MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 bí mật chưa-từng-kể của các đầu bếp nổi tiếng thế giới, thành công trong nghề không chỉ dừng ở tài nấu nướng (P1)

19-07-2020 - 19:51 PM | Sống

Đằng sau mỗi món ăn ngon là câu chuyện của những con người cống hiến trái tim, cuộc đời để gắn bó 16 tiếng/ngày trong gian bếp nhỏ.

Hãy thử hỏi bản thân: Bạn hiểu gì về những người đầu bếp? Phải chăng là qua vài chương trình trên TV, hay từ bữa ăn tại nhà hàng sang chảnh? Trên thực tế, các đầu bếp không hẳn lúc nào cũng vã mồ hôi như trên chương trình "Vua đầu bếp" hay khó tính, gắt gỏng như Gordon Ramsay đâu nha!

Trang Mental Floss đã đi phỏng vấn nhiều đầu bếp trên khắp nước Mỹ và nhận được vài bí mật mà chính người trong cuộc tiết lộ. Hãy cùng khám phá 9 điều thú vị ẩn chứa đằng sau công việc đầu bếp nhé!

1. Buổi sáng mới là thời gian thư giãn, nghỉ ngơi

Với hầu hết dân công sở, họ thường dậy sớm, tới công ty bắt đầu ngày làm việc mới và trở về nhà khi tan tầm. Đến tối, đó sẽ là khoảng thời gian để nghỉ ngơi nạp năng lượng cho hôm sau. Tuy nhiên, điều này là ngược lại với các đầu bếp.

Trên thực tế, buổi sáng là lúc hiếm hoi họ có thời gian rảnh. Các đầu bếp tranh thủ tập luyện thể dục một chút, ăn bữa sáng thật đầy đủ dưỡng chất để bắt đầu ngày làm việc. Daniel Humm - bếp trưởng và đồng sáng lập nhà hàng New York's Eleven Madison Park và The NoMad, Mỹ cho biết anh sẽ dành buổi sáng để đi ra ngoài hít thở không khí, nếu không cả ngày sẽ chỉ làm việc dưới bóng đèn huỳnh quang mà thôi.

9 bí mật chưa-từng-kể của các đầu bếp nổi tiếng thế giới, thành công trong nghề không chỉ dừng ở tài nấu nướng (P1) - Ảnh 1.

Đầu bếp Daniel Humm.

"Chạy, tập yoga, đạp xe... tất cả những hoạt động ấy cho tôi năng lượng tích cực để giải tỏa căng thẳng đầu óc cũng như thoát khỏi suy nghĩ nặng nề trong lòng." - Daniel cho hay. Trong khi đó, một vài đầu bếp khác sẽ dành buổi sáng cho gia đình, đưa đón con đi học và trò chuyện với chúng nhiều hơn.

2. Số giờ làm việc khắt nghiệt, có thể lên tới 16 tiếng/ngày

Có thể bạn nghĩ các đầu bếp hay xuất hiện tại khu vực nhà hàng, tươi cười bắt tay khách VIP là rảnh rỗi và chỉ có mỗi nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần nhỏ trong khối lượng công việc nhiều vô kể mỗi ngày. Thông thường, các đầu bếp sẽ phải làm việc tới 16 tiếng/ngày. Điều đó cũng có nghĩa 70 tiếng làm việc/tuần không phải là điều quá xa lạ với họ.

9 bí mật chưa-từng-kể của các đầu bếp nổi tiếng thế giới, thành công trong nghề không chỉ dừng ở tài nấu nướng (P1) - Ảnh 2.

Chris Shepherd - bếp trưởng của nhà hàng "One/Fifth and Underbelly Hospitality" tại Houston cho biết bản thân anh bắt đầu công việc lúc 8 rưỡi sáng cho đến hết ngày. "Tôi không nghĩ những người bình thường có thể tưởng tượng cường độ làm việc khắc nghiệt đến như vậy của các đầu bếp. Chúng tôi cống hiến tất cả cho công việc. Thậm chí, ngay cả bản thân tôi còn có cảm giác mình lúc nào cũng muộn giờ làm."

