MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 ngân hàng niêm yết hàng đầu đang sở hữu những ưu thế và tiềm năng gì?

23-08-2022 - 14:28 PM | Tài chính - ngân hàng

8 ngân hàng niêm yết hàng đầu đang sở hữu những ưu thế và tiềm năng gì?

Techcombank, MB, VPBank, ACB, HDBank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đều có những yếu tố hỗ trợ tạo ra tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra đánh giá về lợi thế, tiềm năng cũng như rủi ro có thể gặp phải của 8 ngân hàng là Techcombank, MB, VPBank, ACB, HDBank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Đây là những nhà băng có quy mô, tốc độ tăng trưởng, chất lượng tài sản và giá trị vốn hóa đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Techcombank

VDSC cho rằng, tốc độ của Techcombank chậm lại tạm thời nhưng triển vọng tăng trưởng bảng cân đối trung dài hạn vẫn ổn định nhờ các lợi thế cạnh tranh chắc chắn. Cụ thể, dù khả năng tăng trưởng chậm lại trong năm 2022 do điều kiện thắt chặt, song triển vọng dài hạn cho năng lực tăng trưởng bảng cân đối và cải thiện ROE vẫn được duy trì.

Theo nhóm phân tích, các yếu tố nền tảng của Techcombank không bị suy giảm bởi các cú sốc ngắn hạn: cơ sở hạ tầng công nghệ hàng đầu, nền tảng vốn mạnh để chống chịu các tình huống căng thẳng như các cú sốc trong lĩnh vực bất động sản, và hệ sinh thái khép kín. Trong đó, nhờ hệ sinh thái quản lý tài sản rộng lớn giúp giữ lại dòng tiền, Techcombank có thể tăng trưởng cơ sở tiền gửi với CASA ổn định đồng thời huy động quốc tế cho nguồn vốn dài hạn và lãi suất tốt.

Nhờ cắt giảm chi phí dự phòng như kì vọng và tăng trưởng thu nhập phí đồng đều, Techcombank vẫn duy trì bảng cân đối khỏe và đà tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong nửa đầu năm dù áp lực lên biên NIM gia tăng. Nhóm phân tích kỳ vọng Techcombank sẽ duy trì động lượng và hiệu quả hoạt động trong 6 tháng cuối năm nhờ chi phí rủi ro tín dụng và hồ sơ rủi ro của khách hàng tiếp tục cải thiện.

''Techcombank có thể duy trì khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động trong nhiều môi trường nhờ chi phí huy động vốn và giá các cơ sở tín dụng cạnh tranh cũng như năng lực tài chính khách hàng cao'', VDSC đánh giá.

Rủi ro đối với luận điểm của VDSC là sự không chắc chắn trong đà phục hồi kinh tế trung hạn do vĩ mô toàn cầu, và trong hạn mức tăng trưởng tín dụng, thị trường bất động sản và triển vọng trái phiếu doanh nghiệp do chính sách thắt chặt.

MB

VDSC đánh giá điểm tích cực của MB là việc nâng cao trải nghiệm khách hàng tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc mở rộng CASA. Cùng với mối quan hệ với các doanh nghiệp quân đội lớn giúp MB duy trì được chi phí huy động vốn thấp. Điều này giúp ngân hàng dễ dàng điều hướng tín dụng đến các phân khúc mong muốn, đáp ứng mục tiêu của tập đoàn trong các giai đoạn kinh tế.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi giúp đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả. Cơ sở khách hàng bán lẻ ngày càng mở rộng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thu ngoài lãi từ các sản phẩm bán chéo như bảo hiểm và thẻ tín dụng.

Mặt khác, chiến lược 2022-2026 đặt mục tiêu biến ngân hàng thành một tập đoàn tài chính công nghệ với quy mô số hóa toàn diện. Các công nghệ cốt lõi tự xây dựng với nhân sự nội bộ cho phép cập nhật và bảo trì kịp thời và tiết kiệm chi phí, đảm bảo tính cạnh tranh. Kết hợp với lợi thế về cơ sở khách hàng, MB có khả năng mang lại suất sinh lợi cao thông qua cải thiện biên NIM và tổn thất tín dụng.

''Hệ sinh thái đa dạng với ngân hàng làm trung tâm sẽ hỗ trợ chuyển đổi toàn diện thành một tập đoàn tài chính'', nhóm phân tích đánh giá.

