MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

70% quản lý cấp trung nghỉ việc chỉ vì một câu nói của CEO và bài học: Khi đang ở thế "tuyệt đỉnh cô đơn", đừng tự đẩy cộng sự thành đối thủ!

12-08-2020 - 22:22 PM | Sống

Trong bối cảnh Covid-19 kéo tụt doanh thu offline của các doanh nghiệp bán lẻ, một doanh nghiệp sở hữu 12 cửa hàng tại Hà Nội và TPHCM đã triệu tập các trưởng bộ phận để bàn giải pháp tháo gỡ. Đóng bớt số cửa hàng? CEO lắc đầu cho rằng không hợp lý. Cắt giảm chi phí X? Không hiệu quả. Cuộc họp bàn cách tháo gỡ khó khăn kéo dài trong bế tắc và mệt mỏi, khi mọi ý kiến đưa ra đều bị CEO bác bỏ.

Câu chuyện về một doanh nghiệp bán lẻ mất 70% nhân sự cấp trung được đưa ra làm case study tại tọa đàm trực tuyến nhan đề "Vượt bão - Tâm thế lãnh đạo trong khủng hoảng" do Like A Tree tổ chức mới đây.

Bà Vũ Hạnh Hoa - Tổng thư kí Câu lạc bộ Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO), Co-Founder của Like A Tree - đã chia sẻ lại câu chuyện được nghe từ một trưởng bộ phận của doanh nghiệp trên.

Trong bối cảnh Covid-19 kéo tụt doanh thu offline của các doanh nghiệp bán lẻ, một doanh nghiệp có 12 cửa hàng tại Hà Nội và TPHCM đã triệu tập các trưởng bộ phận để bàn giải pháp tháo gỡ.

Các trưởng bộ phận đưa ra rất nhiều giải pháp. Đóng bớt số cửa hàng? CEO lắc đầu cho rằng không hợp lý. Cắt giảm chi phí X? CEO cho rằng cách đấy không hiệu quả. Cuộc họp bàn cách tháo gỡ khó khăn kéo dài trong bế tắc và mệt mỏi, khi mọi ý kiến đưa ra đều bị CEO bác bỏ.

Cuối cuộc họp, vị CEO này tuyên bố kết luận cuối cùng: Tất cả trưởng bộ phận PHẢI giảm lương 50% - 70%.

"Một trưởng bộ phận công ty kể lại với tôi rằng đội ngũ trưởng bộ phận hôm ấy thấy hụt hẫng. Đây chỉ là cuộc họp mang tính hình thức. Quyết định này CEO tự quyết từ trước nhưng không nói thẳng với họ", bà Hoa thuật lại.

"Cuộc họp bàn kết luận giảm lương 50% - 70% ấy là cuộc họp lần đầu tiên mọi người cảm thấy khủng hoảng với CEO. Từ thời điểm ấy trở đi, những gì CEO nói họ cảm thấy không đáng tin cậy, và quyết định CEO đưa ra dường như là bất lợi với nhân viên".

Điều gì đã đẩy CEO đi tới quyết định như vậy?


Khi đang ở thế ‘tuyệt đỉnh cô đơn’, đừng tự đẩy cộng sự thành đối thủ!

 70% quản lý cấp trung nghỉ việc chỉ vì một câu nói của CEO và bài học: Khi đang ở thế ‘tuyệt đỉnh cô đơn’, đừng tự đẩy cộng sự thành đối thủ!  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Lam - CEO hệ thống Ô Mai Hồng Lam.

"Quá non", "Vô cùng hoảng loạn" là nhận định của ông Nguyễn Hồng Lam - CEO hệ thống Ô Mai Hồng Lam và ông Lê Quốc Vinh - Founder Le Bros - về vị CEO trẻ trong case study trên.

Trong đó, vấn đề lớn nhất của vị CEO này là sự cô đơn, khi không cho rằng các cộng sự trong công ty có thể chia sẻ khó khăn với mình.

"Ngay cả khi đương thành công, bình an, anh ta đã cô đơn sẵn. Khi có khó khăn sự cô đơn ấy trở thành ‘tuyệt đỉnh cô đơn’".

