9 điểm mỗi môn không đỗ được Ngoại Thương, trong khi đó, chỉ cần 6 điểm mỗi môn đã vào được trường đại học "Top 2" theo bảng xếp hạng
Việc nhiều trường đại học danh tiếng với điểm đầu vào cao ngất ngưởng bị "hất" khỏi top 20 trường đại học ở Việt Nam khiến nhiều người cho rằng, bảng xếp hạng này chưa thuyết phục đám đông.
- 07-09-2017Trường đại học danh tiếng Ngoại thương bị "hất" khỏi top 20, bảng xếp hạng trường đại học Việt Nam có đáng tin cậy?
- 07-09-20178 chuyên gia kinh tế, doanh nhân nổi tiếng một thời 'mài đũng quần' đại học Ngoại thương
Nhóm 6 chuyên gia đến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam năm học 2016-2017. Bảng xếp hạng này gồm 49 trên tổng số 100 trường được thực hiện thu thập thông tin.
Bảng tiêu chí để nhóm làm báo cáo đánh giá các trường đại học bao gồm: Các công trình nghiên cứu khoa học (40%), chất lượng giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).
Tuy nhiên, ngay sau khi bảng xếp hạng này được công bố rộng rãi, dư luận đã đưa ra rất nhiều quan điểm khác nhau khi mà các trường đại học được cho là danh giá bấy lâu lại bị "hất cẳng" khỏi top trong khi nhiều cái tên ít người biết đến, non trẻ lại...lên top đầu.
Thực tế, một số tổ chức quốc tế đã có đánh giá và xếp hạng một số trường đại học của Việt Nam như QS University Rankings dành cho các trường châu Á. Tuy nhiên, các bảng xếp hạng này chưa thể bao quát toàn bộ hàng trăm trường đại học của Việt Nam. Điều này khiến cho bức tranh toàn cảnh chưa được rõ ràng.
Một số bảng xếp hạng được nhiều người biết đến thì đánh giá các trường đại học ở Việt Nam chưa toàn diện. Ví dụ như Webometrics chỉ dựa trên thông tin và hoạt động của trang web của các trường, trong khi dữ liệu online và thực tế khác nhau rất nhiều. Hay nhóm Scientometrics for Vietnam lại xếp hạng chỉ dựa trên các công bố khoa học của các trường mà không xét đến các tiêu chí liên quan đến đào tạo và cơ sở vật chất.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã chia sẻ với Vietnamnet, ở nước ngoài, việc phân tầng và xếp hạng các trường đại học phải qua một bộ tiêu chuẩn rất lớn, rất chi tiết với rất nhiều tiêu chí quan trọng thông qua việc tự đánh giá và đánh giá ngoài. Trong bộ tiêu chuẩn đó, có nhiều tiêu chí quan trọng được đưa vào như: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỉ lệ sinh viên/giáo viên, chương trình đào tạo, hoạt động xã hội của sinh viên, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội chưa… Trong khi đó, hiện Việt Nam chưa có khung đánh giá tiêu chuẩn cho điều này.
Lâu nay, các trường đại học ở Việt Nam thường được mọi người "tự xếp hạng" theo điểm đầu vào và tỉ lệ sinh viên có việc làm, thu nhập của sinh viên sau khi ra trường. Theo đó, các trường có điểm chuẩn luôn thuộc top đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân... là những trường đại học có chất lượng đào tạo tốt. Việc xếp thứ hạng các trường đại học cũng tác động rất lớn đến xu hướng tìm việc và lựa chọn việc làm của sinh viên các trường này.
Trước đó cuối tháng 7, các trường ĐH trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2017. Những tưởng đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển tuyệt đối 30 điểm là thí sinh đã chắc suất vào trường mình mơ ước, nhưng chưa bao giờ mức điểm chuẩn đại học lại gây "sốc" như năm nay với nhiều trường và nhiều ngành lấy điểm cao ngất ngưởng.
Đứng đầu trong top trường có điểm chuẩn cao nhất là trường Công an với mức chuẩn lên đến 30,5 điểm. Tiếp đó là trường quân đội với mức điểm 30. ĐH Y Hà Nội, mức điểm ngành cao nhất năm nay là ngành Y đa khoa điểm trúng tuyển lên tới 29,25.
Các nhóm trường kinh tế cũng đưa ra mức chuẩn tăng cao. Đại học Ngoại thương có mức điểm chuẩn cao nhất thuộc ngành Kinh tế, Luật, Kinh tế Quốc tế với mức điểm là 28,25 điểm. ĐH Kinh tế quốc dân cũng đưa ra mức chuẩn cao nhất là 27 điểm cho một số ngành. Tức, muốn đỗ vào những trường đại học hiện bị "hất" ra khỏi top 20 trường đại học hàng đầu Việt Nam thì học sinh cần ít nhất 9 điểm mỗi môn!
Trong khi đó, những trường được bảng xếp hạng đưa vào vị trí top đầu như Đại học Tôn Đức Thắng thì điểm chuẩn cao nhất là ngành luật với 24,5 điểm còn điểm tuyển thấp nhất là 17 điểm. Tức, để vào được trường "số 2" này, học sinh chỉ cần đạt mỗi môn 6 điểm là đã đỗ - khác xa điểm số mà các trường đại học bị xếp ở thứ hạng thấp như Đại học Ngoại thương hay Đại học kinh tế Quốc dân.
Điểm chuẩn Học viện Nông nghiệp (đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng tổng thể) cao nhất khoa Sư phạm kỹ thuật Nông nghiệp 25,5. Điểm trúng tuyển thấp nhất là 15,5 điểm. Tức, chỉ cần bình quân mỗi môn chưa đầy 6 điểm là đã có thể đỗ vào trường.