9 ngày sắp tới sẽ tiết lộ nhiều thông tin về nền kinh tế Mỹ
Trong 9 ngày tới, nhiều tin tức của nền kinh tế Mỹ sẽ được công bố và có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai.
- 15-02-2018Kinh tế Mỹ liệu đã bước sang thời kỳ đen tối hơn?
- 26-12-2017Tổng thống Donald Trump liệu có thay đổi được “vận mệnh” kinh tế Mỹ?
- 07-12-2017Giới phân tích: Nền kinh tế Mỹ sẽ "cất cánh" trong năm 2018
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã dành 1 thập kỉ qua để hỗ trợ kinh tế Mỹ thoát suy thoái kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng. Họ đã đạt được thành công vang dội trong việc cắt giảm thất nghiệp, nhưng tăng trưởng tiền lương và lạm phát vẫn còn chậm chạp – khiến cho thành quả đó chưa được trọn vẹn.
Tuần tới, nhiều khả năng cả tiền lương và lạm phát có thể đạt mức mà Fed kỳ vọng.
Các dữ liệu sẽ được công bố trong 9 ngày tới có thể chứng kiến giá cả và tiền lương đều tăng lên, giống như miếng ghép cuối cùng để hoàn thiện một bức tranh xếp hình. Các dữ liệu kinh tế lớn khác sẽ cung cấp những tin tức quan trọng cho Fed, từ việc hoàn trả trái phiếu cho tới báo cáo thu nhập của các doanh nghiệp. Dưới đây là điều cần chú ý khi Fed gần đạt được đến một cột mốc hiếm hoi trong thế giới hậu khủng hoảng: một cơ quan tiền tệ đã đạt được tất cả mục tiêu của mình.
GDP, Chỉ số Chi tiêu cho lao động (Employment Cost Index (ngày 27. 4)
Số liệu GDP của Mỹ trong quý I.2018 sẽ là dữ liệu kinh tế chủ chốt được công bố vào ngày 27.4, nhưng một số liệu phụ - Chỉ số Chi tiêu cho lao động - cũng có thể thu hút sự chú ý. Số liệu này sẽ được công bố cùng với số liệu GDP lúc 8:30 sáng ngày 27.4 (giờ Mỹ). Thị trường tài chính Mỹ luôn rất nhạy cảm với bất kỳ dấu hiệu nào về việc áp lực lạm phát gia tăng, và họ từng cho rằng việc thu nhập trung bình theo giờ trong tháng 2 gia tăng như một dấu hiệu cho thấy Fed có thể tăng lãi suất mạnh hơn. Nếu các số liệu về chi phí lao động được công bố cao hơn dự kiến, nó có thể tạo ra những tác động tương tự. Bất kỳ sự tăng lên nào cũng là tin mừng tại Fed, Các quan chức của cơ quan này đã bối rối vì lương tăng rất chậm dù tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức siêu thấp.
GDP quý I.2018 có thể chỉ tăng trưởng 2%. GDP của quý đầu năm thường tăng trưởng chậm, và các nhà kinh tế kỳ vọng nó sẽ phục hồi trong quý II.
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân – PCE (30.4)
Nếu phải kể tên một dữ liệu nào đó có thể giúp Fed chính thức được trao vương miện chiến thắng, thì đó phải là PCE, vốn là thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, và số liệu PCE lõi của tháng 3 dự kiến sẽ đạt mức 2% - bằng đúng mục tiêu của cơ quan này. Nếu điều đó xảy ra, Fed sẽ cơ bản đạt được nhiệm vụ kép mà Quốc hội Mỹ đề ra, là toàn dụng nhân công (điều mà các quan chức Fed nghĩ rằng họ đã đạt được) và bình ổn lạm phát (Fed đặt ra mức lạm phát mục tiêu là 2%).
