MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

75 tỉ USD đầu tư nước ngoài của Trung Quốc bị hủy trong năm 2016

08-02-2017 - 20:30 PM | Tài chính quốc tế

Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý và tình trạng đàn áp dòng vốn.

Năm ngoái, trước tình hình kiểm soát pháp lý chặt chẽ cũng như nhiều hạn chế về ngoại hối, các thương vụ đầu tư nước ngoài trị giá gần 75 tỉ USD của Trung Quốc đã bị huỷ bỏ; cụ thể 30 thương vụ mua lại các doanh nghiệp của Châu Âu và Mỹ đã sụp đổ.

So với 10 tỉ USD trong năm 2015, giá trị các thương vụ bị huỷ bỏ của Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần trong năm 2016. Con số này cho thấy “niềm đam mê” thoả thuận toàn cầu đang suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, dù ngày càng nhiều thoả thuận đầu tư bị huỷ bỏ, theo phân tích của hãng luật Baker McKenzie và nhà nghiên cứu Rhodium, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ và Châu Ấu vẫn tăng gấp hai lần, đạt mức kỷ lục 94,2 tỉ USD trong năm 2016.

Theo nhiều người từng tham gia vào các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc, nhiều nhà bán tài sản tại Châu Âu và Mỹ đang ngày càng lo ngại trước những thoả thuận lớn với người mua Trung Quốc. Cụ thể, “người Trung Quốc đang dần chuyên nghiệp hơn nhưng người bán lại ưu tiên những người mua tiềm năng ngoài Trung Quốc do các hạn chế về vốn”.

Năm ngoái, trước những dự đoán về việc đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá so với USD, cũng như tình trạng tăng trưởng trong nước chậm kéo theo xu hướng chuyển hướng đầu tư, Trung Quốc đã ghi nhận một khoản vốn kỷ lục “đội nón ra đi”.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý Trung Quốc cũng tỏ ra vô cùng lo ngại khi nước này phải bán tháo USD nhằm ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng nhân dân tệ, khiến dự trữ ngoại hối giảm 320 tỉ USD.

Trong quá trình nỗ lực “cứu vớt” dự trữ ngoại hối, cơ quan giám sát ngoại tệ đã trở thành một trong những rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội thu mua doanh nghiệp nước ngoài vào cuối năm ngoái.

Các nhà quản lý nước này đã cam kết sẽ kiểm soát tình trạng thu mua “không hợp lý”, rà soát bất kỳ thương vụ mua bán nào không liên quan đến ngành kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp có giá trị vượt 1 tỉ USD, và giám sát các thoả thuận xuyên biên giới về đất đai, khách sạn, sản xuất phim và tài sản giải trí.

Dù vậy, trong năm 2016, Trung Quốc vẫn còn nhiều thương vụ đầu tư trái ngành. Lớn nhất phải kể đến thương vụ thâu tóm chuỗi Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng Starwood tại Mỹ của tập đoàn bảo hiểm Anbang Insurance. Thương vụ trị giá 14 tỉ USD này sau đó đã bị các nhà quản lý nước này ngăn chặn.

Vào tháng hai năm ngoái, hai thương vụ khác của tập đoàn tư nhân Fosun International và tập đoàn quốc doanh China Resources cũng bị huỷ bỏ chỉ trong hai ngày.

Ở Mỹ, mười thương vụ khác trị giá 58,5 tỉ USD rơi vào tình trạng xếp xó. Bên cạnh đó, thương vụ thâu tóm một công ty thuộc tập đoàn điện tử Philips (Hà Lan) tại Mỹ đã vấp phải sự cản trở của Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài của nước này.

Ngoài ra, trước những lo ngại về pháp lý, tập đoàn Fairchild Semiconductor cũng quyết định từ chối một thương vụ khác với Trung Quốc trị giá 2,6 tỉ USD từ hai tập đoàn quốc doanh China Resources và Hua Capital.

Tại Châu Âu, 20 thương vụ đầu tư trị giá 16,3 tỉ USD của Trung Quốc bị huỷ bỏ, bao gồm thoả thuận thu mua công ty sản xuất chip điện tử Aixtron, Đức trị giá 670 triệu euro.

Tuy vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xúc tiến các hoạt động thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài. Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc của Baker McKenzie, ông Thomas Gilles, cho biết với các rào cản về chính trị và pháp lý hiện nay tại Trung Quốc, hoạt động thâu tóm trong thời gian ngắn của nước này sẽ gặp nhiều thách thức; đồng thời, với các nhà đầu tư, vai trò của việc đánh giá nguy cơ chính trị và quy hoạch pháp lý sẽ ngày càng lớn hơn.

Quỳnh Mai

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên