thời gian, họ đã dần trở thành những "người chạy vặt chuyên nghiệp". Mua trà chiều cho mọi người, in ấn và sao chép tài liệu, rót nước ... hoặc làm một số việc vặt vãnh không đáng có ở nơi làm việc.

Trên thực tế, không có gì sai khi giúp người khác làm những việc nhỏ nhặt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải làm những việc vặt vãnh ấy từ ngày này qua ngày khác. Càng không phải cứ ngồi chờ đợi lãnh đạo sắp xếp công việc cho mình mỗi ngày, chờ đợi các chỉ thị cho biết mình cần phải làm gì.

Không có ai ở nơi làm việc có thời gian rảnh rỗi để dạy bạn những điều này. Và cũng không ai ở nơi làm việc có thể luôn chú ý đến tình trạng công việc của bạn. Bạn phải học cách chủ động tìm tòi, chủ động suy nghĩ, chủ động chinh phục và tìm ra thế mạnh của bản thân.

3. Không chịu học hỏi

Sự khác biệt lớn nhất giữa con người và động vật là con người có thể suy nghĩ và học hỏi không ngừng. Nhưng trong môi trường làm việc, đặc biệt là các "cựu chiến binh" làm việc lâu năm thường có suy nghĩ rằng mình đã đủ chín chắn, đã học được tất cả mọi thứ. Do đó từ chối học hỏi, từ chối phát triển, từ chối tiếp thu những cái mới mẻ.

Lạc quan và tự tin là đức tính tốt nhưng sự lạc quan và tự tin mù quáng sẽ chỉ ngăn bản thân tiến lên phía trước. Ở nơi làm việc phải luôn giữ thái độ học hỏi, liên tục cập nhật kiến ​​thức kinh doanh, vận hành phần mềm văn phòng và các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết… hoặc có thể học hỏi từ những ưu điểm của những người xung quanh để có thêm kinh nghiệm.

Những người không "dám nghĩ, dám làm", không chịu học hỏi, trau dồi sớm muộn cũng sẽ bị đào thải khỏi nơi làm việc.

4. Quá nhạy cảm, không kiểm soát được cảm xúc của mình

7 dấu hiệu điển hình của người EQ thấp nơi công sở - Ảnh 2.

 Khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự trưởng thành của một người. Ở nơi làm việc, dù là người có chức vụ cao hay cấp thấp mà không kiềm chế được tính nóng nảy của mình thì sớm muộn gì cũng sẽ trở thành kẻ thất bại.

Vì một chuyện nhỏ nhặt, mà nổi cơn thịnh nộ thậm chí chửi thề. Hay vì một chút bất mãn mà than thở hoặc cuồng loạn… Tóm lại, những người nhạy cảm rất dễ mất kiểm soát cảm xúc của mình. Họ dễ xúc động, dễ nổi nóng, không nghĩ đến hậu quả của những việc mình làm. Đây cũng là biểu hiện của sự thiếu chín chắn trong công việc.

Chốn công sở giống như một vở kịch, tất cả đều phụ thuộc vào kỹ năng diễn xuất. Vì vậy, hãy học cách trở thành một người trầm lặng. Không nên vì chuyện cá nhân mà ảnh hưởng đến công việc, quan hệ đồng nghiệp, sự nghiệp của bản thân!

5. Nói được nhưng không làm được

Dù là một người mới bước vào công việc hay một nhân viên làm việc lâu năm đều thường mắc chung một sai lầm: "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa".

Hay nói cách khác, đó là những người nói được nhưng không làm được. Nói thì rất mạnh mẽ, rất nhưng khi thực hiện công việc thì lại bỏ dở hoặc làm không đến nơi đến chốn do năng lực thấp. Về lâu dài, sẽ dần đánh mất sự tin tưởng của mọi người, không thể phát triển bản thân thậm chí là đánh mất luôn vị trí của mình trong công việc.

Trên thực tế, tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở nơi làm việc, dù là tân binh mới vào hay những nhân viên kỳ cựu đề ít nhiều mắc phải. Theo thời gian, họ sẽ có xu hướng chán ghét làm những việc đơn giản trong khi những việc khó thì lại không làm được. Vì vậy, mỗi ngày đều nhăn nhó, càu nhàu, mang đầy năng lượng tiêu cực. Kết quả là dần mất đi ước mơ, tham vọng, tự mình trì hoãn tốc độ thành công của chính mình.

Để có thể chinh phục được công việc, chúng ta cần bắt đầu từ những việc đơn giản, nhỏ nhặt nhất. Nắm vững được nền tảng kiến thức cơ bản. Từ đó dần dần trau dồi bản thân, nâng cao năng lực làm việc. Có như vậy mới thực hiện được những hoài bão to lớn.

6. "Thùng rỗng kêu to"

7 dấu hiệu điển hình của người EQ thấp nơi công sở - Ảnh 3.

 Bất kể ở nơi đâu, chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những kẻ "Thùng rỗng kêu to", luôn cho mình là nhất.

Những người tự cao tự đại thường ra vẻ nhìn thấu sự đời. Trong bất kỳ lúc hoàn cảnh nào, họ đều cảm thấy hài lòng về bản thân: thông minh! sáng kiến! tích cực. Trong khi những người thông minh thực sự lại rất khiêm tốn, kiệm lời.

Rất nhiều người trẻ tuổi mới bước ra xã hội không biết "trời cao đất dày", thích đắm chìm trong mộng tưởng. Họ thích thể hiện bản thân quá mức cho phép với mong muốn cấp trên có thể nhìn ra mình là một nhân viên ưu tú, xuất sắc.

Trong công việc, chúng ta cần phải biết rõ được năng lực của chính mình. Đừng vì chút sĩ diện hảo mà huênh hoang, khoác lác, phóng đại sức mạnh bản thân. Điều này sẽ khiến bạn đánh mất sự tín nhiệm của lãnh đạo cũng như đồng nghiệp và những người xung quanh.

7. Trốn tránh giao tiếp

Có rất nhiều người ở nhà sợ bố mẹ, ở trường sợ thầy cô, ở công ty thì sợ lãnh đạo, ngày nào cũng sống trong lo lắng sợ hãi và luôn tìm cách trốn tránh.. Nhưng chốn công sở không phải là trường học càng không phải là nhà của mình, sẽ chẳng ai quan tâm đến sự sợ hãi của bạn, họ chỉ quan tâm đến năng lực của bạn mà thôi.

Nơi làm việc không phải là nhà, không ai có nhiệm vụ chăm sóc, chiều chuộng bạn. Nơi làm việc không phải là trường học, không ai có nghĩa vụ phải dạy dỗ bạn từng li từng tí.

Chủ động né tránh giao tiếp với người trong công ty là biểu hiện của sự thiếu tự tin, kém cỏi và thiếu tôn trọng người khác và thiếu tôn trọng chính bản thân mình. Nếu bạn không thể duy trì liên lạc chặt chẽ với cấp trên và đồng nghiệp, bạn sẽ khó có được sự tin tưởng của mọi người, khó đảm đương được những trọng trách lớn lao.

Nơi làm việc giống như "chiến trường". Cho dù bạn là lính mới ở nơi làm việc hay một cựu chiến binh dày dặn kinh nghiệm, muốn đứng vững, thăng tiến nhanh, nhất định phải trau dồi "kỹ năng tác chiến" thuần thục.

Hoa Thu

Phụ Nữ Việt Nam

Trở lên trên