MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

98.000 con đập không còn là "thần hộ vệ": Trung Quốc trả giá vì ỷ lại và hướng đột phá của ông Tập

29-07-2020 - 14:18 PM | Tài chính quốc tế

Hệ thống đập nước dày đặc - phòng tuyến ngăn lũ then chốt ở Trung Quốc - đang đứng trước những nghi vấn khi phải đối mặt với sức ép gia tăng trong mùa mưa lũ năm nay.

Người nông dân tóc bạc tên Qiao, sống ở tỉnh An Huy, Trung Quốc , chạy chân đất ra đồng vào lúc 2h sáng để tranh thủ thu hoạch mùa màng trước khi nước lũ ập về. Ông là một trong hàng chục nghìn dân làng chứng kiến nhà cửa và đồng ruộng bị ngập khi một con đập mở cửa xả lũ.

Qiao và nhiều cư dân nông thôn ở các vùng đất trũng tại lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang) đã quen với tình trạng "ngâm nước" mỗi khi mưa lớn hoành hành. Song mùa mưa năm nay là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, khi mực nước ở 433 con sông Trung Quốc dâng lên vượt mức kiểm soát lũ kể từ tháng 6, và mực nước ở 33 sông được ghi nhận mức kỷ lục.

Đến nay mưa lũ đã ảnh hưởng đến đời sống của hơn 54 triệu dân Trung Quốc, gồm 3.7 triệu người bị mất chỗ ở, và 158 người chết/mất tích. Nước dâng cũng hủy hoại 41.000 căn nhà và gây thiệt hại cho hơn 368.000 nhà cửa khác - theo báo cáo của Bộ Quản lý ứng phó khẩn cấp Trung Quốc (MEM). Thiệt hại về người và nhà cửa thấp hơn các năm trước, nhưng thiệt hại kinh tế cao hơn nhiều.

Tờ Los Angeles Times (Mỹ) ngày 28/7 cho hay, tình trạng mưa lũ nghiêm trọng đang đặt ra nghi vấn cho hệ thống đập nước dày đặc ở Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, đập trên sông Chuhe ở tỉnh An Huy đã bị phá hủy bằng thuốc nổ vào sáng ngày 18/7 để xả lũ, nhằm làm mực nước sông hạ xuống. Cùng ngày, hơn 16.000 người bị mắc kẹt tại thôn Guzhen, tỉnh An Huy, khi nước dâng hơn 3m và tràn qua đê.

Lo ngại cũng được nhắc đến đối với siêu đập Tam Hiệp, khi mực nước trong hồ chứa đập có thời điểm dâng cao đến hơn 15m so với mức cảnh báo - mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi con đập hoàn thành vào năm 2006.

Hệ quả khi phụ thuộc quá mức vào mạng lưới đập nước

Bộ Thủy lợi Trung Quốc (MWR) cho biết, Trung Quốc có hơn 98.000 đập nước, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Theo LA Times, số lượng lớn đập của Trung Quốc được xây dựng trong thập niên 1950, 1960, và công tác bảo trì, duy tu nghèo nàn.

"Những dự án kỹ thuật kiểm soát lũ không phải là 'thuốc vạn năng'," Ma Jun - giám đốc Viện nghiên cứu sự vụ công cộng và môi trường, có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với LA Times. Ông bổ sung, mưa xối xả trong thời gian qua khiến lượng nước tích lũy trong mỗi hồ chứa đều tồn tại rủi ro gây thiệt hại nghiêm trọng, ngay cả ở các con đập nhỏ.

Liu Junyuan, nhà vận động khí hậu và năng lượng tại Greenpeace East Asia, nói rằng mưa bão lớn ở lưu vực sông Dương Tử là hệ quả của áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương - xuất hiện vào mỗi mùa hè, mang không khí ấm từ phía nam về phía bắc. Khí áp này mạnh bất thường trong năm nay - theo Liu, nhưng chưa xác định liệu nguyên nhân có phải là do biến đổi khí hậu hay không.

Dù vậy, các trận lũ được cho là có liên hệ trực tiếp với những vấn đề do con người. LA Times phân tích, sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào mạng lưới đập, xây dựng tràn lan ở các vùng trũng thấp, cải tạo đất ở các vùng đầm lầy và ao hồ, hệ thống thoát nước yếu kém tại nhiều đô thị,... là tác nhân làm trầm trọng hơn thiệt hại do lũ.

Đập Tam Hiệp vẫn được Trung Quốc coi là một biểu tượng đáng tự hào, và truyền thông phương Tây gọi là công trình xây dựng quy mô nhất của nước này kể từ sau Vạn lý trường thành, bất chấp những tranh cãi xoay quanh vấn đề di dời hàng loạt, hủy hoại và ô nhiễm môi trường, rủi ro sạt lở và động đất do công trình gây ra.

98.000 con đập không còn là thần hộ vệ: Trung Quốc trả giá vì ỷ lại và hướng đột phá của ông Tập - Ảnh 1.