Lạm phát lõi tại Mỹ (%)
Vào ngày 1.5 và 2.5, Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan đưa ra chính sách của Fed, sẽ họp ở Washington và sẽ thảo luận về lạm phát. Các quan chức của Ủy ban sẽ không đưa ra các dự báo kinh tế mới và dự kiến sẽ không tăng lãi suất, nhưng nếu chỉ số giá tăng mạnh, Fed có thể nâng cấp đánh giá lạm phát của mình trong báo cáo sau cuộc họp.
Kế hoạch hoàn trả trái phiếu (Treasury Refunding) (ngày 2.5)
Vào ngày 2.5, mọi con mắt sẽ đổ dồn về chính sách tài khóa liên quan đến việc chuẩn bị nguồn tiền để thanh toán trái phiếu đáo hạn bằng cách phát hành trái phiếu mới (Treasury Refunding), nhà đầu tư sẽ quan sát kế hoạch gọi vốn nhằm bù đắp cho thâm hụt ngân sách của nước Mỹ. Vào tháng 2, để đáp ứng yêu cầu hoàn trả trái phiếu, Bộ Tài chính Mỹ đã lần đầu tăng phát hành trái phiếu để tài trợ cho thâm hụt ngày càng tăng của chính phủ và Fed bắt đầu giảm nắm giữ trái phiếu trên bảng cân đối kế toán. Các nhà giao dịch trái phiếu dự đoán Bộ tài chính sẽ lại tăng quy mô các đợt phát hành trái phiếu. Nhiều người hy vọng Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ tăng bán trái phiếu neo theo lạm phát trong thời gian này. Tại sao nó lại quan trọng đối với nền kinh tế? Bởi vì nhiều trái phiếu hơn về lý thuyết có nghĩa là sẽ tạo thêm áp lực tăng lãi suất trên thị trường.
Báo cáo việc làm (ngày 4.5)
Áp lực tiền lương sẽ là trung tâm của sự chú ý khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 4 của mình. Số liệu hàng tháng sẽ cho biết có bao việc làm được tạo thêm và sẽ cung cấp thông tin cập nhật về chiều hướng biến động của tiền lương. Các thị trường và Fed sẽ luôn muốn thấy sự gia tăng trong thu nhập trung bình theo giờ.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là một chỉ số khác cần theo dõi, bởi vì nhìn chung chỉ số này ổn định và tăng lên đối với nhân công trong độ tuổi lao động. Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs cho rằng tỷ lệ này đã đạt đỉnh, nhưng những người khác - bao gồm Carl Riccadonna, kinh tế gia trưởng của Bloomberg, nói rằng chỉ số này vẫn có thể tăng lên.
Mức độ thay đổi tiền lương trung bình theo giờ tại Mỹ qua các năm (%)
Ông nói: "Thước đo thực sự cho tỷ lệ tham gia lực lượng lao đông là áp lực tiền lương”, Và như đã lưu ý trước đây, áp lực tiền lương vẫn chưa tăng lên.
Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý của các doanh nghiệp và chỉ số Học viện Nguồn cung (ISM)
Dữ liệu kinh tế vĩ mô sẽ không tách bạch khỏi bối cảnh chung: Hiện tại là mùa công bố kết quả kinh doanh quý và các công ty của Mỹ đang cung cấp cái nhình sơ bộ về cách người tiêu dùng và doanh nghiệp đang tiến triển như thế nào. Một mặt, họ được hưởng lợi từ một nền kinh tế mạnh mẽ. Mặt khác, họ phải đối mặt với những bất ổn lớn. Báo cáo quý của Starbucks vào ngày 26.4 và McDonald's vào ngày 30.4 có thể cho thấy dấu hiệu liệu áp lực tiền lương có tăng lên khi thị trường lao động thắt chặt và chi tiêu tiêu dùng đang có tăng lên hay không.
Và đừng quên các chỉ số Học viện Quản lý Nguồn cung (ISM), điều này sẽ cho biết việc áp thuế của chính quyền Trump ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và mức độ tăng giá sản xuất của doanh nghiệp Mỹ trong tháng 4 như thế nào. Số liệu ISM dành cho các công ty sản xuất sẽ được công bố vào ngày 1.5 và các doanh nghiệp dịch vụ được công bố vào ngày 3.5.
Người đồng hành