9 quy tắc tiêu dùng thông minh sẽ giúp bạn có một cuộc sống thư thái, luôn rủng rỉnh tiền bạc trong thời điểm ai cũng khó khăn
Kiếm tiền không dễ, chi tiền thế nào lại càng khó, nhất là trong thời buổi kinh tế đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
- 02-05-2020Với phương châm "tiết kiệm hay là... chết", tôi đã tiết kiệm được bộn tiền dù thu nhập rất khiêm tốn: Tự nấu ăn, tập thể thao miễn phí, vận dụng quy tắc 30 giây
- 29-04-2020Biết bao người bị ĐẦU ĐỘC bởi câu nói "Tiền là thứ kiếm ra chứ không phải tiết kiệm mà ra": Muốn sống khoẻ, nhất định phải TIẾT KIỆM
- 27-04-2020Tiết kiệm tiền là chuẩn bị "phao cứu sinh" cho đời mình: Không tiền bạn chẳng dám ốm, không dám mệt, lúc nguy cấp chỉ có thể bất lực mà thôi
Bạn biết không, trên thực tế, dù có rất nhiều mánh khóe để giúp bạn tận dụng tối đa hiệu quả số tiền bản thân đang có và kiếm được nhiều hơn, nhưng nó chỉ thực sự hiệu quả đối với những ai có năng khiếu trong mảng kinh doanh. Dẫu vậy, điều này không có nghĩa bạn - những người bình thường - không có cơ hội.
Có một số bí quyết quan trọng cần phải nắm được trước khi chi ra những đồng tiền xương máu, để bạn có được cuộc sống thoải mái hơn trong thời buổi "thóc cao gạo kém".
1. Đầu tư thông minh nhất là cho bản thân
Đầu tư cho bản thân chính là cách đầu tư khôn ngoan nhất, và càng sớm nhận ra điều này chừng nào, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình trở nên dễ thở hơn chừng đó.
Nhưng đầu tư cho bản thân là như thế nào? Dĩ nhiên rồi, đó là học hỏi và trải nghiệm. Không nhất thiết phải cố gắng kiếm lấy một tấm bằng, mà hãy trau dồi bất kỳ thứ gì bạn cảm thấy thích. Mua một cuốn sách và đọc nó - đó là đầu tư! Chi tiền cho một khóa học online, đó cũng là đầu tư.
Đầu tư cho bản thân càng nhiều, bạn sẽ thấy giá trị của chính mình tăng cao, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay.
2. Tuân thủ định luật: "3 số 8"
Tiêu dùng thông minh là phải làm sao để tận dụng thời gian cho thật hợp lý. Và cách để có được điều này chính là định luật "3 số 8".
Về cơ bản, chúng ta làm việc 8h mỗi ngày, ngủ 8h mỗi đêm, và có 8h cho những việc riêng.
8h làm việc đổi lấy 8 tiếng đi ngủ. Vậy nên, trau dồi bản thân tốt hơn hoàn toàn nằm ở việc sử dụng hiệu quả 8h còn lại. Hãy tận dụng tốt nó, đầu tư vào những thứ mang lại hiệu quả dài hạn như học thêm kiến thức mới, kỹ năng mới... thay vì lên YouTube xem video giải trí.
3. Cẩn trọng khi cho vay tiền
Ai cũng vậy, chúng ta đều có những mối quan hệ thân thiết - có thể là bè bạn, người thân trong gia đình... Và chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn cho họ mượn tiền nhỉ? Họ sẽ trả lại thôi, đúng không?
Chưa chắc đâu! Thực tế đôi khi sẽ diễn ra theo những cách hoàn toàn khác, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta và đa số gặp khó khăn về tài chính. Có những người chỉ mong bạn quên khoản nợ đó đi, số khác thì muốn quỵt, và một số trường hợp chẳng có khả năng chi trả.
Vấn đề nằm ở chỗ bạn không nhất thiết phải hào phóng như vậy. Và dù vì lý do gì, việc cho mượn tiền hoàn toàn có thể dẫn đến chuyện tiền mất, bạn cũng... toang, nên hãy thật cẩn trọng trước khi đưa tiền cho bất kỳ ai.
