MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

90% dự án hiện nay đều thế chấp ngân hàng để huy động vốn

24-06-2016 - 08:05 AM | Bất động sản

Doanh nghiệp không minh bạch, cố tình xây dựng sai phép và đem dự án thế chấp ngân hàng, đẩy người mua nhà vào tình thế rủi ro

Đây là nội dung chính của buổi tọa đàm “Tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư” do Tạp chí Đầu tư Bất động sản CafeLand tổ chức ngày 23-6 tại TP HCM.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng 90% dự án hiện nay đều thế chấp ngân hàng để huy động vốn. Nhiều dự án mở bán khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý. Việc thế chấp có thể là hợp pháp nhưng vấn đề là ngân hàng có giám sát, quản lý dòng tiền để bảo đảm an toàn hay không vẫn chưa được quan tâm, làm chặt. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, ví dụ căn hộ 1 tỉ đồng nhưng vay hồ sơ 100 triệu đồng thế chấp bằng căn hộ hình thành trong tương lai, khi đó phải loại trừ căn hộ này ra khỏi danh sách để tránh thế chấp lần hai. Do đó, lỗi là ở ngân hàng giám sát không kỹ, trong khi pháp luật hiện nay đã có quy đình đầy đủ.

Cũng có ý kiến cho rằng người mua nhà hiện nay đa phần chỉ quan tâm đến giá, vị trí dự án, chủ đầu tư là ai nhưng lại không quan tâm nhiều đến pháp lý, để rồi khi gặp sự cố mới vỡ lẽ. Giai đoạn ký hợp đồng mua bán là quan trọng nhất, người mua phải tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký giao dịch để tránh gặp rủi ro về sau.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng, cho rằng chủ đầu tư không cung cấp đầy đủ thông tin, buộc người mua nhà phải tự tìm hiểu về chủ đầu tư và dự án. Vấn đề là họ tìm hiểu đến đâu. Theo ông Khởi, hiện nay, Sở Xây dựng là đơn vị cung cấp thông tin về dự án đầy đủ nhất nhưng tùy dự án mà mức độ cung cấp khác nhau. “Thực tế, Sở Xây dựng đã công bố hơn 30 dự án đủ cơ sở pháp lý để bán, trong khi có rất nhiều dự án đang triển khai, mở bán rầm rộ nhưng không có tên trong danh sách này” - ông Khởi nêu.

Chuyên gia tài chính Hồ Bá Tình cho rằng hầu như người mua nhà không am hiểu các cơ sở pháp luật. “Họ không biết điều kiện để nhận sổ hồng, sổ đỏ. Người mua nhà thường ở thế yếu nên họ cần được bảo vệ bởi cơ quan quản lý. Ví dụ, nếu khách hàng nghi ngờ và muốn tìm hiểu thông tin dự án nào thì có thể đến cơ quan quản lý để tìm hiểu dự án đó xem có đủ tiền sử dụng đất, giấy phép hay không… Có như vậy mới bảo đảm quyền người mua nhà” - ông Tình nói.

Theo Sơn Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên