90% người dưới 30 tuổi mất ngủ đêm chủ nhật vì một lí do này: Chỉ khi thay đổi triệt để mới tối đa hóa được thành công
Bạn có cảm thấy bồn chồn, lo lắng vào tối chủ nhật không? Giải pháp nào giúp bạn sẵn sàng chào đón tuần mới đầy hứng khởi?
Trên phương tiện truyền thông mạng xã hội, cụm từ “Hội chứng sợ đêm chủ nhật" không phải điều xa lạ. Trong vài năm qua, hội chứng này xuất hiện để biểu thị cho sự lo lắng về công việc và học tập trong tuần tới vào đêm chủ nhật.
Một khảo sát của LinkedIn cho thấy có hơn 90% người trẻ dưới 30 tuổi hiện nay - thuộc thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) và Gen Z (những bạn trẻ được sinh từ năm 1996 trở đi) có hội chứng sợ chủ nhật. Đây là một hiện tượng nghiêm trọng.
Vậy đâu là nguyên nhân cho điều này?
Mỗi người chúng ta đều có những công việc và vai trò riêng trong cuộc sống. Sự lo lắng nổi lên khi bạn phải làm công việc mà mình không muốn, hay không thích, không thuộc chuyên môn… Ngày thứ 2 sẽ là ngày bạn phải đối diện với việc đó, nên bạn sẽ chẳng mong ngày chủ nhật trước đó đến một chút nào.
Trong cuốn sách "Hạnh phúc trong công việc: Tối đa hóa vốn tâm lý của bạn để thành công", Jessica Pryce-Jones tính toán rằng công nhân sẽ dành trung bình 90.000 giờ làm việc trong suốt cuộc đời của họ. Cô không cho rằng trải nghiệm lo lắng này sẽ bám đuổi con người suốt đời.
Hội chứng sợ ngày chủ nhật có thể là kết quả của 1 trong 5 nguyên nhân dưới đây:
1. Bạn không đam mê công việc đang làm.
2. Bạn làm việc trong môi trường độc hại.
3. Bạn cảm thấy choáng ngợp với khối lượng công việc hiện tại.
4. Bạn cảm thấy bị đánh giá thấp bởi các nhà lãnh đạo hoặc đồng nghiệp của mình hoặc cả hai.
5. Bạn đang chán công việc hiện tại.
Có cách nào để vượt qua nỗi sợ này?
Có hai cách để vượt qua nỗi sợ ngày chủ nhật này. Nhưng trước khi đến với giải pháp, bạn cần phải ý thức đầy đủ về nó cũng như xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến nỗi sợ này.
Nếu bạn nghĩ về những ngày chủ nhật đáng sợ như một căn bệnh mãn tính, bạn sẽ bị cám dỗ cho việc điều trị bằng “thuốc” hoặc đánh lạc hướng bản thân theo nhiều cách khác nhau. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Còn để thay đổi triệt để, bạn cần thôi vòng vo và tập trung vào gốc rễ vấn đề với 2 hướng:
1. Thay đổi suy nghĩ của bản thân
Đầu tiên, bạn tập thay đổi suy nghĩ của mình từ trạng thái sợ hãi làm việc sang tâm thế biết ơn vì có một công việc để làm.
Bất kể đó là tình huống nào, trước tiên hãy thể hiện sự biết ơn. Có một công việc đồng nghĩa với bạn có thu nhập, có nguồn tài chính ổn định. Ngoài ra, nó còn đem đến cho bạn những mối quan hệ mới, những người bạn, người thầy… Trong quá trình làm việc, bạn cũng tích lũy được thêm nhiều kỹ năng quý giá – những thứ sẽ giúp bạn rất nhiều sau này, ngay cả khi bạn không làm công việc tương tự nữa.
Tập trung vào mặt tích cực thay vì tiêu cực sẽ giúp xóa nhòa tâm lý sợ hãi.
2. Chủ động kết nối với việc bạn muốn làm
Bạn có thể tìm một công việc mới như mình mong muốn để chấm dứt hoàn toàn nỗi sợ chủ nhật. Trước đó, bạn có thể chủ động làm quen, xây dựng các mối quan hệ với người có khả năng giúp bạn ở ngay trong nơi làm việc hiện tại, khu bạn sinh sống… Mời những người có nghề nghiệp mà bạn có thể quan tâm đi cà phê hoặc bữa trưa.
Hoặc nếu chưa muốn nghỉ việc, bạn cũng có thể thử làm cộng tác viên hay bán thời gian cho công ty có công việc mà bạn mong muốn. Từ đó có thể biết mình có thực sự phù hợp với điều này không?
Đơn giản hơn, bạn có thể theo dõi những người có kinh nghiệm qua mạng xã hội để học hỏi và cập nhật những thông tin hữu ích.
Việc đặt mình vào một môi trường với những người bạn muốn làm việc cùng sẽ tạo ra những cơ hội bất ngờ mà bản thân bạn cũng không ngờ tới được. Bạn sẽ không còn lo lắng mỗi tối chủ nhật đến, thay vào đó, bạn hào hứng chào tuần mới cho những gặp gỡ, cơ hội mới.
Bằng cách đi tìm gốc rễ của vấn đề thực sự nằm ở đâu – bạn đang làm điều bạn không đam mê, bạn sẽ tìm được giải pháp. Đặc biệt, trong hành trình tìm được công việc mơ ước của mình, bạn cần có thời gian, lòng kiên trì và sự kiên nhẫn.
Theo Business Insider