8X Đà Nẵng được báo chí Hàn gọi là 'super woman': "Cánh diều bay cao nhờ ngược gió, tôi tin rằng nghịch cảnh và thử thách là cơ hội để thành công"
Sau phóng sự gần 50 phút về cuộc sống của Lê Nguyễn Minh Phương tại Hàn Quốc, báo chí nước này không ngần ngại gọi cô là "super woman". Để học tập tốt và hoàn thành những công việc xã hội, đồng thời có thể đưa mẹ và con gái sang Hàn Quốc cùng, "công dân danh dự Seoul" đã lao động không biết mệt mỏi.
- Cuộc sống của chị thay đổi như thế nào sau khi trở "Công dân danh dự Seoul" cách đây 2 năm?
- Tháng 11/2019, tôi vinh dự được nhận danh hiệu "Công dân danh dự Seoul". Tới tháng 12/2019, tôi trở về Việt Nam để ăn Tết, cùng lúc này, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Sau đó, phải mất khá nhiều thời gian, tôi mới có thể trở lại Hàn Quốc.
Suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên nhiều hoạt động vốn đã được định sẵn cho 18 người vinh dự trở thành Công dân danh dự Seoul, trong đó có tôi, đã không thể thực hiện được. Tôi rất tiếc vì điều này. Tuy nhiên, vẫn có những niềm vui nho nhỏ như việc trở về Việt Nam và được xuất hiện trên chương trình Cầu truyền hình vào thời khắc cả nước cùng đón Giao thừa năm 2020, hay trở thành khách mời trên sóng trực tiếp của "Cà phê sáng cùng VTV3", ra đường được mọi người nhận ra, quan tâm và yêu thương…
Tôi vốn không phải tuýp người quá tham vọng. Việc tham gia vào các hoạt động xã hội là để đóng góp cho cộng đồng theo khả năng của mình, và cùng những người anh em xây dựng nên một cộng đồng ngày càng vững mạnh. Tôi không đặt nặng những thứ như danh hiệu hay chức danh và hiếm khi chủ động tự ứng cử vào các vị trí. Từ trước đến nay, đều là nhờ tôi may mắn được nhiều người tin tưởng, đề cử, ủng hộ. Đó chính là niềm vui và là động lực rất lớn với tôi khi biết rằng những nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận.
Năm 2013, Lê Nguyễn Minh Phương giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc để theo học Thạc sĩ tại Trường Đại học Yonsei. Năm 2016, cô tiếp tục nhận học bổng cho sinh viên nước ngoài xuất sắc để tiếp tục học lên Tiến sĩ tại ngôi trường danh giá bậc nhất xứ sở kim chi.
- Chị nghĩ sao về cụm từ "super woman" mà báo chí Hàn Quốc và mọi người dành cho mình?
- Tôi hay nói vui với bạn bè trên Facebook của mình rằng, đừng gọi tôi là "super woman" vì tôi chỉ là một người bình thường. Chẳng qua là bị cuộc đời "xô đẩy", đặt tôi vào nhiều thử thách nên có thể nói là việc gì cũng làm được, cái gì cũng biết một chút thôi (cười).
Đôi khi cảm thấy con đường mình chọn có quá nhiều "ổ gà", đôi khi thử thách đến dồn dập cũng làm tôi thấy nản chí, mỏi gối chùn chân chứ. Nhưng rồi trải qua nhiều việc và ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra, chính nhờ những kinh nghiệm "vượt ổ gà" đó mà tôi mới là tôi của ngày hôm nay.
Việc va phải nhiều "ổ gà" cũng có thể xem là một sự may mắn khi nhờ vậy tôi rèn luyện được ý chí và sự kiên định, rồi còn được nhiều người yêu thương và quan tâm, giúp đỡ. Vậy nên, khi đối diện với khó khăn, tôi thường chọn cách nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, xem đó là động lực để mình cố gắng nhiều hơn.
- Trước đó, chị đã làm thế nào để giành được suất học bổng Thạc sĩ tại Trường Đại học Yonsei?
- Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đi du học vì điều kiện gia đình không phải là khá giả. Những năm cấp 3 toàn bộ gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai mẹ. Còn tôi quá nhỏ để có thể làm gì.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi từng đi làm 2 năm sau đó mới quay lại tập trung thi Đại học vì nghĩ rằng, mình phải có trách nhiệm san sẻ với mẹ. Trong thời gian đó, tôi tự học thi các chứng chỉ tiếng Anh và mua sách về tự học tiếng Hàn, cũng có được theo học ở Trung tâm tiếng Hàn một thời gian ngắn.
Sau khi trở thành tân sinh viên khoa tiếng Hàn, tôi thi đậu vị trí MC tiếng Hàn cho một cuộc thi hùng biện tiếng Hàn tổ chức bởi KOICA tại TP. HCM. Sau đó, tiếp tục được nhận vào dạy thử tại Trung tâm dịch vụ việc làm – Sở LĐ TB & XH TP. Đà Nẵng.
Sau một tháng, cô sinh viên năm nhất là tôi được chính thức giảng dạy các lớp dành cho người đi xuất khẩu lao động tại Trung tâm. Tôi trở thành lao động chính trong gia đình, ngoài giờ học luôn bận rộn với lịch dạy ở nhiều nơi khi được tin tưởng mời dạy các lớp ở các trường trung cấp, cao đẳng khác trên địa bàn thành phố.
Với kinh nghiệm đi dạy trong 4 năm học Đại học và khả năng ngoại ngữ, tôi nhận được lời mời từ một vài trường và công ty Hàn Quốc nhưng quyết định ở lại trường mình đã học, thi đậu Giảng viên ngay sau khi tốt nghiệp và chính thức dạy tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng từ năm 2011.
Tuy nhiên, dù có học và dạy nhiều năm thế nào nhưng chưa được trải nghiệm thực tế ở Hàn Quốc và những kiến thức về sư phạm chỉ là tự học hỏi và tìm hiểu chứ không được đào tạo bài bản nên tôi luôn thấy bản thân còn thiếu sót. Lúc này, tôi nghĩ là mình phải tìm cách để đi.
Gọi là "tìm cách" bởi vì tôi biết với hoàn cảnh gia đình mình, nếu chỉ đi với học bổng 50% hoặc 100% học phí thì tôi sẽ không thể trang trải được mọi chi phí.
May mắn khi thời gian sau đó tôi đã được nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc, đậu 3 trường Đại học lớn. Cuối cùng thì tôi đã chọn học ở một trường trong top 3 trường danh giá nhất của xứ sở kim chi và cũng nằm trong top 100 thế giới.
- Khó khăn lớn nhất của chị trong giai đoạn đầu sang Hàn Quốc là gì?
- Lúc mới sang Hàn Quốc, tôi gần như không có gì trong tay, cũng không quen biết ai, lại thêm nỗi nhớ và lo lắng cho gia đình. Sau khi ở lại trường làm Giảng viên, tôi đã kết hôn và có một bé gái, nhưng sau đó đã chia tay và một mình nuôi con.
Thú thực, dù là đi du học theo học bổng toàn phần, tôi chưa từng nghĩ mình có thể ở lại và gắn bó với Hàn Quốc đến gần 8 năm để tiếp tục học lên Tiến sĩ như bây giờ, bởi gánh nặng trên vai là rất lớn khi còn phải lo cho cả gia đình. Tuy nhiên, tôi đã tự hứa với bản thân rằng nhất định phải cố gắng bằng mọi cách để có thể đưa mẹ và con mình sang Hàn Quốc. Bởi có như vậy, tôi mới có thể yên tâm để tiếp tục học tập.
Quan trọng nhất là, tuổi thơ của con sẽ trôi qua rất nhanh, và tôi muốn được ở bên cạnh, được nhìn thấy con mình lớn lên mỗi ngày mà không bỏ lỡ bất kỳ một giây phút nào… Nhà tôi lúc này chỉ có 3 người, chúng tôi xác định đi đâu cũng được, miễn là cùng nhau. Nghĩ thì là thế, nhưng để thực hiện điều đó thì thực sự không dễ dàng chút nào.
- Rồi chị đã xoay sở ra sao?
- Tôi đã bắt đầu sống ở Ký túc xá dành cho Sinh viên Học bổng Chính phủ và dành thời gian rảnh trong tuần để đi tìm việc làm thêm và tìm nhà trọ gần trường.
Tìm được chỗ thuê nhà ở thủ đô Seoul đắt đỏ với số tiền ít ỏi dành dụm được trong hai học kỳ đầu tiên với một số việc dạy tiếng Việt và dịch thuật thực sự là một bài toán khó với tôi. Có những lúc khó khăn và tuyệt vọng đến bật khóc, tưởng chừng không thể thực hiện được lời hứa của mình. Nhưng may mắn, trong lúc bế tắc nhất, tôi tình cờ gặp lại một người Hàn mà tôi đã phiên dịch vài lần ở Đà Nẵng.
