MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

90% hàng nông sản xuất khẩu dưới nhãn hiệu nước ngoài

01-12-2016 - 20:51 PM | Thị trường

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức sáng 1-12.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nêu một thực tế, dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu,…. hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, cốm Làng Vòng…

Tuy vậy, còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài…

Tồn tại trên có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát.

Còn theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, với nhiều đặc sản vùng miền hiện nay, việc tham gia chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp quảng bá những sản phẩm này vượt ra khỏi phạm vi một địa phương, vùng miền để đến với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ trên cả nước mà góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia và mở rộng sự nhận biết của cộng đồng quốc tế đối với sản phẩm truyền thống của Việt Nam.

“Mỗi vùng miền có đặc sản riêng, nếu không chú ý quảng bá, xúc tiến thương mại thì giá trị sản phẩm sẽ không được nâng lên”, bà Thoa nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý về chất lượng đối với nhóm hàng nông sản của Việt Nam thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố an toàn thực phẩm, do vậy việc tham gia chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo quy trình chuẩn và kiểm tra, kiểm soát để có sản phẩm an tàn hết sức cần thiết.

Đồng tình với quan điểm này, theo ông Toản, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Do đó để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng.

Từ kinh nghiệm sản phẩm nước mắm Phú Quốc được cấp chỉ dẫn địa lý và EU bảo hộ, bà Thoa cho rằng, cần nhân rộng đối với các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền của Việt Nam. Nếu làm tốt việc này thì sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời, hạn chế các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, nạn sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo Phan Thu

Hải quan

Trở lên trên