Rủi ro đối với luận điểm của VDSC đến từ tính ổn định của nguồn vốn và sự phục hồi chậm hơn dự kiến ở các phân khúc chiến lược. Sự không chắc chắn từ việc nhận chuyển giao ngân hàng là rủi ro ở cả hai phía.

VPBank

VDSC nhận định hệ sinh thái số toàn diện dành cho phân khúc khách hàng đông đảo nhất là nền tảng cho tiềm năng tăng trưởng vượt trội và khả năng sinh lời cao trong một số chu kỳ của VPBank.

Theo nhóm phân tích, nhờ nguồn vốn gia tăng từ khoản phí trả trước, thoái vốn và phát hành riêng lẻ, VPBank mở rộng mạnh mẽ hệ sinh thái bên cạnh tăng cường bộ đệm thanh khoản và vốn. Hệ sinh thái của VPBank có tính toàn diện cao hàng đầu mặc dù chưa kết nối hoàn toàn. VDSC kỳ vọng chi phí huy động vốn cải thiện hơn nhờ vào các nguồn vốn quốc tế có chi phí cạnh tranh và tích hợp sâu rộng hệ sinh thái giúp giữ dòng tiền.

Mặt khác, tiềm năng tăng trưởng đến từ mảng tài chính tiêu dùng và KH đại chúng, thúc đẩy tăng trưởng và khả năng sinh lời trong các chu kỳ kinh tế mở rộng. Bên cạnh đó, mô hình quản lý rủi ro của VPBank, bao gồm cả việc thu hồi nợ, giúp đảm bảo khả năng mở rộng quy mô và cán cân rủi ro – lợi nhuận cũng như tạo nên lợi thế cạnh tranh cao. Trong khi việc đa dạng hóa nhóm khách hàng một cách chọn lọc giúp củng cố khả năng sinh lời và vùng đệm vốn.

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tổng thu nhập ở mức trung bình và sự không chắc chắn về khả năng mở rộng bảng cân đối khiến nghi ngờ việc đạt kế hoạch năm nhưng chất xúc tác vẫn còn. VDSC kỳ vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm cao với đóng góp lớn hơn từ công ty con và chi phí rủi ro. Tuy nhiên, khả năng hoàn thành kế hoạch năm đầy tham vọng vẫn bị nghi ngờ khi nền tảng vĩ mô không chắc chắn.

ACB

Theo VDSC, ACB có nền tảng ngân hàng bán lẻ mạnh, gồm phân khúc KH cá nhân và SME. Cơ sở khách hàng đang tăng trưởng đều đặn tập trung vào phân khúc trung và cao cấp đảm bảo cấu trúc huy động ổn định và khả năng định hướng biên NIM, giúp ACB điều tiết tốc độ tăng trưởng bảng cân đối phù hợp với khẩu vị rủi ro và tăng cường khả năng bán chéo.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận cho vay thận trọng và liên tục cải thiện hoạt động số hóa sẽ tạo nền tảng để đạt và duy trì hiệu quả hoạt động tổng thể bền vững. Với chiến lược tăng trưởng phù hợp, ACB có thể mở rộng cho vay thận trọng để duy trì bảng cân đối lành mạnh và phân bổ vốn hiệu quả, dẫn đến chi phí rủi ro và lợi nhuận được kiểm soát tốt, đồng thời giúp ngân hàng trụ vững trong kịch bản khác nhau.

''Nền tảng vốn và thanh khoản dồi dào sẽ đảm bảo năng lực và dư địa tăng trưởng trong các giai đoạn không thuận lợi'', VDSC cho hay.

Theo nhóm phân tích, động lượng tăng trưởng của ACB bắt đầu bứt phá năm 2022, đạt lần lượt 33% và 51% trong Q1 và Q2/22. Giảm chi phí tín dụng là động lực chính, đặc biệt việc hoàn nhập dự phòng nợ cơ cấu . VDSC kỳ vọng ACB sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc hoàn nhập dự phòng dù có thể một phần nợ cơ cấu sẽ bị phân loại lại thành nợ xấu.

Rủi ro đối với triển vọng ACB là độ nhạy cao với dự phòng, sự không chắc chắn ở khả năng hồi phục của KH và chuyển nhóm nợ cơ cấu là rủi ro giảm giá. Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng tiềm ẩn rủi ro dù thấp.

HDBank

Theo VDSC, HDBank có khả năng duy trì tốt tính hiệu quả nhờ NIM điều chỉnh rủi ro ổn định do khâu quản lý rủi ro tốt, lợi suất cho vay phù hợp và tăng trưởng bảng cân đối cao ổn định. Nhóm phân tích dự báo ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện ROA nhờ ứng dụng công nghệ cải thiện năng suất, qua đó, giảm CIR và tăng tỷ suất lợi nhuận ròng.

Mặt khác, HDSaison, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rộng lớn với định hướng cho vay theo chuỗi giá trị ở các phân khúc trung lưu và cho phép HDBank tiếp cận khách hàng từ giai đoạn sớm, vốn sau này sẽ được phục vụ bởi ngân hàng mẹ.

VDSC kỳ vọng tăng trưởng cho vay và thị phần ổn định do nhu cầu đang tăng nhanh và vị thế tốt của ngân hàng. Bên cạnh đó, sự kết hợp nguồn vốn ổn định với tiền gửi dài hạn và giấy tờ có giá là nền tảng để mang lại tính thanh khoản dài hạn và theo đuổi hoạt động cho vay có lợi suất cao.

Bất chấp biến động trong nửa đầu năm, HDBank đã ghi nhận kết quả ấn tượng nhờ cả thu nhập lãi thuần (+26% so với cùng kỳ) và thu nhập phí thuần (+68%), dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận 26%. VDSC dự báo ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ổn định ở mức 36% trong nửa cuối năm 2022 nhờ hạn mức tang trưởng tín dụng cao, NIM phục hồi và đóng góp thêm từ mảng bancassurance. Theo đó, thu nhập lãi thuần và thu nhập phí thuần sẽ tăng lần lượt 27% và 60%.

Rủi ro đối với nhận định về HDBank bao gồm phân khúc tài chính tiêu dùng phải đối mặt với sự phục hồi kinh tế không chắc chắn, đe dọa việc hình thành nợ xấu khó lường. Trong khi yếu tố tạo ra đột biến có thể đến từ tiềm năng mở rộng thông qua M&A hoặc phát hành riêng lẻ và thương vụ bancassurance độc quyền, kết hợp với việc tham gia vào chương trình tái cấu trúc của NHNN.

Vietcombank

Theo VDSC, lợi thế của Vietcombank đến chi phí huy động vốn cạnh tranh hàng đầu nhờ định giá lãi suất tốt dẫn đến lãi suất trên tiền gửi có kỳ hạn thấp, và tỷ lệ CASA cao. Cụ thể, tăng trưởng huy động tương đối tích cực bất kể tốc độ tăng lãi suất tiền gửi niêm yết chậm hơn các NHTM cổ phần cho thấy tính ổn định của nguồn vốn, năng lực định giá và chất lượng cơ sở khách hàng.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ bới quan hệ sâu rộng với các nhà xuất nhập khẩu lớn trong nước và mạng lưới đối tác rộng khắp, Vietcombank có lợi thế cạnh tranh bền vững trong các mảng thu ngoài lãi như thanh toán, tài trợ thương mại và ngoại hối.

Mặt khác, Vietcombank có tỷ lệ cho vay và tiền gửi bán lẻ lớn ngoài thị phần lớn nhất ở CASA bán lẻ. Ngân hàng cũng duy trì sự thận trọng trong việc thẩm định và trích lập dự phòng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu ổn định ở mức thấp, bảng cân đối mạnh và bộ đệm dự phòng vững chắc. Các yếu tố này đảm bảo tính bền vững của khả năng sinh lợi và hiệu quả hoạt động, hỗ trợ năng lực tăng trưởng bảng cân đối.

VDSC cho rằng kết quả kinh doanh của Vietcombank đã tăng tốc kể từ Q2/22 nhờ tăng trưởng tín dụng tốt với hạn mức cao, chi phí tín dụng cải thiện và các khoản thưởng. Đà tăng trưởng được dự báo sẽ duy trì trong các quý tới chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng lớn. Tăng trưởng tín dụng là yếu tố tăng trưởng không chắc chắn trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023 trong khi NIM và chi phí tín dụng là các yếu tố ổn định hơn.

Nhóm phân tích nhận định khó khăn đối với Vietcombank có thể đến từ kịch bản vĩ mô bất ổn và tiềm năng các gói hỗ trợ lãi suất. Trong khi yếu tố hỗ trợ bao gồm điểm rơi phát hành riêng lẻ và các lợi ích từ chương trình nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.

VietinBank

Theo VDSC, sau khi chất lượng tài sản được cải thiện, áp lực về chi phí rủi ro của VietinBank được giảm bớt, qua đó, thúc đẩy lợi nhuận và tỷ suất sinh lời lên mức cao hơn. Các mảng thu ngoài lãi và tỷ lệ CASA sẽ được đẩy mạnh hơn nữa với sự hỗ trợ của tệp khách hàng lớn và quan hệ đối tác doanh nghiệp mạnh mẽ, giúp đa dạng hóa thu nhập và mang lại chi phí huy động vốn ổn định và cạnh tranh.

Bằng cách đầu tư vào công nghệ, kết hợp với NIM điều chỉnh rủi ro tăng nhờ chi phí huy động vốn giảm mạnh và chi phí tín dụng được kiểm soát, VietinBank có khả năng tăng trưởng bảng cân đối một cách hiệu quả bất chấp áp lực từ nguồn vốn. Bên cạnh đó, tăng trưởng thanh toán và thu hồi nợ sắp tới sẽ góp phần tạo ra khả năng sinh lợi tốt hơn thông qua tăng trưởng thu nhập ngoài lãi.

''Trong trung hạn, kết hợp chiến lược tăng trưởng hợp lý với khả năng sinh lời bền vững và kế hoạch vốn khả thi sẽ giúp củng cố nền tảng của VietinBank'', VDSC nhận định.

Nhóm phân tích cho rằng, VietinBank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý trong 6 tháng đầu năm biến động mạnh do độ nhạy cao với chi phí tín dụng trong khi đà tăng trưởng tổng thu nhập ổn định. NIM có dư địa cải thiện trong nửa cuối năm, trở thành chất xúc tác tiềm năng. Tuy nhiên, việc bình thường hóa chi phí tín dụng biên là yếu tố then chốt dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận 54% trong 6 tháng cuối năm.

Rủi ro đối với dự báo của VDSC là sự phục hồi kinh tế không chắc chắn và các gói cho vay ưu đãi. Trong khi yếu tố hỗ trợ có thể đến từ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn dự kiến.

BIDV

Theo VDSC, việc cải thiện chất lượng tài sản và cơ sở vốn sẽ từng bước nâng cao khả năng sinh lời và hiệu quả tổng thể của BIDV. Cụ thể, chất lượng tài sản từng bước được cải thiện sau khi xử lý trái phiếu VAMC. Tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm từ nền cao xuống mức hiệu quả hơn, hỗ trợ NIM sau điều chỉnh rủi ro. Khả năng sinh lời và hiệu quả tổng thể sẽ được củng cố cũng như sức khỏe bảng cân đối nhờ vào tiềm năng tăng vốn, từ đó mang lại khả năng mở rộng tốt.

Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận BIDV tăng trưởng 36% so với cùng kỳ và diễn biến giá tích cực hơn ngành nhờ phơi nhiễm rủi ro tin tức thấp bao gồm tín dụng BĐS và TPDN và chi phí tín dụng biên giảm nhanh từ nền cao. Nhóm phân tích kỳ vọng BIDV có khả năng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đạt 79% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 trước khi nhanh chóng bình thường hóa về mức 14% vào năm 2023.

VDSC cho rằng, BIDV là một trong những ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản, cho vay và cơ sở tiền gửi, đồng nghĩa sở hữu mạng lưới rộng lớn và thương hiệu trong việc huy động. Do vậy, BIDV có thể tận dụng để cung cấp dịch vụ tại quy mô lớn và tăng trưởng cơ sở huy động với khả năng định giá cạnh tranh. Lợi thế nguồn vốn tạo nền tảng cho tăng trưởng trong các chu kỳ chi phí cao.

Rủi ro đối với nhận định của VDSC bao gồm thời gian phát hành riêng lẻ. Trong khi đà phục hồi và trạng thái nền kinh tế sẽ tác động đáng kể đến mức độ tổn thất tín dụng do BIDV có thị phần khách hàng lớn.

Quang Hưng

Nhịp sống Kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên