700.000 đồng/lần xác nhận nguồn gốc thủy sản là quá cao
Các doanh nghiệp (DN) cho rằng mức phí 700.000 đồng/lần cho thủ tục cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản là quá cao nên đề nghị giảm xuống còn 200.000 đồng/lần.
- 06-04-2018Không chỉ xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản kinh doanh nội địa cũng gặp khó
- 05-04-2018Thủ tướng chỉ đạo khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản bị nước ngoài trả về
- 06-03-2018Thủy sản được mùa, giá cá tra cao kỷ lục
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những quy định bất cập, không phù hợp thực tế gây khó khăn cho hoạt động bình thường của DN liên quan đến các kế hoạch, hành động cần thiết để khắc phục thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu (EC) đối với hải sản khai thác của Việt Nam.
DN xuất khẩu thủy sản khai thác đang gặp khó khăn khi xuất khẩu
VASEP cho biết theo Thông tư 230/2016 của Bộ Tài chính, mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu là 700.000 đồng/lần do ban quản lý cảng cá thực hiện là rất cao. Quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc "thu bù chi" của Luật Phí - Lệ phí 2015 do các chi phí phát sinh ở thực tế để thực hiện thủ tục này là không đáng kể. Theo chủ trương của Chính phủ về "giảm chi phí" cho DN, VASEP kiến nghị giảm mức phí xác nhận nguồn gốc nguyên liệu là 200.000 đồng/lần.
Ngoài ra, theo ghi nhận của VASEP, ban quản lý các cảng cá được giao nhiệm vụ cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản nhưng thực tế một số địa phương không có đủ nhân lực cũng như trang thiết bị (như cân, máy vi tính, máy photocopy…) để thực hiện khiến DN gặp khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý cho lô hàng trước khi xuất khẩu.
Theo VASEP, hiện tại, nhiều lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU của các DN chưa thể tiếp tục thực hiện như trước được vì thiếu hồ sơ. Điều này đẩy DN Việt Nam vào tình huống phải bồi thường hoặc bị hủy hợp đồng với lý do trễ thời hạn giao hàng và DN phải gánh thêm chi phí bảo quản, vốn vay…