"Anh ta không có bạn, và tự đẩy cộng sự thành đối thủ ngay trong chính công ty. Anh ta đang trên đỉnh cô đơn chứ không phải trên đỉnh quyền lực", ông Hồng Lam nhận định.

Những vấn đề trong "tâm" ấy dẫn tới những sai lầm trong quyết định của CEO khi đối mặt với khó khăn. Đối phó với rủi ro, theo kinh nghiệm của ông chủ Hồng Lam, nên "xã hội hóa" rủi ro ấy, để mọi người cùng chia sẻ khó khăn, đưa ra giải pháp, và chia sẻ rủi ro một cách tự nguyện.

"Thực ra, giảm lương 50% - 70% của cán bộ không giải quyết được nhiều, mà giải pháp phần lớn phải thực hiện từ thị trường", ông chủ Hồng Lam cho biết.

Ông Lê Quốc Vinh cũng chia sẻ kinh nghiệm vượt khó khăn của chính doanh nghiệp mình, khi làn sóng Covid-19 đợt 2 kéo theo rất nhiều hợp đồng bị hủy/hoãn.

"Một CEO đứng trước làn sóng hủy hợp đồng không sợ mới lạ. Nhưng nỗi lo ấy được cộng sự chia sẻ, tham vấn, bàn nhau hằng đêm về thách thức và cách giải quyết, rồi bàn thảo với nhau tại cuộc họp sẽ vơi đi nhiều".

"Quan trọng nhất là giữ được "tâm an" của tất cả anh em trong công ty. Khó khăn là chung. Nhưng nếu anh em yên tâm, chia sẻ khó khăn với mình, họ sẽ cố gắng cùng mình vượt qua chằng đường khó khăn đó", ông Vinh chia sẻ.


Công ty là sự nghiệp của cả tập thể chứ không phải của một ông CEO, đừng coi mình là trung tâm mà khiến stress cả đội ngũ

 70% quản lý cấp trung nghỉ việc chỉ vì một câu nói của CEO và bài học: Khi đang ở thế ‘tuyệt đỉnh cô đơn’, đừng tự đẩy cộng sự thành đối thủ!  - Ảnh 2.

Để tránh được sai lầm khi ra quyết định, một điều các CEO nên làm, theo ông Hồng Lam, là chống lại "hiệu ứng cô đơn", bằng cách xây dựng cộng sự chứ đừng coi mình là trung tâm.

"Người Nhật có câu: Anh là CEO, khi anh bước lên 100 bước không tốt bằng 100 người cùng bước với anh thêm 1 bước. Tôi nghĩ câu chuyện đơn giản như thế thôi. Bài học là đừng giữ sự cô đơn! Đừng "một tay che cả bầu trời", cũng đừng có ghé vai làm người khổng lồ gánh cả giang sơn".

"Hãy chia sẻ 4 thứ chứ không chỉ quyền lợi: Chia sẻ trách nhiệm, niềm tin, niềm vinh quang cũng như sự tự hào rằng chúng ta cùng nhau xây dựng nên sự nghiệp này. Công ty là sự nghiệp của cả tập thể. Chưa bao giờ công ty là của một người. Công ty luôn là của xã hội dù ai là người đầu tư nhiều nhất. Công ty không phải của gia đình bất cứ ai. Nếu bạn nào nghĩ công ty là của mình, chỉ kiếm tiền cho mình thì bạn sai ngay từ ban đầu", ông Hồng Lam nhìn nhận.

Để người CEO giữ được "tâm an", ông Hồng Lam cho rằng nên thực hiện "2 không": Không để stress "đè bẹp" CEO; và tuyệt đối không để stress cả đội ngũ.

Để tránh được stress, ông Vinh cho rằng nên tìm những thú vui cho bản thân ngoài công việc. Ông chủ chuỗi ô mai Hồng Lam thì chia sẻ kinh nghiệm từng "trốn stress" bằng cách lên núi, đến một nơi không có sóng điện thoại, trong 3 - 7 ngày, để tách hẳn khỏi thế giới bận rộn.

"Khi trở về tôi thấy rất thoải mái. Lên núi nghỉ ngơi, tách hẳn công việc, có vẻ hơi mang tính "tránh đời" nhưng biện pháp ấy cực kỳ tốt", ông Lam khuyên.

Theo Bảo Bảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên