MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

72 nền kinh tế đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Tính đến tháng 6-2024, 72 nền kinh tế đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn.

Ngày 2-8-2024, Bộ Công Thương thông tin lấy làm tiếc khi Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận, theo đó mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

72 nền kinh tế đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường- Ảnh 1.

Một số quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nguồn: Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại - VCCI

"Nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường" - Bộ Công Thương cho biết.

Thống kê từ Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại - VCCI đến hết tháng 6-2024 cho thấy, đã có 72 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Trong đó, có những nền kinh tế lớn như Trung Quốc (2004); Nga và các thành viên ASEAN (2007); Úc, New Zealand (2008); Ấn Độ, Hàn Quốc (2009); Nhật Bản (2011); các thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA như Na Uy, Thụy Sỹ (2012); Canada (2016) và Vương quốc Anh (2023)…

Trong khi đó, Mỹ vẫn coi Việt Nam là 1 trong 12 nước có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Tajikistan và Turkmenistan.

Việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.

Cụ thể, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép Mỹ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ.

Thuế suất toàn quốc thường được Mỹ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.

Số liệu thống kê cho thấy Mỹ đã tham gia sâu vào quan hệ thương mại với Việt Nam và đã được hưởng lợi từ tự do hóa thương mại trong quá khứ.

Việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp sẽ giúp cho hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ trở nên dễ dàng và hàng hóa rẻ hơn.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ tăng gấp nhiều lần nếu quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ được tăng cường và việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là một cột mốc quan trọng.

Theo Thùy Linh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên