MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7,3 tỷ USD cho 142,3km đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á: Thu hồi vốn sau 40 năm?

03-10-2023 - 14:27 PM | Tài chính quốc tế

Tân Hoa Xã cho hay, đây là dự án xây dựng ở nước ngoài đầu tiên sử dụng toàn bộ hệ thống đường sắt, công nghệ và các bộ phận công nghiệp của Trung Quốc.

7,3 tỷ USD cho 142,3km

Indonesia vừa khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên sau nhiều năm trì hoãn.

7,3 tỷ USD cho 142,3km đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á: Thu hồi vốn sau 40 năm? - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Indonesia. Ảnh: China Daily

Tàu cao tốc chạy qua tuyến đường dài 142,3km nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung có thể chở tới 600 hành khách với tốc độ tối đa 350km/h, giúp hành trình giữa hai thành phố giảm từ hơn 3 giờ xuống còn khoảng 40 phút.

"Tàu cao tốc Jakarta-Bandung là tàu cao tốc đầu tiên ở Indonesia và là tàu đầu tiên ở Đông Nam Á chạy với tốc độ 350km/h", hãng thông tấn CNN dẫn phát biểu của Tổng thống Joko Widodo trước khi ông nhấn nút, báo hiệu dịch vụ chính thức được khởi động.

Ông Widodo công bố, đoàn tàu cao tốc này có tên là "Whoosh", có nghĩa là nhanh chóng, hiệu quả và đáng tin cậy, đồng thời cho biết nó đánh dấu quá trình hiện đại hóa phương thức vận tải của Indonesia.

Từ ngày 3-16/10, 8 đoàn tàu Whoosh sẽ hoạt động giữa Jakarta và Bandung mỗi ngày và vé miễn phí được phát trực tuyến cho công chúng. Việc bán vé dự kiến bắt đầu từ ngày 17/10.

Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, thực tế người dân Indonesia đã rất phấn khích khi tham gia các chuyến đi thử nghiệm miễn phí diễn ra trong ba tuần trước khi tuyến đường sắt chính thức hoạt động vào hôm 2/10.

Anh Ahmad, người dân Indonesia, là một trong số những hành khách tham gia chuyến chạy thử hôm 25/9.

"Rất thoải mái, ổn định, sạch sẽ và sang trọng. Tàu cũng thân thiện với trẻ em", anh nói. "Tôi thực sự ngạc nhiên vì có thể đến Bandung nhanh đến thế. Tôi thậm chí không có thời gian để ngủ vì chuyến đi quá ngắn".

Ước tính thu hồi vốn sau 40 năm

Theo hãng tin AP, tuyến đường sắt dài 142,3km trị giá 7,3 tỷ USD phần lớn do Trung Quốc tài trợ và PT Kereta Cepat Indonesia-Trung Quốc (PT KCIC), một liên doanh Indonesia và Trung Quốc, thi công.

7,3 tỷ USD cho 142,3km đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á: Thu hồi vốn sau 40 năm? - Ảnh 2.

Tàu cao tốc Jakarta-Bandung có vận tốc lên tới 350km/h. Ảnh: Xinhua

Tân Hoa Xã cho hay, đây là dự án xây dựng ở nước ngoài đầu tiên sử dụng toàn bộ hệ thống đường sắt, công nghệ và các bộ phận công nghiệp của Trung Quốc.

"Kể từ khi tuyến đường sắt được khởi công vào tháng 6/2018, các nhà xây dựng từ Indonesia và Trung Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn, bao gồm cả ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Họ không chỉ áp dụng công nghệ đường sắt cao tốc tiên tiến của Trung Quốc mà còn thích ứng với điều kiện địa chất phức tạp của Indonesia.

Kết quả tạo ra những cây cầu có hiệu suất hấp thụ sốc tốt hơn, đường ray không có đá dằn êm ái hơn, hệ thống điều khiển tàu hiệu quả hơn, cũng như các đoàn tàu tiên tiến và an toàn", Tân Hoa Xã tiết lộ.

Hiện Indonesia chưa công bố giá vé chính thức nhưng theo thông tin do CNBC News đăng tải hồi đầu 2022, giá vé tàu Jakarta-Bandung có thể sẽ dao động ở mức 150 - 350 nghìn IDR/chiều (tương đương khoảng 250 - 550 nghìn đồng).

Chia sẻ với CNBC thời điểm đó, Giám đốc PT KCIC Dwiyana Slamet Riyadi dự báo nhu cầu hành khách khi tàu cao tốc đi vào hoạt động sẽ đạt 31.215 hành khách/ngày, ước tính giá đầu tư của dự án đã từ tăng từ 84 nghìn tỷ IDR (khoảng 5,4 tỷ USD) lên 113 nghìn tỷ IDR (7,2 tỷ USD).

Về khả năng thu hồi vốn, ông Dwiyana cho biết vấn đề này dựa trên số vốn đầu tư, số lượng hành khách và giá vé. Ước tính, dự án này sẽ hoàn vốn đầu tư trong vòng 40 năm.

"Hiện tại tính toán này vẫn chưa phải là cuối cùng, ước tính là 40 năm nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng đánh giá để xem liệu có tiềm năng nào tạo thêm dòng doanh thu hoặc các chiến lược kinh doanh khác có thể tạo ra BEP (điểm hòa vốn) trong vòng chưa đầy 40 năm hay không".

Theo Vân Phương

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên