MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018

02-01-2019 - 13:33 PM | Thị trường

Năm 2018 thị trường ôtô Việt Nam trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức trước chiếc xe hơi 'made in Vietnam' do VinFast sản xuất, lo lắng vì Nghị định 116 cho đến thất vọng khi giá xe không giảm như mong đợi.

2018 là năm đánh dấu nhiều thay đổi với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Nhiều chính sách mới được áp dụng như thuế nhập khẩu nội khối từ ASEAN về 0%; Nghị định 116 bắt đầu có hiệu lực...

Dưới đây là 8 vấn đề nổi bật nhất trên thị trường ôtô Việt 2018.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 1.

Theo lộ trình, từ năm 2018, thuế nhập khẩu các dòng xe dưới 9 chỗ từ các nước ASEAN về Việt Nam - có tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% - giảm xuống 0% thay vì 30% như trước. Vì vậy, bất chấp các chương trình khuyến mãi ‘khủng’ trong năm 2017, nhiều người tiêu dùng quyết định chưa mua ôtô với kỳ vọng giá xe sẽ giảm sâu hơn trong 2018.

Trên thực tế, dù nhiều hãng đã nhập được xe từ ASEAN với thuế suất 0%, giá ôtô trên thị trường Việt Nam vẫn không hề giảm, thậm chí có những mẫu xe còn tăng giá. Người mua cũng phải chi thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng nếu muốn nhận xe sớm. Giấc mơ ôtô giá rẻ vẫn còn xa vời với khách hàng Việt.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 2.

Nghị định 116 có hiệu lực từ đầu năm nay quy định các loại giấy tờ chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài cung cấp (VTA). Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng cấp loại giấy này khiến các hãng nhập khẩu ‘lao đao’ trong suốt nửa đầu năm 2018.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 6, tổng thị trường bán được 126.086 xe, trong đó xe lắp ráp là 106.638 chiếc và xe nhập khẩu 19.039 xe. Xe lắp ráp tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm tới 49% so với cùng kỳ 2017.

Đến tháng 8/2018, làn sóng xe nhập bắt đầu trở lại khi hầu hết các hãng xe đã hoàn thiện được những giấy tờ, thủ tục theo yêu cầu.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 3.

Sau hơn 1 năm khởi công dự án tổ hợp sản xuất ôtô, VinFast đưa 2 mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 tham dự Paris Motor Show diễn ra tại Pháp vào tháng 10/2018. Đây là lần đầu tiên một chiếc xe hơi thương hiệu Việt xuất hiện tại một triển lãm ôtô mang tầm quốc tế. Sự kiện không chỉ thu hút dư luận và báo chí trong nước mà còn được nhiều hãng truyền thông nước ngoài quan tâm.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 4.

Cựu ngôi sao bóng đá David Beckham và Hoa hậu Trần Tiểu Vy là khách mời xuất hiện bên cạnh 2 mẫu xe của VinFast tại triển lãm Paris. Ảnh: Getty Images Europe.

Ngày 20/11 vừa qua, VinFast cũng chính thức ra mắt bộ đôi Lux A 2.0, Lux SA 2.0 cùng với mẫu xe cỡ nhỏ Fadil và xe máy điện Klara tại Việt Nam.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 5.

Cuối tháng 6/2018, VinFast công bố mua lại hoạt động sản xuất và phân phối của General Motors (GM) tại Việt Nam. VinFast sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ôtô cỡ nhỏ được mua bản quyền từ GM. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến sẽ khánh thành vào nửa đầu năm 2019.

VinFast cũng tiếp nhận hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 6.

Trong thông báo gửi đi vào giữa tháng 12, tập đoàn TanChong cho biết đã chấm dứt quyền nhập khẩu và phân phối xe, phụ tùng các dòng xe Nissan từ ngày 9/12/2018, còn liên doanh giữa Nissan và TanChong tại thị trường Việt Nam sẽ còn hiệu lực đến ngày 10/9/2019.

Thông tin trên khiến nhiều người lo ngại Nissan sẽ ngừng kinh doanh tại Việt Nam. Phản hồi về vấn đề này, Nissan Motor cho biết đang cân nhắc các phương án phù hợp nhất để nâng cao hiệu quả kinh doanh tại Việt Nam - thị trường phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Sau khi kết thúc hợp tác cùng Tan Chong, Nissan Motor sẽ tiếp tục bảo toàn và thực hiện mọi cam kết đã có với khách hàng.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 7.

Năm 2018, thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến sự ra đi của nhiều mẫu xe như Kia Rio; Kia Cerato hatchback và Cerato Koup; Mitsubishi Pajero; Peugeot 208; Chevrolet Trax và gần đây nhất là Ford Fiesta.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 8.

Ford Fiesta dừng sản xuất ở Việt Nam sau 7 năm kinh doanh. Ảnh: Ford.

Phần lớn các mẫu xe bị ngừng bán là do doanh số không được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể xuất phát từ chiến lược kinh doanh của nhà phân phối.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 9.

Chưa bao giờ thị trường ôtô Việt chứng kiến nhiều đợt triệu hồi xe để sửa lỗi như năm 2018. Toyota là hãng triệu hồi nhiều xe nhất với khoảng 37.000 chiếc. Hồi tháng 3, liên doanh Nhật Bản triệu hồi hơn24.000 xe Toyota và Lexus do lỗi túi khí. Đến tháng 8, hãng này tiếp tục triệu hồi gần 12.000 xe với lỗi tương tự.

Ngoài Toyota, các hãng xe khác như Ford, Hyundai, Honda,Mercedes-Benz... đều triển khai những đợt triệu hồi lớn tại Việt Nam trong năm qua.

8 câu chuyện ‘nóng’ nhất thị trường ôtô Việt 2018 - Ảnh 10.

Triển lãm ôtô Việt Nam - Vietnam Motorshow 2018 diễn ra vào tháng 10 tại Sài Gòn có sự tham gia của 15 thương hiệu xe hơi các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam (VIVA). Đây là cuộc "tái hợp" giữa xe lắp ráp phổ thông và xe nhập khẩu sau 3 năm tách thành 2 kỳ triển lãm riêng biệt.

Sự kết hợp này cũng đưa Vietnam Motor Show 2018 trở thành triển lãm ôtô có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, với việccác thương hiệu chuyên về lắp ráp ôtô trong nước như Trường Hải (THACO), Hyundai Thành Công… không tham gia, phần lớn các sản phẩm xuất hiện trong triển lãm vẫn là mẫu xe nhập khẩu.

Theo Linh Lam

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên