76.000 doanh nghiệp được tính thêm vào quy mô GDP
Lần thu thập thông tin này sẽ "quét" hết ở tất cả các ngành, các lĩnh vực chỉ trừ kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp vì không có khả năng thu thập thông tin...
- 16-08-2019Vì sao IMF giúp Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP?
- 16-08-2019Đằng sau câu chuyện tính lại GDP khiến thu nhập bình quân đầu người "nhảy" lên 3.000 USD/năm là gì?
- 06-08-2019Góc nhìn: Khi lợi nhuận từ vốn đầu tư nước ngoài “chảy về nước mẹ” cao hơn tăng trưởng GDP Việt Nam
Tổng cục Thống kê cho biết, 76.000 nghìn doanh nghiệp đã được bổ sung trong lần đánh giá lại quy mô GDP lần này.
Thông tin tại buổi làm việc với một số cơ quan báo chí sáng nay (16/8) về nội dung tuyên truyền kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: Hàng năm Tổng cục Thống kê đều thực hiện điều tra chọn mẫu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Tổng điều tra, 76.000 doanh nghiệp đã được bổ sung vào danh sách doanh nghiệp điều tra của cơ quan thống kê.
"Đó là những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng đến giờ chúng tôi mới có số liệu", ông Lâm nói.
Cụ thể, theo người đứng đầu ngành thống kê, số doanh nghiệp này thuộc 2 nhóm. Thứ nhất, là doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng lâu nay không cung cấp số liệu cho cơ quan thống kê. Thứ hai, là doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nhưng Tổng cục Thống kê chưa kịp thời cập nhật số liệu đầy đủ trong khi các doanh nghiệp này đã có tên trong danh sách của Tổng cục Thuế.
"Do đó, 76.000 doanh nghiệp được thêm vào trong quá trình tính toán lại quy mô GDP lần này chính là được bổ sung thông tin từ Tổng Điều tra và từ hồ sơ hành chính trong đó chủ yếu là từ cơ quan thuế", ông Lâm nói.
Vì vậy, để phản ánh xác thực nền kinh tế, đảm bảo tính khách quan, cung cấp thông tin chính xác cho Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong xây dựng chính sách, kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế sắp tới, lần thu thập thông tin này sẽ "quét" hết ở tất cả các ngành, các lĩnh vực chỉ trừ kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp vì không có khả năng thu thập thông tin.
Theo ông Lâm, trong những lần thực hiện thống kê lại GDP giai đoạn trước có hai ngành và lĩnh vực không được thực hiện là khối kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vì không có thông tin.
"Song với lần thực hiện này, cuộc tổng điều tra quy mô thực hiện một cách khá toàn diện và do chính Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nên Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều phải báo cáo, thực hiện hoạt động điều tra và gửi kết quả điều tra tổng hợp cho nền kinh tế", ông Lâm nói.
Trước những quan ngại về việc đánh giá quy mô GDP sẽ dẫn truyền tới việc làm thay đổi hàng loạt những chỉ số vĩ mô quan trọng khác như bội chi, nợ công… ông Lâm khẳng định nhiệm vụ của ngành thống kê là phản ánh chính xác quy mô của nền kinh tế, các chỉ tiêu phát triển kinh được đưa ra là theo quan điểm của Chính phủ, không phải tính toán là để hạ trần nợ công, để vay thêm, tiêu thêm. "Phản ứng của chính sách phụ thuộc vào tính toán của Chính phủ", ông khẳng định.
Theo đó, dãy số về tăng trưởng GDP mới sẽ được dùng để phục vụ cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030. Trong khi dãy số GDP cũ sẽ được dùng để đánh giá việc thực hiện các kế hoạch phát triển nhiệm kỳ cũ.
"Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, dãy tăng trưởng GDP mới không có nghĩa là cách tính mới. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang sử dụng 3 phương pháp trong biên soạn GDP. Hàng quý, Tổng cục Thống kế dùng phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng và 5 năm sử dụng phương pháp thu nhập. Việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến nghị, vì vậy, cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế", ông Lâm nhấn mạnh.
Ông Robert Dippelsman, Phó trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)
Hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết.
Do đó, nhóm chuyên gia IMF đánh giá rất cao việc Tổng cục Thống kê gần đây đã tiến hành những cuộc Tổng điều tra về kinh tế để đảm bảo độ bao phủ 100% tất cả các doanh nghiệp và các hoạt động về kinh tế.
Hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều cần phải rà soát đánh giá lại tốc độ tăng trưởng GDP của mình. Đối với một quốc gia có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc này sẽ khó khăn hơn. Và Tổng cục Thống kê hiện nay có một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là phải phối hợp được với tất cả các bộ, ngành, cơ quan để làm sao rà soát, đánh giá và đảm bảo độ bao phủ 100% như mong muốn của mình trong lần rà soát này.
Vneconomy