9 robot hoàn thành nhiệm vụ - đường hầm hơn 21km ở Hà Nội sắp làm một điều đặc biệt chưa từng có
Sau 8 năm kể từ ngày khởi công, đường hầm đặc biệt dài hơn 21km ở Hà Nội đã hoàn thiện, chuẩn bị "hồi sinh" các dòng sông chết.
Tuyến cống ngầm khổng lồ giúp "hồi sinh" sông Tô Lịch
Tuần qua, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng. Nhà máy được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 13,8ha.
Dự án đã được khởi công triển khai thi công từ năm 2019, triển khai đồng loạt cả 4 gói thầu. Đến nay, Gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã được hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành thử trong quý II/2024, đi vào hoạt động chính thức trong năm 2024. Hai gói thầu còn lại còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và đoàn đã kiểm tra thực địa công trường thi công Gói thầu số 2, trực tiếp kiểm tra hệ thống cống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch khu vực ngã ba sông Lừ - sông Tô Lịch, thuộc địa phận quận Hoàng Mai.
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Hà Nội, do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm, tập trung thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao.
Ghi nhận, biểu dương các đơn vị đã nỗ lực thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, cũng như thực hiện nghiêm kết luận chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố trong lần kiểm tra lần trước, Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát chặt chẽ yêu cầu, nhiệm vụ, tập trung đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả, tiến độ, yêu cầu chất lượng, giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm dự án vận hành thử và vận hành chính thức theo kế hoạch đã đề ra.
Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, phải đảm bảo tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 50-55%. Hiện nay, tỷ lệ này mới đạt khoảng một nửa chỉ tiêu trên. Tỷ lệ nêu trên sẽ tăng lên đáng kể nếu Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được đưa vào vận hành.
9 robot đào đường hầm hơn 21km
Trong các gói thầu xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, gói thầu lớn nhất là gói số 2, xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính do nhà thầu Công ty Tekken (Nhật Bản) thực hiện từ 16/3/2020 đến nay đã hoàn thành 90% tiến độ.
Gói thầu số 2 có chiều dài 21,66km, trong đó có gần 13km đi ngầm, hơn 8km đào mở, lần đầu tiên tại Hà Nội, công nghệ khoan kích ngầm (Pipe jacking) được triển khai.
Hệ thống cống ngầm nằm ở độ sâu 6 - 19m bên dưới dòng chảy của sông Tô Lịch. Nhà thầu sử dụng hệ thống cọc cừ bằng thép để ngăn chặn đất cát chảy xuống cũng như tạo đường để vận chuyển thiết bị.
Theo đại diện nhà thầu trao đổi với VTC News, gói thầu sử dụng công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội, bảo đảm việc thi công các hạng mục cống thoát nước có độ sâu dưới 5m không làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận, không cần giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới giao thông và sinh hoạt của người dân trong khu vực dự án.
Chia sẻ về việc lựa chọn công nghệ khoan kích ngầm, ông Kazutoshi Akasaka, Trưởng đoàn liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật NSC-NJS-OCG-ICC-CEEN dự án cho báo Hà Nội Mới biết: Hà Nội yêu cầu dự án cần giải quyết các vấn đề liên quan đến hạ tầng xung quanh sông Tô Lịch, hạn chế tác động đến giao thông và cơ sở hạ tầng hiện hữu, tránh làm ảnh hưởng đến cơ sở của tuyến đường sắt đô thị.
Do đó, phương pháp khoan kích ngầm được xem là giải pháp phù hợp nhất, phù hợp điều kiện địa chất với đất yếu và hạ tầng đặc trưng của Hà Nội. Công nghệ này cũng không yêu cầu nhiều không gian, chỉ cần khoảng 10m2 để lắp đặt các giếng kích.
Ông Kazutoshi Akasaka đã giải thích: Quy trình khoan kích ngầm bao gồm việc thi công các đoạn ống ngầm, bắt đầu từ việc đặt giếng xuất phát và giếng nhận ở hai đầu của tuyến ống dự định. Trước hết, máy khoan được đẩy vào lòng đất bằng hệ thống kích thủy lực từ giếng xuất phát. Tiếp đó, các ống đúc sẵn được nối tiếp máy khoan và cùng được đẩy vào lòng đất.
Máy khoan sẽ hoàn thành tại giếng nhận, từ đó tạo nên một tuyến ống ngầm liên tục từ giếng xuất phát đến giếng nhận. Mỗi ngày, máy có thể tạo ra một đoạn cống ngầm dài đến 12 mét.
Để quá trình thi công, khoan kích ngầm hiệu quả, đơn vị thi công đã đưa vào sử dụng 9 robot khoan hầm. Ngay sau giai đoạn xây dựng các giếng tạm, các robot sẽ được đưa và lắp đặt vào đúng điểm yêu cầu cùng với hệ thống các ống nước thải bằng bê tông cốt thép với đường kính lớn từ D800mm.
Các dòng chết sắp được "hồi sinh"
Được kỳ vọng làm sống lại dòng sông Tô Lịch, nhà thầu đã thi công lắp đặt hệ thống cống ngầm chạy dọc toàn bộ con sông. Nhiệm vụ của nó là gom toàn bộ nguồn nước thải về xử lý tại nhà máy Yên Xá, thay vì đổ thẳng ra sông Tô Lịch như hiện nay. Nguồn nước sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ được đổ ngược về dòng sông. Dự kiến, toàn bộ hạng mục này sẽ hoàn thiện trong năm nay.
Khi hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý nước thải gom từ hệ thống sông Tô Lịch, sông Nhuệ, Lừ, sông Sét - những con sông vô cùng ô nhiễm ở Thủ đô do mỗi ngày phải "oằn mình" gánh nước thải xả ra.
Trong đó, từng mang vai trò quan trọng trong hệ thống giao thương đường thủy của Hà Nội, sông Tô Lịch ngày nay lại chỉ được nhớ đến như một "dòng sông chết", tôm cá không sống nổi và quanh năm bốc mùi hôi thối.
Trước đó, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy hoạch thủ đô, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm, làm "sống lại" dòng sông Tô Lịch.
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đề ra mục tiêu để làm sống lại sông Tô Lịch. Hơn 20 năm qua, Hà Nội thí điểm nhiều giải pháp nhằm hồi sinh sông Tô Lịch như lấy nước sông Hồng, tạo dòng chảy sông Tô Lịch; dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; công nghệ Nhật Bản phân hủy bùn.
Tuy nhiên, đến nay, nước trên sông Tô Lịch vẫn đen kịt, bốc mùi hôi thối. Vì vậy, hy vọng khi Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được đưa vào hoạt động, sông Tô Lịch cũng như các "dòng sông chết" khác giữa lòng Thủ đô sẽ thực sự "sống lại" - điều đặc biệt chưa từng có từ trước đến nay.
Tổng hợp
Đời sống pháp luật