70% vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản liên quan đến pháp lý
Lấy ví dụ lĩnh vực bất động sản với khoảng 70% vướng mắc liên quan đến pháp lý, Thủ tướng nhấn mạnh phải quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
- 23-02-2023Người dân được lợi gì với Luật Đất đai sửa đổi?
- 23-02-2023Bảng giá đất nên ban hành định kỳ 3 - 5 năm/lần?
- 22-02-2023Chính phủ đề nghị đẩy mạnh truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường bất động sản
Sáng 23/2, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ý kiến của các chuyên gia đánh giá cho rằng khoảng 70% vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản là liên quan tới pháp lý. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng nhấn mạnh nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, tình hình thực tế biến động rất nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp, nhiều yếu tố mới mà quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết được, nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ách tắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần giải quyết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là phải bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, việc xây dựng các dự thảo luật phải bảo đảm cả tiến độ và chất lượng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Năm 2022, Chính phủ đã họp 9 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và Thường trực Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách.
Thủ tướng đánh giá, vừa qua các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã rất tích cực, chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham dự phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Theo chương trình, Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023 sẽ cho ý kiến đối với 7 nội dung, gồm 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
VTC News