4. Quy tắc 24h
Khi đi shopping - dù là online hay trực tiếp, chúng ta luôn bị chi phối bởi cảm xúc. Bạn có thể thích một đôi giày và cảm thấy sẵn sàng chi nửa tháng lương để sở hữu nó. Mà kể cả khi là những thứ nhỏ nhặt, vì chúng quá nhỏ mà bạn chi không thấy tiếc, để rồi khi nhiều thứ cộng dồn lại, túi rỗng lúc nào không hay.
Cách tiết kiệm đúng nhất không phải là ngừng chi tiêu, mà cần phải "tiêu đúng", tiêu thông minh. Đây là lúc quy tắc 24h tỏ ra hữu ích.
Trước khi mua bất kỳ thứ gì, hãy đợi đến ngày hôm sau. Sau 1 ngày, cảm xúc của bạn sẽ trở nên tĩnh lặng, và bạn sẽ tự hiểu bản thân có cần món đồ ấy thực sự hay không. Tin tôi đi, đa số các trường hợp sẽ là không!
5. Quy tắc 1 phút
Mỗi ngày, hãy dành ra 1 phút để kiểm tra lại chi tiêu của bản thân. Chẳng hạn, dùng 1 phút nghỉ trưa để xem bạn đã tiêu những gì kể từ lúc thức dậy.
1 phút này thực sự quý giá, vì nó giúp bạn nhận ra tại sao mình chi quá nhiều và vấn đề đang nằm ở đâu.
6. Tập thói quen so sánh trước khi mua
Một mẹo khác để kìm hãm việc chi tiêu vô tội vạ, đó là so sánh.
Chẳng hạn, bạn thấy một chiếc áo len tuyệt đẹp ngoài cửa hàng, nhưng giá trị của nó khá đắt tiền, và bạn cảm thấy đắn đo? Giờ so sánh được và mất thử xem: bạn cần chiếc áo ấy, hay bạn cần một chuyến đi chơi không lo nghĩ vào tháng sau, hoặc mua được một món đồ khác thiết thực hơn?
7. Chi tiêu đúng, đừng bị dắt mũi bởi cú lừa "hàng giảm giá"
Các công ty lớn luôn có những mánh khóe marketing cực "hiểm" để khiến khách hàng chi tiêu nhiều hơn cho những thứ mà bản thân không thực sự cần. Ví dụ điển hình chính là các đợt sale, giảm giá mà giá lại không thực sự giảm.
Dĩ nhiên là vẫn có những deal thật sự hời, vì doanh nghiệp hiện đang muốn kích cầu mua sắm. Nhưng trước khi xuống tiền, hãy tự so sánh chất lượng, giá gốc... để đưa ra quyết định cuối cùng.
8. Đi shopping một mình
Khi đi chung với bạn bè, bạn có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Đơn giản là vì cả hai đi chung thường sẽ vui, mà tâm trạng vui sẽ khiến bạn vung tay quá trán, vậy thôi.
Giải quyết câu chuyện này thì rất đơn giản: đừng rủ bạn bè đi trung tâm mua sắm. Hơn nữa, đằng nào thì chúng ta cũng cần hạn chế tụ tập để phòng ngừa rủi ro lây nhiễm Covid-19, nên bí kíp này cũng rất hợp lý, phải không?
9. Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực về tiền
Tư tưởng của chúng ta có một thứ sức mạnh rất lớn. Nếu bạn nghĩ bản thân không thể kiếm được nhiều tiền, đồng thời "lũ" nhà giàu đều là những kẻ bóc lột, thì bạn chẳng đạt được thành tựu gì đâu.
Khi nghĩ bản thân không thể thành công, bạn sẽ dễ nản, dễ mệt mỏi, cảm giác những gì mình đang làm đều vô nghĩa và dẫn đến chuyện không thu được bất kỳ điều gì có ích. Loại bỏ những suy nghĩ như vậy là một cách bạn dễ dàng đạt được điều mình muốn hơn.
Tham khảo: BS, VT.co
Trí thức trẻ