70% người Việt có xu hướng tiết kiệm tiền nhàn rỗi
Khảo sát cho thấy, trong quý II/2018, có đến 70% người tiêu dùng Việt Nam khi được hỏi đã cho biết mong muốn tiết kiệm tiền nhàn rỗi.
Số liệu khảo sát mới nhất được thực hiện bởi The Conference Board® và Nielsen - Công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế có chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, nhưng suy nghĩ về suy thoái kinh tế của người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao khi 48% người được hỏi cho rằng đất nước vẫn đang trong thời kỳ suy thoái.
Tuy nhiên, gần 5/10 người được hỏi cảm thấy tích cực về việc quốc gia sẽ thoát khỏi suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới (tăng 46% ở Quý II so với 38% trong quý I/2018).
Người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm. (Ảnh minh họa: nielsen)
Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục lạc quan về tình trạng tài chính cá nhân của họ. 76% nhận định rằng, tình trạng tài chính cá nhân của họ tốt hoặc xuất sắc trong 12 tháng tới, nhưng gần 1/2 số người được hỏi đã cho rằng, đây không phải là thời điểm tốt để mua sắm chi tiêu.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám Đốc Nielsen Việt Nam, mặc dù không có chỉ số kinh tế nào cho thấy đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, nhưng người tiêu dùng vẫn tiếp tục tin rằng, tình hình hiện tại không thực sự tích cực và tương lai vẫn chưa được xác định chắc chắn. “Suy nghĩ và nhận định này có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc chi tiêu và tiết kiệm của người tiêu dùng”, bà Quỳnh chỉ rõ.
Theo báo cáo khảo sát, người tiêu dùng Đông Nam Á dẫn đầu khi nói đến tiết kiệm, và ý định này vẫn không thay đổi trong hai năm qua. Trong quý II/2018, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam mong muốn tiết kiệm chiếm đến 70%.
Tuy nhiên, sau khi chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi tiêu cho các hạng mục lớn vì họ muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. 49% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ và du lịch, 46% người tiêu dùng Việt Nam muốn chi tiền cho quần áo và các sản phẩm công nghệ mới. Ngoài ra, 43% người Việt muốn chi cho các hoạt động giải trí gia đình và 38% muốn chi tiêu cho việc nâng cấp/trang trí nhà cửa.
“Người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục dể dành tiền tiết kiệm cho tương lai của họ và con cái họ. Với sự quan tâm về sức khỏe và phúc lợi trở thành những ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng, sản phẩm và dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu lớn về chăm sóc sức khỏe sẽ chiếm được tâm trí và tình cảm của người Việt” bà Quỳnh giải thích./.
VOV