Biết được tình cảnh của tôi, họ chia sẻ có một căn phòng nhỏ mới xây trên sân thượng tầng 4, có thể cho tôi thuê mà không cần cọc. Khoản tiền đó trung bình thường dao động từ 3.000-5.000 đô. Căn phòng đó rất bé khi ở 3 người, chỉ khoảng 10-12m2 thôi, lại cách xa trường, nhưng bù lại có những tiện nghi cơ bản và tôi có thể trả tiền nhà theo tháng mà không cần lo khoản tiền cọc quá lớn kia.
Có thể nói đó chính là ân nhân của tôi. Thời điểm đó chính là bước ngoặt lớn giúp tôi đưa được mẹ và con mình theo. Nếu không làm được điều đó, tôi đã không thể nghĩ đến việc tiếp tục ở lại học tập, làm việc đến ngày hôm nay.
Sau khi đưa được gia đình sang, tôi đã làm nhiều công việc khác nhau để có thể trang trải đủ chi phí sinh hoạt, còn tham gia công tác xã hội. Đến giờ thì tôi vẫn đang vừa học vừa làm và đảm nhận nhiều công việc một lúc. Khối lượng công việc khá lớn và lịch trình cũng rất căng do phải di chuyển nhiều nhưng tôi chỉ biết lấy gia đình làm động lực để cố gắng cân bằng mọi vai trò của mình. Nhiều người vẫn đùa tôi rằng "làm vậy tiền để đâu cho hết?". Thật ra có những công việc nhìn thì có vẻ rất "hào nhoáng" nhưng nó không mang lại lợi ích kinh tế nhiều như mọi người nghĩ đâu (cười).
- Kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc như vậy, chị phân bổ thời gian của bản thân thế nào?
- Tính tôi khá cầu toàn, nếu không nhận làm thì thôi, đã làm thì phải tốt hết mức trong khả năng của mình. Đôi khi chính tôi là người tự tạo thêm áp lực cho bản thân vì luôn cố gắng để tốt hơn, hoàn thiện hơn mình của ngày hôm qua.
Hiện tại, sau nhiều năm ở Hàn và đã có một vị trí nhất định, sức khỏe là điều tôi đang tập chú trọng hơn để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu và kế hoạch dài hơi của mình. Thành thật mà nói, những năm qua tôi cũng có đôi chút ngược đãi bản thân khi dù khối lượng công việc mỗi ngày khá lớn nhưng nếu không phải việc quá gấp thì tôi luôn ưu tiên dành thời gian cho gia đình.
Nếu có thể lựa chọn, tôi sẽ chọn giảm bớt thời gian nghỉ ngơi và thời gian cho bản thân lại để cùng gia đình làm điều gì đó mà tất cả đều thích. Ví dụ như những bữa cơm gia đình luôn là thời gian để cả nhà cùng nhau trò chuyện, xem các chương trình thời sự và phim truyện Việt Nam. Đó là lúc con gái tôi tiếp xúc với tiếng Việt nhiều hơn nữa và biết thêm về quê hương. Đến nửa đêm khi mọi người đã say giấc, tôi mới bắt đầu làm nốt các công việc trong ngày.
Tôi làm việc nhiều, một phần là để duy trì cuộc sống ba người giữa thủ đô Seoul đắt đỏ, một phần vì có những việc nó đã gắn bó với mình trong thời gian quá dài và cũng trở thành công việc mình đam mê mà không thể dứt bỏ được. Ví dụ như công việc tại đài KBS, có những thời điểm bận rộn với luận văn Thạc sĩ hay công việc giảng dạy ở Đại học mà tôi đã nhiều lần muốn nghỉ nhưng rồi vì khi đó vẫn không tìm được người phù hợp để thay thế mà tôi lại tiếp tục làm.
Đến nay, nhân duyên giữa tôi và KBS đã bước sang năm thứ 7.
- Cơ hội nào giúp một nghiên cứu sinh như chị có cơ hội trở thành host cho đài KBS?
- Sau khi sang Hàn được hai tháng, tôi được bầu là Hội trưởng Hội SVVN tại trường. Một tháng sau đó, tôi nhận được lời mời phỏng vấn trong một chương trình talkshow của đài KBS WORLD RADIO. Sau đó gần một năm, tôi tình cờ được biết ở đó đang tuyển người mới và quyết định thử sức mình.
Sau kỳ tuyển chọn, tôi đã chính thức trở thành host cho hai chương trình của Đài, và gắn bó lâu nhất là với chương trình mà tôi từng xuất hiện với tư cách khách mời. Tôi nghĩ đây cũng là một cái duyên. Thông qua đó, tôi có cơ hội gặp gỡ, kết nối và mở rộng network của mình ở Hàn Quốc, giới thiệu đến thính giả rất nhiều gương mặt người Việt tiêu biểu, cũng như các sự kiện giao lưu và hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.
Những con người tôi gặp, những câu chuyện tôi chia sẻ trên "Chuyện từ Seoul" không chỉ mang lại nguồn động lực và truyền cảm hứng đến các thính giả mà còn là cho chính bản thân tôi. Điều áp lực cũng là điều thú vị nhất của vị trí này chính là không chỉ đòi hỏi kỹ năng dẫn dắt như một MC mà còn cần một người có đủ network để kết nối và tìm kiếm nhân vật, đủ trải nghiệm để nhìn thấy được những điều đặc biệt trong mỗi câu chuyện mà mình được nghe, được gặp trong cuộc sống, chuyển nó thành thông điệp và kiến thức hữu ích truyền tải đến cho thính giả.
Tới giờ, tôi vẫn đang cố gắng để có thể cân bằng được mọi vai trò và trách nhiệm. Tôi cũng thỉnh thoảng nhận thỉnh giảng để đến chia sẻ kinh nghiệm học tập và làm việc tại Hàn Quốc cho một số trường Đại học.
Riêng chuyện gặp gỡ, tư vấn cho các du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc thì không thể dừng được.
- Vì sao vậy?
- Tôi vẫn nhớ những ngày mới chân ướt chân ráo sang đây đã được rất nhiều người giúp đỡ. Nếu không có những sự sẻ chia đó, có lẽ không có Minh Phương ngày hôm nay. Vậy nên, khi mọi người tìm tới tôi để xin lời khuyên, đó có thể là một sinh viên, một người bạn cũ, hay là những người đang ở hoàn cảnh giống tôi ngày xưa tình cờ tìm và biết về tôi qua mạng xã hội, tôi đều cố gắng dành chút thời gian với họ, có thể đơn giản chỉ là bằng việc lắng nghe.
Tôi tin rằng, chỉ một lời động viên đúng người đúng thời điểm thôi, cũng là niềm an ủi lớn. Và biết đâu đấy, điều này có thể giúp ai đó thoát ra khỏi được mớ bòng bong những suy nghĩ và đắn đo để sáng suốt bước tiếp trên con đường của họ.
Thật sự, tôi rất hiểu cho các bạn, vì nhìn các bạn tôi như thấy lại mình của ngày xưa. Tôi cũng từng đi học nhưng vẫn đau đáu về gia đình, trên vai vẫn đầy những gánh nặng kinh tế, cũng đã có lúc vào đường cùng, đắn đo lựa chọn giữa việc học tiếp hay bỏ ngang để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng may mắn lớn nhất của tôi, là những lúc như thế thì luôn có mẹ ở bên động viên.
Làm một người trưởng thành, gánh vác một gia đình trên vai mới thấy mẹ đã mạnh mẽ đến thế nào để một mình nuôi anh em tôi trưởng thành. Dù khó khăn về kinh tế, dù áp lực về tinh thần, mẹ vẫn động viên để tôi tiếp tục việc học. Những lúc tôi muốn bỏ cuộc nhất, chính mẹ cũng là người luôn ở bên, làm tôi thấy vững vàng hơn rất nhiều.
Cũng như cánh diều bay cao được là nhờ ngược gió, tôi tin nghịch cảnh và thử thách cũng có thể biến thành cơ hội để thành công. Nếu không có những đổ vỡ, có lẽ đã không có một tôi mạnh mẽ như ngày hôm nay. Nếu không có những khó khăn, có lẽ tôi đã không khám phá hết những góc cạnh và khả năng của mình. Vậy nên, tôi luôn biết ơn tất cả những biến cố đã xảy ra và cho tôi cơ hội để thay đổi và trở nên tốt hơn mỗi ngày.
- Chị lên kế hoạch và mong muốn điều gì trong thời gian tới?
- Sau gần hai năm bị gián đoạn vì dịch bệnh và phải ưu tiên cho việc "cơm áo gạo tiền", tôi muốn thu xếp mọi thứ để tiếp tục quay lại với luận án Tiến sĩ của mình sớm nhất có thể. Sau khi tốt nghiệp, tôi có 2 lựa chọn. Một là tiếp tục giảng dạy ở Hàn Quốc và tiếp tục làm cầu nối giữa hai đất nước qua các hoạt động phát thanh, truyền hình, chia sẻ kiến thức qua Youtube... Hai là trở về Việt Nam, đồng ý với một vài lời mời và sẽ tiếp tục những việc mình đang làm ở một vai trò mới, tâm thế mới. Tôi đã đi đủ lâu để mong muốn được quay trở về. Nhưng có lẽ vạn sự tuỳ duyên thôi...
Cảm ơn những chia sẻ của chị.