MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

877 người chết ở Haiti và sự thờ ơ của truyền thông Mỹ

10-10-2016 - 07:55 AM | Tài chính quốc tế

​Haiti nhỏ bé, không đủ sức chống lại cơn thảm hoạ thiên nhiên.

10 giờ kém 4 phút sáng ngày 7/10, Reuters cung cấp thông tin mới nhất về số lượng người chếtHaiti. Ít nhất - phía này nói - 572 người đã chết trong thảm hoạ của cơn bão Matthew.

Gần như cùng thời điểm đó, CNN chiếu trực tiếp cảnh cơn bão đi qua khu vực phía Tây Bắc đến vùng bãi biển Florida, từ nơi mà hai triệu người đã sơ tán. Những cơn gió dữ tợn, những cơn sóng ầm ầm và khả năng gây chết của nó đã thực sự thu hút được quan tâm.

Nhưng đối với hàng trăm cái chết do ảnh hưởng của cơn bão, người ta chỉ thấy một sự thờ ơ, gần như bằng không. Rất khó để tìm thấy một tờ báo của Mỹ nào để tin tức về số người chết ở Haiti lên trang chủ.

Liệu chúng ta có nên tiếp tục bất ngờ về điều này? Con người đã trở nên lạnh lùng và hoài nghi từ khi nào? Hay từ bao giờ phương tiện truyền thông đã bắt đầu đánh giá mạng sống của người này có giá trị hơn người khác? Chúng ta đã quên giai thoại trong giới truyền thông Anh rằng "một người chết ở Putney (London) tương đương với 10 người chết ở Paris và tương đương với 100 người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ".

Người Haiti không còn xa lạ với kiểu thờ ơ này. Họ là quốc gia nghèo nhất ở bán cầu Tây, với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.700 USD. Cơ sở vật chất giáo dục và y tế luôn trong tình trạng thiếu thốn và quá tải. Tham nhũng thì đầy rẫy. Ước nguyện hàng đầu của rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết giới trẻ là muốn rời đất nước này càng sớm càng tốt. Nhưng họ không có đủ khả năng làm điều đó.

Từ lâu, Mỹ đã có can thiệp chính trị với Haiti. Năm 1991, Tổng thống đầu tiên được bầu cử dân chủ của Haiti - ông Jean Bertrand Aristide bị lật đổ bởi một nhóm đảo chính được CIA hậu thuẫn. Ông đã trở lại sau một thoả thuận với Bill Clinton, chỉ để bị buộc phải lưu vong một lần nữa vào năm 2004, trong khi những nhóm thù địch tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn từ Washington.

Kể từ đó, Washinton đã chơi trò người chỉ huy thông qua một loạt lãnh đạo bù nhìn - những người hầu như chẳng làm được gì cho 10 triệu con người sống trong quốc gia độc lập đầu tiên ở Mỹ Latin, quốc gia do người da đen độc lập phi thực dân hóa đầu tiên trên thế giới, quốc gia duy nhất mà sự độc lập một phần là nhờ cuộc nổi loạn nô lệ.

Năm 2010, khi thế giới chứng kiến một trận động đất lịch sử, giết chết ít nhất 150.000 người, quốc gia này với cơ sở vật chất nghèo nàn đấu tranh để đối phó với cơn thảm hoạ Trong khi đó ở Cuba - nơi chỉ một vài người chết, chính phủ từ lâu đã quen với những cơn bão kiểu này và yêu cầu người dân sơ tán về trung tâm.

Reuters cho biết thông tin từ Haiti rất nhỏ giọt, nhiều nơi bị cắt điện. Ít nhất 61.000 người đang ở trong trạm cấp cứu, mạng lưới điện thoại bị cắt, đường xá ngập trong biển nước. Haiti gần như cô lập với phần còn lại của thế giới. Không có viện trợ hoặc viện trợ đến chậm, người dân ở đây chỉ biết giúp đỡ lẫn nhau.

"Nhà của tôi không bị phá huỷ, do đó tôi đón mọi người đến ở cùng, giống như một trạm cứu hộ tạm thời vậy". Bellony Amazan chia sẻ. Cô đang sống tại thị trấn Cavaillon - nơi khoảng hơn chục người đã bị chết bởi cơn bão. Amazan cho biết cô không còn thức ăn để đưa cho mọi người.

Jacqueline Charles - phóng viên tờ Miami Herald chia sẻ tại hiện trường lời của một cô gái 26 tuổi sóng tại thị trấn Jeremie: "Chúng tôi mất tất cả - vật nuôi, mùa màng. Tất cả những gì chúng tôi có là quần áo đang mặc trên người và nước từ những cây dừa".

Điều đáng giật mình đối với sự thờ ơ của phương tiện truyền thông Mỹ đó chính là khoảng cách giữa hai nơi này. Không phải 1 triệu dặm, Haiti chỉ cách vùng bờ biển phía nam Florida 800 dặm, tức chưa đến 1 giờ rưỡi bay từ Miami.

Lần gần đây nhất, Reuters cho biết số người chết ở Haiti là 877 người và dự kiến con số này còn tiếp tục tăng lên.

Anh Sa

The Independent

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên