MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8/11 mẫu cá tầm có dấu hiệu nhập lậu: Tổng cục Hải quan chỉ đạo kiểm soát ra sao?

26-02-2021 - 09:12 AM | Thị trường

Sau khi Bộ NN&PTNT công bố có đến 8/11 mẫu cá tầm trên thị trường có dấu hiệu nhập lậu, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo hải quan các địa phương kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan có văn bản gửi Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng chính sách quản lý cá tầm nhập khẩu. Việc thực hiện sẽ dựa trên các căn cứ gồm: Giấy phép CITES (viết tắt của công ước quốc tế về buôn bán các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp – Công ước CITES) được cấp bởi Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam; danh sách các loài cá tầm được kinh doanh tại Việt Nam; các căn cứ kiểm dịch động vật thủy sản và kiểm tra an toàn thực phẩm.

Các loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam, gồm: cá tầm Beluga, cá tầm Nga, cá tầm Sterlet, cá tầm Trung Hoa, cá tầm Xiberi. Trường hợp nhập khẩu loài cá tầm không có tên trong danh mục nêu trên để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.

8/11 mẫu cá tầm có dấu hiệu nhập lậu: Tổng cục Hải quan chỉ đạo kiểm soát ra sao? - Ảnh 1.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo đến hải quan các địa phương trong việc “siết” quản lý cá tầm nhập khẩu.

Cá tầm thuộc danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản phải kiểm dịch động vật khi nhập khẩu. Cá tầm dùng làm thực phẩm cũng thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, cá tầm bị cấm nhập khẩu nếu không nhằm mục đích phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, cá tầm Đại Tây Dương (Acipenser brevirostrum), cá tầm Ban Tích (Acipenser sturio) thuộc Phụ lục I Công ước CITES.

Cơ quan này yêu cầu lực lượng hải quan hướng dẫn người khai (người nhập khẩu cá tầm) thực hiện đầy đủ, chính xác các chỉ tiêu thông tin như tên thương mại, tên khoa học, mục đích sử dụng… trên tờ khai, gửi đầy đủ chứng từ qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trong đó, tên hàng hóa, mục đích sử dụng trên tờ khai hải quan phải phù hợp với giấy phép CITES và Giấy chứng nhận kiểm dịch. Trường hợp giấy CITES, Giấy chứng nhận kiểm dịch không thể hiện rõ nội dung trên, đề nghị các đơn vị xin xác nhận của của cơ quan Quản lý CITES và cơ quan kiểm dịch. Nếu tên hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu thực hiện hủy tờ khai hải quan, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cho biết, kiểm tra 11 mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TPHCM) có tới 8 mẫu được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam. Hiện có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã có kiến nghị về tình hình kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm, đặc biệt là cá tầm Trung Quốc tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, sản lượng cá tầm năm 2020 cả nước khoảng 3.700 tấn, giá trị kinh tế khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước gặp nhiều khó khăn do cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán chỉ bằng 2/3 giá cá trong nước. Đặc biệt khi cá tầm nhập về Việt Nam có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc với cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng có phân biệt.

Theo Đức Anh

Tiền phong

Trở lên trên