8 triệu thanh niên Trung Quốc tham gia kỳ 'thi đình' vì 'bát cơm sắt' trị giá 7.000 USD/năm
Theo kênh CNBC (Mỹ), hơn 7,7 triệu thanh niên Trung Quốc đã tham gia các kỳ thi tuyển 200.000 vị trí công chức trong năm nay - con số cao nhất từng được ghi nhận.
- 20-03-2023Dow Jones tăng 200 điểm khi các nhà đầu tư hy vọng vụ giải cứu lịch sử Credit Suisse sẽ ngăn khủng hoảng tiềm ẩn với lĩnh vực ngân hàng
- 20-03-2023Mỹ lên kế hoạch ứng phó người biểu tình ủng hộ ông Trump sau thông tin sắp bị bắt
- 20-03-2023Một chỉ báo cho thấy suy thoái đang đến rất gần, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chưa đến lúc ‘buông bỏ’ cổ phiếu
Các kỳ thi công chức thời hiện đại không khác nhiều so với "thi đình" của triều đình phong kiến Trung Quốc thời xưa. Ảnh: Business Insider
Tỷ lệ chọi 1:40 nhưng lương không quá cao
Theo tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong), tất cả những ứng viên đều nỗ lực ganh đua với tỷ lệ 1 chọi 40 để được phục vụ Chính phủ Trung Quốc. Những công việc này được coi là nghề nghiệp đáng trân trọng và được mệnh danh là "bát cơm sắt" vì sự ổn định và đảm bảo công việc mà chúng mang lại.
Con số 8 triệu đáng kinh ngạc này — ít hơn một chút so với dân số của New York (Mỹ) — tăng gấp năm lần so với 1,4 triệu người tham gia kỳ thi năm 2021.
Theo kênh CNBC, các kỳ thi công chức thời hiện đại không khác nhiều so với "thi đình" của triều đình phong kiến Trung Quốc thời xưa. Các bài thi hiện đại đánh giá các ứng viên theo nhiều tiêu chí như kỹ năng ngôn ngữ, phân tích dữ liệu, khả năng phán đoán... nhằm tìm ra những ứng cử viên phù hợp nhất để phục vụ bộ máy hành chính nhà nước Trung Quốc.
Mặc dù phải vượt qua những kỳ thi rất khó khăn để được làm những công việc này, nhưng lương công chức không hề cao.
Theo kênh CNBC, công chức Trung Quốc kiếm được trung bình 6.979 USD/năm vào năm 2012. Trong khi đó, trang tin 163 (Trung Quốc) đưa ra một con số ảm đạm hơn nhiều. Theo trang tin này, 60% công chức Trung Quốc kiếm được ít hơn 3.600 USD/năm trong năm 2008 và 2009.
Số lượng lớn người nộp đơn trong kỳ thì tuyển công chức năm 2023 cho thấy, nhu cầu tìm việc làm ổn định ngày càng cao khi tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc tăng lên mức mới.
Alfred Wu - chuyên gia về Trung Quốc, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore - cho biết, nhiều người hiện có xu hướng lao vào nhà nước do nền kinh tế đang đi xuống của Trung Quốc.
"Nói chung, các công việc trong cơ quan nhà nước có thể mang lại lợi ích cho cả gia đình, chẳng hạn như các mối quan hệ với các vị trí quyền lực. Cha mẹ của một số thanh niên có thể đã nhận ra trong đại dịch COVID-19 rằng con cái họ sẽ có cuộc sống tốt hơn nhiều nếu có công việc ổn định trong khu vực công, hơn là những công việc không ổn định - mặc dù được trả lương cao hơn - trong khu vực tư nhân", chuyên gia Wu nói.
Ông Wu cho biết, có sự chênh lệch đáng kể về lương giữa khu vực công và khu vực tư nhân, chủ yếu là do sự thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước hơn là tư nhân.
"Hiện tại có sự thiếu tin tưởng vào khu vực tư nhân. Những người trẻ tuổi và sinh viên mới ra trường có thể sẽ bị thu hút nhiều hơn bởi những công việc ổn định, bởi vì làm việc cho nhà nước là một lựa chọn an toàn hơn", chuyên gia Wu nói.
Một số thanh niên Trung Quốc đang nổi dậy chống lại "lối sống 9-9-6". Ảnh: Business Insider
Thất nghiệp tăng vọt và phản đối "lối sống 9-9-6"
Vào tháng 8/2022, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đạt 19,9% trong tháng 7. Điều này có nghĩa là cứ 5 người tìm việc trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi thì có 1 người không có việc làm.
Con số ảm đạm này đã khiến Willy Lam - một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Jamestown ở Washington, D.C., (Mỹ) - gọi đây là "cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất" của Trung Quốc trong bốn thập kỷ.
"Thất nghiệp hàng loạt là một thách thức lớn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc", ông Lam nói với hãng tin CNN vào tháng 9/2022.
Trang Business Insider (Mỹ) nhận định, có nhiều lý do khiến cho làn sóng thất nghiệp đang tấn công Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc vào năm 2021 đã áp đặt những quy định ngặt nghèo đối với lĩnh vực công nghệ - một ngành có nhiều công việc được trả lương cao từng được những người tìm việc Trung Quốc thèm muốn.
Đồng thời, một số thanh niên Trung Quốc đang nổi dậy chống lại "lối sống 9-9-6". Thuật ngữ này đề cập đến văn hóa "hối hả" ở Trung Quốc, nơi mọi người làm việc 12 giờ một ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần. Jack Ma - người sáng lập Alibaba - từng ủng hộ lối sống này, và vào năm 2019 đã gọi tuần làm việc 72 giờ là một "phước lành".
Từ mùa hè năm 2021, rất nhiều người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ năm 1981 đến 1996) ở Trung Quốc cho biết, họ đang tham gia "phong trào nằm yên" sau khi chứng kiến bạn bè của mình làm việc đến chết.
Đối với những người muốn tham gia tích cực vào lực lượng lao động, trở thành công chức tiếp tục là một lựa chọn đảm bảo. Vào tháng 1/2023, một số công chức trẻ ở Trung Quốc nói với tờ The New York Times (Mỹ) rằng, họ đã quyết định làm công chức vì họ không biết liệu mình có thể tìm được việc tốt hơn trong khu vực tư nhân hay không.
Amy Liu - người đã làm thư ký cho chính quyền thành phố Bắc Kinh trong 6 năm, nói với tờ The Times (Mỹ) rằng, cô cảm thấy khá hài lòng với công việc của mình. Nhưng Liu từng cảm thấy khó chịu khi các sếp của cô trong chính quyền thành phố buộc cô phải quản lý đám đông tại các điểm xét nghiệm COVID-19 của thành phố hàng tuần, trong vòng 3 năm qua.
"Cha mẹ tôi nghĩ làm công chức là tốt. Họ nghĩ rằng tôi không bao giờ nên rời bỏ công việc này", Liu nói với tờ The Times.
TTVH