CPTPP là FTA thế hệ 2.0, gây bất lợi cho chính sách thương mại của Trung Quốc nhưng sự vắng mặt của Mỹ tạo cơ hội cho Bắc Kinh "lật kèo"
Việc Trung Quốc muốn trở thành thành viên của CPTPP đã nhiều lần được lãnh đạo cấp cao của nước này, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc tới. Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (VNUA), gia nhập CPTPP sẽ mang lại cho Bắc Kinh những lợi ích to lớn cả về kinh tế lẫn địa chính trị.
- 17-09-2021Tại sao Trung Quốc lại xin gia nhập CPTPP và các nước thành viên được gì, mất gì với sự hiện diện của Bắc Kinh?
- 17-09-2021Dần lộ diện ngành tiếp theo ở Trung Quốc sắp "bay màu", nhà đầu tư sợ hãi tháo chạy
- 16-09-2021Reuters: Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP
- 16-09-2021Hàng trăm nghìn người bỗng thất nghiệp chỉ sau 1 đêm, điều gì đang xảy ra ở Trung Quốc?
- 16-09-2021Trung Quốc và thành tích đáng nể: Hơn 1 tỷ dân đã được tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ
Trao đổi với Tri Thức Trẻ, TS Phạm Sỹ Thành nói rằng, đầu tiên, Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ tác động lên luật chơi thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh những cải cách đối với WTO vẫn giậm chân tại chỗ, các quốc gia đã tìm kiếm sự thay thế bằng cách thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hoặc mang tính khu vực.
Nhiều trong số đó là các FTA chất lượng cao, được gọi là FTA 2.0 vì chúng hướng đến các vấn đề "vượt lên trên thuế quan". Các FTA này không còn chú trọng nhiều đến giảm thuế suất mà ưu tiên các vấn đề về thể chế, sở hữu trí tuệ, tính minh bạch của khu vực công, mua sắm chính phủ, lao động và môi trường.
CPTPP là một trong những FTA thế hệ 2.0 như vậy. Đối với Trung Quốc, các FTA kiểu này hiển nhiên sẽ bất lợi cho chính sách thương mại của quốc gia này khi các vấn đề trợ giá, các chính sách mua sắm chính phủ ưu ái doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp nhà nước một cách công khai, các vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ... vẫn còn nổi cộm.
"Vì thế, sau khi đã đưa được nhiều thành viên của CPTPP vào một cuộc chơi kiểu cũ là RCEP – với hầu như không có bất kỳ ưu điểm gì của FTA 2.0 – việc tranh thủ gia nhập khi CPTPP vẫn hoãn thực thi với 20 nhóm nghĩa vụ là một cách thức để Trung Quốc (có lẽ) ngăn cản thực thi hoặc thay đổi cách thực thi các nội dung này, đưa nó về dạng một FTA thông thường", ông Thành nhận định.
Việc Trung Quốc tham gia CPTTP mà không có Mỹ có thể được coi là tạo ra một "RCEP-II" tiên tiến, miễn là các điều khoản được ký kết trong "RCEP-I" được nâng cấp để phù hợp chặt chẽ với các điều khoản trong các chương của CPTPP.
Khi nhìn lại các quy định của CPTPP, có thể nhận thấy các thành viên CPTPP có thể điều chỉnh hiệp định nếu tất cả đều đồng ý. CPTPP luôn được thiết kế như một "hiệp định sống", có nghĩa là nó đã được mở để điều chỉnh ngay từ đầu. Các thành viên có thể tận dụng cơ hội để điều chỉnh các cam kết của mình, mang lại một số tự do hóa thuế quan hoặc loại bỏ/điều chỉnh các dịch vụ và hạn chế đầu tư của riêng mình.
Thứ hai, về mặt thời điểm, TS Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh đây là thời cơ vàng để Trung Quốc gia nhập CPTPP. Những gì đã diễn ra với RCEP hoặc các FTA song phương giữa Trung Quốc với các nước cho thấy trở ngại lớn nhất đối với Trung Quốc khi gia nhập một FTA 2.0 là quốc gia này không thể từ bỏ sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như không sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu cao hơn về sở hữu trí tuệ, bỏ vệ môi trường hoặc công đoàn.
"Nhưng khi CPTPP hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ, các quốc gia thành viên đã tạo ra một lỗ hổng lớn và Trung Quốc đã nhìn thấy thời cơ của mình. Nếu nhìn vào 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn của CPTPP chúng ta sẽ thấy nó gần như bao trùm toàn bộ những gì làm nên tính chất 2.0 của FTA này", ông Thành nhận định.
Các nhóm nghĩa vụ hoãn thực thi bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng.