3. Thành công không chỉ được xây dựng bằng tài nấu nướng giỏi

Mặc dù chuyên môn nấu nướng là điều cần thiết nhưng một người đầu bếp muốn đạt nhiều thành tựu hơn thì cần vài yếu tố khác nữa. Ví dụ như lòng hiếu khách, khả năng quản lý thời gian và thậm chí là kỹ năng giao tiếp. Đầu bếp Wu Bower cho biết mặc dù hiện tại anh đã là chủ nhà hàng cũng như bếp trưởng, nhưng đôi khi anh vẫn phải thực hiện vài tác vụ như sửa ống nước, lắp đặt thiết bị, lau cốc chén và vô vàn việc không tên khác.

9 bí mật chưa-từng-kể của các đầu bếp nổi tiếng thế giới, thành công trong nghề không chỉ dừng ở tài nấu nướng (P1) - Ảnh 3.

Đầu bếp Wu Bower.

Tiếp đến, một đầu bếp thành công nhất định phải là một ông chủ tốt. Tức là họ cần có khả năng lãnh đạo nhóm, truyền cảm hứng động lực cho nhân viên cũng như biết phê bình, khen ngợi họ - theo Daniel Humm. Quản lý cấp dưới cũng cần giống như đưa ra một thực đơn và triển khai nấu các món trong menu đó.

Ngoài ra, đầu bếp Wu Bower còn chia sẻ thêm "Luôn có một đội ngũ trợ giúp đắc lực đứng đằng sau mỗi nhà hàng. Họ có thể là những nhà phân phối nguyên liệu, người nông dân, nhân viên dọn dẹp... Thức ăn ngon, dịch vụ tốt mà các bạn đang được thưởng thức đều được tạo thành từ họ. Vì thế, tôi cần có một nhiệm vụ quan trọng là vun đắp mối quan hệ để hoàn thiện quy trình sản xuất."

4. Đầu bếp đích thực là một bậc thầy về giờ giấc

Phải làm thế nào để một đĩa gỏi hải sản ceviche và một bát súp nóng được đưa đến thực khách cùng một lúc với nhiệt độ thích hợp? Đó chắc chắn là sự kết hợp hài hòa, chuyên nghiệp giữa đầu bếp với nhau và cả với bồi bàn. Quả thực, đầu bếp là những bậc thầy căn giờ khi họ tính toán chính xác tới từng giây phút một.

9 bí mật chưa-từng-kể của các đầu bếp nổi tiếng thế giới, thành công trong nghề không chỉ dừng ở tài nấu nướng (P1) - Ảnh 4.

Mỗi món ăn trong nhà hàng thường được chuẩn bị tại các trạm (khi vực chỉ định cho một số loại thực phẩm). Mỗi trạm ấy sẽ có quy định về nhiệt độ, thời gian chẳng hề giống nhau. Chẳng hạn như đầu bếp đảm nhiệm món nướng sẽ cần chuẩn bị khác so với đầu bếp chuyên chế biến salad.

5. Đầu bếp thường mang theo vài dụng cụ nấu nướng bên mình

Chẳng hạn như Daniel Humm sẽ luôn mang theo một chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ của cá. Hay Wu Bower có dụng cụ gọt vỏ, máy đánh cá và một chiếc thìa nhỏ. Đầu bếp Shepherd lại chọn mang theo bên mình thìa, dao bảng màu (dụng cụ trộn), băng keo. Anh cho biết "Thìa thì dùng để múc, khuấy..., con dao bảng màu có tác dụng phết sốt hoặc gia vị lên đồ ăn, còn băng keo thì tôi muốn dùng với mục đích gắn nhãn mọi thứ."

(Còn tiếp)

Theo Mental Floss

Theo Quiry

Nhịp sống Việt

Trở lên trên