MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8/11 mẫu cá tầm bán tại Hà Nội và TPHCM nhập lậu từ Trung Quốc?

27-01-2021 - 07:21 AM | Thị trường

Bộ NN&PTNT cho biết, có tới 8/11 mẫu cá tầm tại các chợ đầu mối ở Hà Nội và TPHCM có hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam.


Bộ NN&PTNT cho biết đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính, Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai liên quan đến việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.

Bộ NN&PTNT cho biết, đã phối hợp với các địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TPHCM). Kết quả có cho thấy, 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 26 (năm 2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản.

Cá tầm nuôi tại Việt Nam chỉ chủ yếu 4 loại là: Cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Xibêri (Acipenser sinensis) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).

Cá tầm thuộc Phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trưởng; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh cá tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước.

Bộ NN&PTNT cũng yêu các đơn vị liên quan thuộc bộ này, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an và địa phương thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không thực hiện kiểm dịch theo quy định.

Các đơn vị thuộc Bộ rà soát việc cấp phép nhập khẩu cá tầm không thuộc Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các đơn vị và địa phương kiểm tra cơ sở kinh doanh cá tầm làm thực phẩm và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh cá tầm làm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch đối với cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Kiểm tra, rà soát quy trình cấp CITES từ phía Việt Nam, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Công ước. Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các hiệp hội tiếp tục nắm bắt, trao đổi thông tin việc kinh doanh cá tầm tại Việt Nam, kịp thời phản ánh về Bộ N&PTNT Nông để kịp thời xử lý.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, sản lượng cá tầm năm 2020 cả nước khoảng 3.700 tấn, giá trị kinh tế khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước gặp nhiều khó khăn do cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán chỉ bằng 2/3 giá cá trong nước. Đặc biệt khi cá tầm nhập về Việt Nam có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc với cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng có phân biệt.

Các chuyên gia Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho biết, cá tầm Trung Quốc có thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam và quan sát hình dạng bên ngoài có sự khác biệt so với cá tầm nuôi trong nước.

Theo Nam Khánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên