MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 bí quyết "đòi" sếp tăng lương thành công, dù có là nhân viên "ngôi sao" đến đâu cũng phải biết

15-08-2017 - 20:23 PM | Doanh nghiệp

Bạn là nhân viên lâu năm, cống hiến nhiều cho công ty. Tuy nhiên, muốn đề nghị tăng lương thành công, bạn cũng phải có nghệ thuật?

Tăng lương là mong muốn thiết thực của tất cả mọi người, khi chúng ta đã làm hết sức và dốc toàn bộ tâm huyết vào công việc. Thế nhưng thực tế không phải ông chủ nào cũng hào phóng tăng lương ngay khi nhìn thấy những đóng góp của bạn trong công việc. Cần phải có một chút khéo léo và nghệ thuật giao tiếp thì việc đó mới thuận lợi hơn nhiều.

Chia sẻ những mục tiêu nghề nghiệp và tham khảo ý kiến cấp trên

Hãy thẳng thắn và cởi mở chia sẻ những mục tiêu nghề nghiệp với người quản lý để họ biết được ưu tiên hàng đầu của bạn là gắn bó lâu dài với công việc tại công ty. Nếu không có những mục tiêu cao và xa hơn, bạn mãi mãi sẽ chỉ đứng nguyên một chỗ, cả về địa vị lẫn tiền lương. Thay vào đó, việc chia sẻ về những mục tiêu có tính chất lâu dài và gắn với quyền lợi của công ty sẽ khiến người quản lý để mắt đến những tiềm năng của bạn hơn. Hãy hỏi họ ở cương vị là những cấp trên, bạn có thể làm gì để cải thiện chất lượng công việc một cách tốt nhất. Đó là một cách khéo léo để nhắc nhở quản lý về những đóng góp một cách tích cực, không ngừng nghỉ của một nhân viên mẫn cán là bạn.

Làm việc có trách nhiệm hơn

Cân bằng giữa những việc bạn thích – việc phải làm không phải là một điều dễ thực hiện, nhưng nếu có thể thì điều đó mang lại rất nhiều lợi ích. Trước tiên hãy làm rõ những việc bạn đang chịu trách nhiệm, sau đó lần lượt thực hiện theo mức độ ưu tiên để đảm bảo chất lượng công việc luôn tốt nhất. Để làm được việc đó, kỹ năng quản lý thời gian là vô cùng quan trọng.

Chủ động thể hiện năng lực

Nếu bạn tự tin rằng mình đã làm tốt công việc, vượt trên cả vị trí và trách nhiệm trong phần việc ấy, thì đừng ngần ngại thông báo cho cấp trên. Sẽ không ai biết đến những cống hiến âm thầm nếu bạn cứ mãi im lặng. Hãy nói cho cấp trên một cách khéo léo, rằng bạn đã làm rất nhiều, rất tốt và bạn xứng đáng được hưởng mức đãi ngộ tốt hơn.

Chứng minh khả năng bằng con số thực tế

Cụ thể hóa những thành tích đạt được sẽ giúp cấp trên có cái nhìn rõ ràng hơn về năng lực của bạn. Nếu đó là những thành tích có lợi cho giá trị doanh nghiệp thì càng tốt, ví dụ như: Bán hàng giúp tăng 50% doanh thu so với tháng trước; Ký kết thêm 1 hợp đồng với khách hàng mới… Đây sẽ là những con số đánh giá tiềm năng phát triển của bạn cho công ty, tùy thuộc vào đó người quản lý sẽ cân nhắc việc tăng lương để giữ chân, nâng cao tinh thần trách nhiệm và hứng khởi trong công việc của bạn hay không?

Tập trung vào lý do bạn xứng đáng được tăng lương (chứ không phải bạn cần được tăng lương)

Có nhiều lý do được đưa ra khi chúng ta đề nghị tăng lương lên cấp trên, trong số đó sẽ có lý do là vì tiền thuê nhà tăng lên, cần tiền để đi du lịch hoặc chi tiêu gia đình… Ai cũng biết đó là những hoàn cảnh thực tế đáng được thông cảm, nhưng sẽ không có người sếp nào đồng ý tăng lương cho bạn chỉ vì những lý do không đem lại lợi ích cho công ty như thế. Hãy tập trung vào những đóng góp chứng tỏ bạn xứng đáng được tăng lương ấy.

Luyện tập thuyết phục cấp trên

Điều này nghe có vẻ buồn cười nhưng lại rất hữu ích. Việc luyện nói sao cho thuyết phục, đưa ra dẫn chứng rõ ràng và ứng biến trước những câu hỏi hóc búa của cấp trên sẽ giúp bạn tự tin hơn, cũng như linh hoạt hơn trong việc thuyết phục sếp tăng lương.

Khảo sát thực tế

Nếu sếp hỏi bạn muốn tăng lương lên bao nhiêu, bạn có trả lời được không? Con số đó phải vừa phù hợp với khả năng chi trả của công ty, xứng đáng với năng lực và tương thích với thị trường lao động. Do đó, trước khi bước vào cuộc đàm phán tăng lương, hãy nghiên cứu qua thị trường việc làm xem cùng vị trí đó, trách nhiệm và khối lượng công việc đó trên thị trường mức lương đang là bao nhiêu. Đừng nói một con số chung chung mà hãy ấn định một con số cụ thể, như thế người quản lý sẽ dễ cân nhắc hơn. Trong thực tế, mức tăng trung bình được khảo sát là 1 – 5% so với tiền lương hiện tại bạn nhé.

Chuẩn bị tâm lý để nghe từ chối

Chắc chắn sẽ có những trường hợp yêu cầu tăng lương bị từ chối, nhưng đừng vội nản lòng. Bạn hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu đánh giá kết quả tạm thời với các mục tiêu được xác định rõ ràng và điều chỉnh mức lương trước cuộc đánh giá tăng lương thường kỳ tiếp theo. Như thế, cấp trên sẽ thấy được sự nghiêm túc cũng như quyết tâm cao độ của một nhân viên mẫn cán là bạn.

Thu Hoài

Forbes

Trở lên trên