Đập Tam Hiệp ở Nghĩa Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, xả lũ ngày 27/7/2020 (Ảnh: Zheng Jiayu/China Daily)

Giải pháp đô thị "bọt biển"

Một số nhà môi trường và kỹ sư tin rằng Trung Quốc cần điều chỉnh toàn bộ phương châm tiếp cận trong lĩnh vực phòng chống lũ.

Giáo sư Đại học Bắc Kinh Yu Kongjian, nhà sáng lập hãng kiến trúc Turenscape, nói với LA Times: "Toàn bộ quy hoạch và thiết kế đô thị của chúng ta đang đi theo khái niệm đơn nhất này: Tăng tốc dòng nước và xả nước ra. Nhưng chúng ta cần phải làm ngược lại."

Yu theo học thiết kế tại Đại học Harvard, Mỹ, và trở về Trung Quốc một năm trước mùa lũ thảm họa trên sông Dương Tử năm 1998, làm hơn 4.000 người thiệt mạng. Ông dành 20 năm tiếp theo để nỗ lực vận động nhà chức trách áp dụng cách tiếp cận tập trung vào sinh thái hơn trong quá trình đô thị hóa.

Ông phân tích, các thành phố của Trung Quốc cần trở nên giống như "bọt biển". Dòng nước được làm chậm đi và giữ lại, chứ không phải xả ra. Giải pháp để làm điều đó - ông Yu chỉ ra - là khôi phục các bờ sông, các đầm lầy và ao hồ, cùng với thổ nhưỡng và thực vật có tính chất như "bọt biển" tự nhiên - cho phép hấp thụ và giữ nước cục bộ.

Con người không thể chiến thắng trước tự nhiên. Mọi thứ con người tạo ra đến một thời điểm sẽ đổ vỡ. Những tàn tích của La Mã đã minh chứng cho điều đó.

98.000 con đập không còn là thần hộ vệ: Trung Quốc trả giá vì ỷ lại và hướng đột phá của ông Tập - Ảnh 2.

Yu Kongjian - giáo sư Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc)

"Tôi không phản đối các công trình đập nước và cấu trúc thủy văn, nhưng tôi phản đối việc dựa dẫm quá đà vào việc con người kiểm soát lũ. Những công trình 'xám' này đã hủy hoại hệ tự nhiên xanh," ông Yu nói.

"Giống như một con người, nếu anh chỉ sống nhờ vào máy thở và ống truyền thì thật mong manh. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu máy móc hư hỏng? Con người sẽ có rủi ro tử vong. Các đô thị cũng như thế."

98.000 con đập không còn là thần hộ vệ: Trung Quốc trả giá vì ỷ lại và hướng đột phá của ông Tập - Ảnh 3.

Đội cứu hộ tình nguyện từ Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, đưa dân làng trở lại trục vớt đồ đạc tại nơi ở đã bị ngập nước, ngày 14/7/2020 (Ảnh: Li Bowen/LA Times)

Ông Tập kêu gọi hướng đến "văn minh sinh thái"

Xây dựng đập và kiểm soát dòng nước bằng các kết cấu bê tông là phương pháp mà Trung Quốc học hỏi từ phương Tây. Nhưng các nhà sinh thái học bắt đầu ủng hộ sử dụng ít đập hơn và trả lại không gian cho tự nhiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi nước này xây dựng một "nền văn minh sinh thái". Giáo sư Yu Kongjian đã nhận được sự hỗ trợ của chính phủ để bắt đầu các dự án "thành phố bọt biển" tại hàng chục đô thị.

LA Times bình luận, Trung Quốc đang "đi trước một bước" về phía đồng hồ đếm ngược, khi biến đổi khí hậu bắt đầu mang tới các kỳ hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Tần suất xảy ra mưa lớn đã tăng 3.8% mỗi thập kỷ kể từ năm 1931 - theo Sách xanh về biến đổi khí hậu của Trung Quốc, công bố năm 2019.

Tổng mức gia tăng [mưa lớn] là hơn 20%, đó là "sự thay đổi rất nghiêm trọng" - Liu Junyuan nói.

Giáo sư Yu nêu, các đập được xây dựng nhằm chống lại những trận lũ "nghìn năm có một" đang phải đối mặt với mực nước rất cao trong vòng 100, 50 hay 10 năm từ khi hoàn thành. Ông nhấn mạnh, không con đập nào có thể tồn tại mãi mãi.

98.000 con đập không còn là thần hộ vệ: Trung Quốc trả giá vì ỷ lại và hướng đột phá của ông Tập - Ảnh 4.

Yu Kongjian đứng trong một ao cạn nước ở làng Xixinan, tỉnh An Huy. Ông cho rằng Trung Quốc cần khôi phục các ao hồ tương tự để nâng cao khả năng giữ nước cục bộ (Ảnh: Liu Bowen/LA Times)


Theo Hải Võ

Tổ quốc

Trở lên trên