MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

712 dự án chậm tiến độ: Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ

22-02-2024 - 08:22 AM | Bất động sản

712 dự án chậm tiến độ: Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ

TP - Trước thời điểm sáp nhập địa giới hành chính về Hà Nội, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị được lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc ồ ạt phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn trong tình cảnh bỏ hoang, dở dang gây lãng phí.

Một xã có hơn chục dự án bỏ hoang

Dự án Khu đô thị Làng hoa Tiền Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt năm 2005 với tổng kinh phí đầu tư 920 tỷ đồng, do Cty TP làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án khởi công vào năm 2005, hoàn thành vào năm 2013 nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất trống. Hiện tại, người dân địa phương tận dụng mặt bằng để chăn thả gia súc, trồng rau màu.

712 dự án chậm tiến độ: Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ- Ảnh 1.

Dự án Khu đô thị Làng hoa Tiền Phong hiện vẫn là bãi đất trống được người dân tận dụng chăn thả gia súc.

Ông Trần Văn Mạnh (xã Tiền Phong) cho biết, toàn bộ khu đất này trước đây là “bờ xôi ruộng mật”. Khi Nhà nước thu hồi, nông dân đã nhường đất cho doanh nghiệp với mong muốn bộ mặt địa phương thay đổi. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn bỏ hoang, nông dân không có đất sản xuất.

Dự án Khu nhà ở Minh Đức (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) do Cty CP đầu tư thương mại Minh Đức làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 18/7/2008. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã được xây dựng cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông nội khu, cây xanh, hệ thống điện, nước. Tuy nhiên, hiện trạng phần lớn khu đất vẫn còn là đất trống.

Cũng tại xã Tiền Phong, dự án Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp do Cty CP đầu tư phát triển 18 làm chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Đến nay, dự án vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang. Một số khu vực tại dự án được người dân tận dụng trồng rau màu.

Lãnh đạo UBND xã Tiền Phong cho biết, trên địa bàn xã có hơn 10 dự án chậm tiến độ. Hầu hết, các dự án đều được phê duyệt trước thời điểm sáp nhập về Hà Nội. Trong số đó, có dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB), hoặc đã hoàn thành GPMB bằng nhưng chưa triển khai vì còn đợi điều chỉnh quy hoạch.

Theo thống kê, tại huyện Mê Linh có đến hơn 60 dự án được cấp phép trước thời điểm sáp nhập địa giới hành chính về Hà Nội hiện vẫn đang dang dở.

Nhiều quận, huyện khác cũng có tình trạng tương tự. Tại quận Hà Đông, Dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch năm 2008 với diện tích khoảng 98 ha đến nay vẫn chưa được triển khai. Dự án Hanoi WestGate (tên cũ là Khu đô thị (KĐT) và dịch vụ phía Tây Quốc Oai) có quy mô diện tích khoảng 44,4 ha (huyện Quốc Oai) được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2008. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang. Tương tự, dự án khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) - vốn thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) trước khi các xã này được sáp nhập về Hà Nội tháng 8/2008 hiện vẫn bỏ hoang.

Doanh nghiệp cũng khóc

Về nguyên nhân các dự án được phê duyệt trước thời điểm sáp nhập địa giới hành chính về Hà Nội chậm tiến độ, một chủ đầu tư cho biết, sau khi sáp nhập địa giới hành chính về Hà Nội phải điều chỉnh quy hoạch. Mặc dù năm 2008, Mê Linh chính thức về Hà Nội, tuy nhiên, tới cuối năm 2014, các quy hoạch phân khu và chi tiết mới hoàn chỉnh. Do vậy, từ năm 2008-2014, các doanh nghiệp phải chờ điều chỉnh quy hoạch. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư. Thậm chí, có những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, giải phóng xong mặt bằng nhưng do có chính sách giao đất dịch vụ nên khi doanh nghiệp mang máy móc vào triển khai thì bị người dân phản đối dẫn đến tiến độ bị chậm.

Đại diện Cty CP đầu tư phát triển 18, Chủ đầu tư dự án Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp (tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều vào dự án. Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua dự án vẫn chỉ là bãi đất trống khiến doanh nghiệp khốn đốn.

Theo vị đại diện này, không phải doanh nghiệp không muốn làm mà sau khi sáp nhập vào Hà Nội, các dự án phải điều chỉnh quy hoạch. Hiện nay, các dự án đều phải chờ điều chỉnh từ Quy hoạch chung Thủ đô mà thành phố đang triển khai. “Chúng tôi đã hoàn thành GPMB đến 95% nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai được. Chỉ riêng lãi ngân hàng trong những năm qua đã khiến doanh nghiệp vất vả rồi”, người này nói.

Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ đối với các dự án được phê duyệt trước khi sáp nhập địa giới hành chính. Một trong những nguyên nhân là số lượng dự án lớn trải qua giai đoạn chuyển tiếp, chính sách pháp luật thay đổi qua các thời kỳ, quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau. Trong khi đó, các thủ tục liên quan đến nhiều ngành và sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Còn theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại thực trạng trên là khó khăn trong GPMB. Một số địa phương còn tình trạng chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Một số dự án lớn thực hiện kéo dài qua nhiều năm, chịu tác động của cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khác nhau, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện, mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hơn nữa, thành phần hồ sơ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha còn nhiều khó khăn vướng mắc; quy trình thủ tục còn kéo dài qua các bộ, ngành dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023 trên địa bàn thành phố có 712 dự án chậm tiến độ. Tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần thứ 15, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. Trong đó, hầu hết các dự án chậm tiến độ đều phải điều chỉnh nhiều lần, thậm chí có dự án phải điều chỉnh 5-6 lần, mỗi lần lại mất một khoảng thời gian. Ngoài ra, việc GPMB gặp nhiều khó khăn do khiếu kiện, khiếu nại. Trong khi đó, mỗi dự án lại có đặc thù và tùy từng loại đất lại quy định thời gian khác nhau, thủ tục khác nhau...


Theo Thanh Hiếu

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên