800 người biểu tình cố gắng xông vào nhà máy Tesla ở Đức
Khoảng 800 nhà hoạt động đã tụ tập bên ngoài nhà máy Tesla gần Berlin (Đức) nhằm phản đối kế hoạch mở rộng cơ sở, nâng công suất sản xuất của hãng này.
- 11-05-2024Ngành hàng không Nga đối mặt khủng hoảng nhân sự cao cấp
- 11-05-2024Cơn sốt kỳ lạ trên thị trường bất động sản nền kinh tế số 1 thế giới: Chủ rao bán giá 1, khách vội vàng trả gấp rưỡi để nhanh chóng chốt đơn
- 11-05-2024Chính sách ‘Made in China 2025’ khiến phương Tây lo ngại
Một số người trong số các nhà hoạt động đã đụng độ với cảnh sát khi họ cố gắng xâm nhập vào nhà máy.
"Hiện có 800 nhà hoạt động biểu tình tại địa điểm nhà máy Tesla Gigafactory như một phần của Ngày hành động Tesla", Disrupt - một liên minh gồm các nhóm chống tư bản tự phát ngôn đã tổ chức cuộc biểu tình - cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình.
(Ảnh: Getty Images)
Cảnh sát sở tại xác nhận trong một thông cáo báo chí hôm 10/5 rằng "những người tham gia cuộc tuần hành trước đó đã chạy xuyên rừng về phía trụ sở của công ty Tesla. Vì họ đang ở gần đường ray xe lửa Deutsche Bahn vào thời điểm đó và thậm chí đi lấn vào đường ray nên giao thông đường sắt giữa Erkner và Fürstenwalde phải tạm thời bị đình chỉ".
Cảnh sát cũng cho biết họ đã ngăn cản nhóm này xông vào nhà máy của Tesla.
(Ảnh: Getty Images)
Cả Tesla và cảnh sát ở bang Brandenburg của Đức - nơi đặt nhà máy của Tesla - đều chưa trả lời yêu cầu bình luận của CNN.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X hôm 10/5: "Những người biểu tình đã không vượt qua được rào chắn. Xung quanh (nhà máy) vẫn còn nguyên hai hàng rào".
(Ảnh: Getty)
Disrupt lập luận rằng kế hoạch tăng gấp hơn 2 lần công suất sản xuất của nhà máy Tesla ở châu Âu của ông Musk sẽ gây tổn hại đến môi trường địa phương. Nhóm này cho biết việc mở rộng cơ sở sẽ đòi hỏi phải phát quang các khu rừng xung quanh và sẽ làm căng thẳng thêm nguồn cung cấp nước ở địa phương. Disrupt đã lên kế hoạch biểu tình trong 4 ngày bắt đầu từ ngày 8/4.
Tesla đã đóng cửa nhà máy trong ngày 10/5 để đề phòng đám đông tập trung bên ngoài nhằm phản đối kế hoạch mở rộng của hãng này.
(Ảnh: DPA)
Đầu tháng 3, Tesla cũng buộc phải đóng cửa nhà máy trong 1 tuần sau khi cột điện cao thế cung cấp điện cho nhà máy bị đốt cháy. Một nhóm các nhà hoạt động cực tả đã nhận trách nhiệm về vụ đốt phá trên.
Cảnh sát bang Brandenburg hôm 8/5 cho biết họ đã chuẩn bị cho các hoạt động biểu tình trên diện rộng với sự hỗ trợ của cảnh sát liên bang và cảnh sát từ các bang khác.
Đại diện cảnh sát bang Brandenburg nói trong một tuyên bố: "Không thể loại trừ việc sẽ xảy ra các hành động gây rối cũng như những hành vi phạm tội thường xuất hiện trong những cuộc biểu tình kiểu này. Do đó, cảnh sát đã chuẩn bị ứng phó cho cả một kết quả hòa bình và không hòa bình. Nếu có hành vi phạm tội, cảnh sát sẽ can thiệp kiên quyết".
VTV