9 giờ không ăn, không uống của phi hành đoàn trên chuyến bay đưa công dân Việt từ Vũ Hán về nước
9 tiếng không ăn uống, không đi vệ sinh trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi toát ròng ròng khi nhiệt độ bên ngoài là 3 độ C, trên chuyến bay có một nữ hành khách mang thai 36 tuần có thể sinh bất cứ lúc nào... đó là những chia sẻ của tiếp viên trưởng chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước hôm 10-2.
- 11-02-2020Vụ Giám đốc Sở Y tế “né” phát ngôn về dịch virus Corona, Chủ tịch Quảng Ngãi: “Tôi vừa gọi để nhắc nhở nhưng chưa được”
- 11-02-2020Truy tìm người phụ nữ Hải Phòng vừa về từ Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly theo dõi virus corona
- 11-02-2020Ca bệnh thứ 15 dương tính với virus Corona ở Việt Nam là cháu bé 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc
5 giờ 4 phút ngày 10-2, chuyến bay HVN68 của Vietnam Airlines đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), đưa 30 công dân Việt Nam, trong đó có cả 1 thai phụ 8 tháng và một số trẻ em, từ tâm điểm dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) trở về trong tình trạng sức khỏe, tinh thần tốt. Tham gia thực hiện chuyến bay đặc biệt này có 15 người của phi hành đoàn và 3 nhân viên y tế.
Cơ trưởng Phùng Thiên Quân (áo xanh) và Cơ phó Đường Trung Dũng trao đổi trước nhiệm vụ quan trọng - Ảnh: VNA
Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng là một trong những thành viên được "chọn mặt gửi vàng" trong chuyến bay chuyên chở công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) về nước của Vietnam Airlines đã có những chia sẻ về chuyến bay đáng nhớ trong suốt 25 năm trong nghề.
TVT Phạm Hải Bằng (đứng thứ 4 từ phải qua) cùng tổ tiếp viên sẵn sàng cho nhiệm vụ đặc biệt - Ảnh: VNA
Tổ tiếp viên tham gia chuyến bay này gồm 8 người, được chọn từ danh sách hơn 33 tiếp viên nam và nữ, đều là những người xung phong, tình nguyện. Họ có rất nhiều việc phải chuẩn bị để đón bà con người Việt từ tâm dịch Vũ Hán về nước mà vẫn đảm bảo được an toàn cho bản thân cùng cả đoàn công tác.
Để tránh lây nhiễm, cả phi hành đoàn mặc đồ bảo hộ ngay từ khi bắt đầu lên máy bay. Đồng thời, hành khách cũng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang nên Vietnam Airlines không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay đặc biệt này.
Phút thảnh thơi của đoàn trước khi lên chuyến bay làm nhiệm vụ đưa những công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán về nước - Ảnh: VNA
Là phi công trong chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, Cơ trưởng Phùng Thiên Quân, thâm niên 20 năm, cho rằng thách thức lớn nhất đối với đội ngũ phi hành đoàn và các hành khách có lẽ là tâm lý sợ bị lây nhiễm khiến nảy sinh những suy nghĩ, cái nhìn sai lệch và nghi ngờ về nhau. Để hạn chế tối đa tình huống này xảy ra, phi hành đoàn cũng như hành khách của chuyến bay đã được trang bị đầy đủ kiến thức, cũng như đồ bảo hộ đặc chủng, dụng cụ phòng chống dịch bệnh một cách tốt và an toàn nhất.
TVT Phạm Hải Bằng mặc đồ bảo hộ đọc thông báo trên chuyến bay - Ảnh: VNA
Trước khi lên máy bay, hành khách đều thực hiện đúng theo yêu cầu của các bác sĩ với đầy đủ đồ phòng hộ và trang thiết bị theo quy định. Khó khăn nhất có lẽ việc đeo khẩu trang và bộ đồ phòng hộ gây khó chịu cho các cháu bé.
Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng cho biết cả đoàn công tác đã lên kế hoạch, chuẩn bị nhiều kịch bản cho việc đón khách từ Vũ Hán, kể cả trường hợp hành khách có các triệu chứng ho sốt. Trong suốt hành trình, hầu hết hành khách dường như mệt nên sau khi cất cánh, hầu hết mọi người đều ngủ. "Một điều rất đặc biệt khác mà tôi không thể quên là trên chuyến bay có một nữ hành khách mang thai 36 tuần và trường hợp này có thể sinh bất cứ lúc nào, vì vậy tất cả tổ tiếp viên chúng tôi đã được học một nghề "tay ngang" - đỡ đẻ. Rất may là "nghề này" chúng tôi chưa phải dùng đến"- anh Bằng nói vui.
Sau khi hạ cánh, tất cả phi hành đoàn đều thở phào khi được các bác sĩ thông báo hành khách đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo anh Bằng, có lẽ cảm giác nhẹ nhõm nhất là khi cả đoàn được "thoát khỏi" bộ đồ bảo hộ. Thời điểm tới Vũ Hán, nhiệt độ bên ngoài hạ thấp chỉ 3 độ C mà mồ hôi chảy ròng ròng trong người. 9 tiếng không ăn, uống, không đi vệ sinh (cả phi hành đoàn đều mặc bỉm để đảm bảo tuyệt đối không lây nhiễm), nhưng họ vui mừng vô hạn khi hành trình đặc biệt này đã thành công tốt đẹp.
Sau khi hạ cánh, tất cả đều thở phào khi được các bác sĩ thông báo hành khách đều khỏe mạnh - Ảnh: VNA
Các hành khách trên chuyến bay đặc biệt đều khỏe mạnh, tinh thần tốt - Ảnh: Minh Châu
"Chuyến bay này có điều đặc biệt là chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ và mọi thao tác đều phải cẩn thận theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chuyến bay tuy không dài nhưng chúng tôi thật sự rất mong qua nhanh để công dân được gặp mặt gia đình, vì chúng tôi hiểu được phần nào nỗi mong chờ của họ khi được trở về nước, nên cảm giác chuyến bay thật sự dài hơn so với chuyến bay khác. Tôi rất vui và cảm động khi biết được tất cả 30 công dân Việt Nam cũng như đoàn công tác đều trong tình trạng sức khoẻ tốt. Vì trách nhiệm của Cơ trưởng sau khi đóng cửa máy bay nếu xảy ra vấn đề gì thì sẽ rất day dứt và chịu trách nhiệm quá lớn. Do đó, chúng tôi đều phải cẩn thận trong mọi quyết định và quá trình bay dù là nhỏ nhất để đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn"- Cơ trưởng Phùng Thiên Quân chia sẻ.
Hiện nay, phi hành đoàn cùng các bác sĩ đi trên chuyến bay này đều đang được cách ly theo quy định để bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm virus. Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng chia sẻ cả đội đều sẵn sàng tinh thần cho một kỳ nghỉ bảy ngày. "Nhớ lại những lần sơ tán người lao động ở Lybia, thời điểm sóng thần tại Nhật Bản hay cuộc bạo loạn Campuchia, phi hành đoàn hầu như không có ngày nghỉ. Chuyến này để đảm bảo an toàn, cả đoàn cách ly theo dõi sức khoẻ nên mới có "kỳ nghỉ" dài ngày như vậy. Chúng tôi đều coi đây như một cơ hội để nạp năng lượng, sẵn sàng cho những hành trình, thử thách mới trong tương lai" - người tiếp viên dày dạn kinh nghiệm nói.
Người lao động