"Nói cách khác, không thực thi 20 nhóm nghĩa vụ này thì Trung Quốc không có gì phải lo ngại hoặc phải thay đổi nhiều để gia nhập", ông Thành nói.
Thứ ba, trở thành thành viên của CPTPP giúp Trung Quốc hoàn thiện hơn danh sách FTA của mình. Trong 11 nước thành viên của CPTPP hiện nay Trung Quốc đã có FTA song phương và/hoặc mang tính khu vực (thông qua khối ASEAN và/hoặc RCEP) với 9 nước, chỉ còn lại Canada và Mexico. Canada là nước đang được Trung Quốc đưa vào nhóm FTA "đang nghiên cứu". Do đó, nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng xuất khẩu sang Canada – một cửa ngõ quan trọng để xuất vòng sang Mỹ.
Thứ tư, Trung Quốc có cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu sang khu vực Bắc Mỹ. Sự xuất hiện của các FTA có độ phủ rộng như RCEP và CPTPP đã tạo lợi thế lớn lao cho các doanh nghiệp Trung Quốc về xuất xứ hàng hóa. Mặc dù quy định về xuất xứ hàng hóa với nhiều loại hàng xuất khẩu của CPTPP rất ngặt nghèo, chẳng hạn hàng dệt may có quy định chứng nhận xuất xứ từ sợi, nhưng đây lại là lợi thế lớn của Trung Quốc do có chuỗi cung ứng rất hoàn thiện. Với mức thuế suất 12-16% đối với hàng dệt may, nếu gia nhập được CPTPP thì cánh cổng để tăng cường xuất khẩu sang Canada sẽ rất thuận lợi đối với các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc.
Thứ năm, trở thành thành viên CPTPP có thể định dạng lại chuỗi cung ứng khu vực có lợi cho Trung Quốc. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các thay đổi chính sách ngoại quyết liệt và đối nội ngày càng gắt gao của Trung Quốc đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Đây là một mối đe dọa đối với vị thế của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu.
Vì thế, vào tháng 7/2021, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố một bản quy hoạch phát triển mới (cho giai đoạn 5 năm lần thứ 14) trong đó nhấn mạnh việc thắt chặt quan hệ chuỗi cung ứng với các nước láng giềng và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực có lợi cho Trung Quốc.
Chúng ta đều hiểu bản chất của mỗi một FTA là một dạng định hình chuỗi cung ứng mang tính khích lệ cao – doanh nghiệp nào có xuất xứ hàng hóa từ các nước thành viên mới được thuế quan ưu đãi. Vì vậy, nếu càng có nhiều FTA không có sự tham gia của Trung Quốc thì càng có nhiều chuỗi cung ứng mà Trung Quốc sẽ dần bị đào thải một cách lý trí. Việc gia nhập CPTPP sẽ giúp Trung Quốc thay đổi điều này, ít nhất là ở trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ sáu, việc gia nhập CPTPP sẽ giúp Trung Quốc củng cố ưu thế ngoại giao dẫn đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc thắt chặt quan hệ kinh tế với các nước tại khu vực này có lẽ thể hiện rõ hơn bất kỳ chính sách của Trung Quốc trong việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế và thương mại để tạo ra sự gắn kết ngày càng khiến các nước trong khu vực phải cân nhắc hoặc trả giá lớn nếu đi ngược lại với các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh.
Trong số 16 FTA đã có hiệu lực và 8 FTA đang đàm phán của mình, châu Á – Thái Bình Dương là nơi duy nhất mà Trung Quốc có FTA mang tính khu vực, gồm ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), ASEAN – Hong Kong (AHKFTA) và RCEP. Nếu gia nhập CPTPP thành công thì con số này sẽ là 4/25.
"Sự gắn kết thương mại, đầu tư này rõ ràng là một ưu thế ngoại giao cốt lõi – giúp định dạng sức mạnh mềm của Trung Quốc ở khu vực một cách chắc chắn bất chấp những xung đột về lợi ích chính trị và ngoại giao", ông Thành nói.
Cuối cùng, nhưng không phải là tất cả, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ thay đổi cách thức mở cửa – thu hút doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn là theo đuổi chủ nghĩa trọng thương. Tuy nhiên, việc xây dựng hình ảnh và tầm ảnh hưởng như một quốc gia toàn cầu theo đuổi và ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong kinh tế vẫn là một mục tiêu ngoại giao hấp dẫn mà các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ còn kiên trì trong một thời gian dài.
"Ý nghĩa của chính sách này là giúp Trung Quốc phá vỡ thế bao vây của Mỹ về mặt thương mại và xây dựng các chuẩn mực mới nhằm kiềm chế Trung Quốc", TS. Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh.