7 thuật quản trị kinh điển bạn phải biết: Trở thành nhà lãnh đạo giỏi chưa bao giờ dễ dàng đến thế
Bạn là một lãnh đạo luôn thấy tổ chức của mình không ổn định, gặp vấn đề về nhân sự? Bạn là một quản lý mới toanh, đang loay hoay để để tìm cách dẫn dắt nhân viên?Câu chuyện Nhìn người như đếm cừu được đúc kết từ trí tuệ nghìn năm dưới đây sẽ cho bạn những bài học quý giá, giúp bạn trở thành một nhà quản lí kiệt xuất mà bạn luôn mong muốn.
Nhà lãnh đạo vĩ đại học bài học đầu tiên từ "Đạo của người chăn cừu"
"Nhìn người như đếm cừu", cuốn sách được viết bởi hai người đàn ông nổi tiếng William Pentak và Kevin Leman là câu chuyện kể về Ted, một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại MBA, sau cuộc phỏng vấn biết tin mình được nhận vào làm việc ở General Technologies – một công ty có tiếng đã phi như bay dọc đại lộ Speedway đến khu Trường Đại học Kinh tế, chạy dọc ba cái thang cuốn và lao vào văn phòng của tiến sĩ Neumann – người thầy đáng kính của mình để báo lại sự kiện quan trọng này.
Trong niềm vui mừng khôn xiết cùng lời chúc mừng của thầy Neumann, Ted bỗng ấp úng thổ lộ ra nỗi lòng của mình. Rằng mảng tài chính không có vấn đề gì với anh chàng cả, tuy nhiên anh được giao cho nhiệm vụ phải quản lí 9 người dưới mình, mà từ trước đến nay Ted chưa quản lí ai bao giờ cả, dù chỉ là một người. Bỗng chốc anh cảm thấy không biết phải bắt đầu thế nào.
Thầy Neumann suy ngẫm và đưa ra một lời đề nghị, ông có thể dạy Ted những bí quyết quản lí nhân sự, thế nhưng bù lại Ted phải dành tất cả các buổi sáng ngủ nướng ngày thứ 7 của mình để duy trì khóa học cùng thầy, kể từ giờ cho đến khi tốt nghiệp.
Ngỡ ngàng và hoang mang trước lời đề nghị, Ted mất một đêm suy nghĩ để trả lời câu hỏi của thầy.
Và sáng hôm sau, chàng sinh viên trẻ háo hức đứng đợi thầy trước cổng trường đại học với vô vàn kỳ vọng vào việc mình sẽ được học những bài học quản lí bổ ích. Thế nhưng Ted vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy thầy Neumann xuất hiện cùng một chiếc xe tải cũ kĩ, mặc bộ đồ bạc màu và đôi bốt cũ sờn rách đến gặp anh. Chưa bao giờ anh thấy thầy mặc một thứ gì khác ngoài áo choàng và cà vạt, và lúc anh kịp nhận ra cũng cả hai đang sốc nảy trên con đường tới trang trại của thầy nằm ở vùng đồi bang Texas.
Khi đến nơi, chàng Ted cũng chẳng thấy những bài học quản lí đâu cả, thứ anh thấy chỉ là những con cừu hôi hám, và một vị giáo sư - nhà tư vấn hàng đầu của trường kinh doanh MBA cả buổi sáng chỉ vạch lông để xem những con cừu có bị bọ, ghẻ hay bất cứ dấu hiệu bệnh tật nào không. Chẳng những thế, ông làm hết những công việc bẩn thỉu, còn thao thao bất tuyệt về những căn bệnh đáng sợ của cừu.
Chán nản xen lẫn thất vọng, Ted sốt sắng hỏi về việc khi nào cả hai mới có thể bắt đầu việc học thì thầy Neumann liền nói sẽ đưa anh trở về trường.
"Thầy nói trở về trường ý là sao ạ? Em tưởng mình bỏ ngày thứ Bảy để học cách quản lí nhân sự cơ mà? Và tất cả những gì chúng ta làm từ sáng tới giờ chỉ là đi dạo quanh một lũ cừu hôi hám!"
Tiến sĩ Neumann chỉ bình tĩnh uống trà, "Chúng ta học xong rồi đấy – và còn nữa, chúng không phải là một lũ cừu hôi hám, Ted ạ!
Em vừa học xong bài học đầu tiên về cách quản lí người khác rồi đấy, chính là lúc chúng ta ở ngoài cánh đồng và đúng em đã bỏ lỡ nó. Nhưng thầy không ngạc nhiên lắm, nhiều nhà quản lí khác cũng đã mắc phải vấn đề tương tự.
Khi em bắt đầu làm việc tại General Technologies, em sẽ bắt đầu với một nhóm chín nhân viên. Để trở thành một nhà lãnh đạo thành công, em phải tương tác với họ theo cách gần giống như khi một người chăn cừu tương tác với đàn cừu của mình vậy. Vì vậy, nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại, em sẽ phải học được Đạo của một Kẻ chăn cừu."
"Đạo của một kẻ chăn cừu ư?" – Ted ngập ngừng hỏi lại.
7 nguyên tắc trong "Đạo của người chăn cừu": Trở thành lãnh đạo vĩ đại trong tầm tay
Để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại chưa bao giờ là dễ dàng cả. Bạn sẽ phải cam kết theo đuổi con đường đó tới cùng, phải có ý chí vững vàng và đặt toàn tâm toàn lực vào đó. Bạn cũng sẽ bị tổn thương cảm xúc của mình khi phải sử dụng chiếc roi, và đôi khi gây tổn thương cho nhân viên. Bạn sẽ phải làm những điều mà bạn chẳng bao giờ muốn. Nhưng chắc chắn, cái giá ấy là xứng đáng để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại, dẫn dắt đội nhóm/tổ chức của mình đến với thành công.
Và dưới đây chính là 7 nguyên tắc trong đạo của kẻ chăn cừu mà bạn có thể học hỏi:
1. Hiểu rõ tình trạng của đàn cừu
Bạn phải thực sự quan tâm đến nhân viên của mình. Bạn có thể làm tất cả mọi thứ rất bài bản, nhưng nếu không thực sự quan tâm đến những người làm việc dưới quyền mình, bạn sẽ không bao giờ có thể trở thành kiểu lãnh đạo để họ sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để đi theo.
2. Tìm hiểu đặc điểm của từng con cừu
Việc lựa chọn con cừu nào có thể khiến việc quản lí đàn cừu dễ dàng hơn hoặc khó khăn hơn. Nếu bạn không mua đúng con bạn cần thì sẽ rước về nhà mình những vấn đề của người khác mà thôi.
3. Giúp đàn cừu nhận diện được bạn
Người ta luôn muốn đi theo một lãnh đạo có phẩm giá, có thể tin tưởng được và biết cảm thông với nhân viên của mình.
4. Xây dựng đồng cỏ của bạn thành nơi an toàn
Nếu bạn có thể tạo ra một nơi an toàn để các nhân viên của mình có thể làm việc trong bầu không khí tập trung, bạn sẽ phải ngạc nhiên về những thành quả mà họ có thể đạt được đấy.
5. Cây gậy chỉ huy
Dù bạn có cố gắng đến đâu để giữ nhân viên lại gần nhau và đi đúng hướng, thì cũng sẽ có lúc một vài người trong số họ đi lạc và gặp rắc rối. Việc đó chắc chắn sẽ xảy ra. Khi đó hãy tìm đến và cứu thoát họ.
6. Cây chùy trừng phạt
Trách nhiệm của một nhà lãnh đạo là phải đứng ra giải quyết vấn đề cho các thành viên trong đội của mình.
7. Cái tâm của kẻ chăn cừu
Để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại là vô cùng vất vả và tốn rất nhiều công sức. Và hơn thế nữa, nó đòi hỏi sự cố gắng không ngừng nghỉ. Những người có thể làm tốt điều đó và họ làm được như vậy vì họ bằng lòng trả giá. Đó là bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian, phải cam kết theo đuổi con đường đó tới cùng, phải có một ý chí vững vàng và sẽ phải đặt toàn tâm toàn lực vào đó.
Con đường này đòi hỏi bạn phải trả giá bằng chính bản thân, cuộc đời của bạn.
Nếu bạn dám đi, bạn chính là một nhà lãnh đạo vĩ đại trong tương lai không xa.
*Bài viết dựa theo quan điểm của William Pentak và Kevin Leman trong cuốn sách "Nhìn người như đếm cừu".
Trí thức trẻ