MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9x thất nghiệp về quê nuôi gà, mở 3 tiệm rau sạch sập cả 3, từng suy sụp hỏi bạn “Có việc gì cho tao làm với”, nay là ông chủ đàn heo 400 con, đi lại bằng Ford Ranger

23-05-2018 - 10:08 AM | Doanh nghiệp

"Có ngày em phải uống rất nhiều Panadol vì đau đầu. Em gọi điện cho mấy thằng bạn, hỏi xem có việc gì thì cho làm với?”, Sơn tâm sự. Sơn là chủ trang trại rau, heo sạch Nam An ở Bình Dương. Nam An là viết tắt của Thực phẩm đất Nam, An lòng người Việt.

Chiếc xe Ranger màu trắng đỗ trước cửa quán cafe ở Bình Dương vào ngày cuối tuần, một thanh niên nước da “phơi nắng phơi sương” bước ra, tay cầm chiếc điện thoại “cục gạch”. Đó là Nguyễn Văn Sơn, chủ trang trại rau, heo sạch Nam An ở Bình Dương.

“Em vừa đi học ở Sài Gòn về”, Sơn khoe.

“Em đi học để làm có chiến lược, bài bản hơn. Thị trường rau và heo sạch rất tiềm năng và đang có những tín hiệu đáng mừng”.

Ở tuổi 27, Sơn nhiều lần được "ông thầy" thị trường dạy. Từng chứng kiến cả vườn rau bị sâu tàn phá, 3 lần mở cửa hàng rau sạch rồi tất cả đều chỉ hoạt động trong 1-2 tháng. Sơn hôm nay đã trưởng thành hơn, chiến lược hơn và đang sở hữu chiếc xe Ford Ranger dù mua trả góp.

Tốt nghiệp Đại học, thất nghiệp về nuôi gà

Bố Sơn vốn là cán bộ xã, mẹ là công nhân trong ngành cao su. “Thấy em tốt nghiệp Đại học mà thất nghiệp , bố gợi ý về chuyện nuôi gà. Do bố có bạn đang nuôi gà, rất hiểu biết về mảng này”, Sơn kể.

Thế là chàng trai sinh năm 91 ở Dầu Tiếng, Bình Dương bắt đầu làm quen và nuôi gà. Rồi một ngày, Sơn phát hiện, nước uống thừa của gà có thể làm phân bón rau rất tốt. Sơn bắt đầu trồng rau để tận dụng nguồn phân bón này.

9x thất nghiệp về quê nuôi gà, mở 3 tiệm rau sạch sập cả 3, từng suy sụp hỏi bạn “Có việc gì cho tao làm với”, nay là ông chủ đàn heo 400 con, đi lại bằng Ford Ranger - Ảnh 1.

Sơn giờ là ông chủ của trang trại 7.000 m2 rau hữu cơ và 400 con heo.

“Ban đầu em trồng ít. Rồi chở rau bằng xe máy đi bán rong. Cứ chỗ nào đông người thì em dừng lại bán. 2 lứa thu rau đầu tiên thì ổn. Đến lứa thứ ba thì sâu bệnh bắt đầu hoành hành”, ông chủ nông trại Nam An nhớ lại.

Rồi chàng trai 9X bắt đầu mày mò chế các hỗn hợp diệt sâu bệnh từ tỏi, ớt… Hàng ngày tiếp xúc với sâu bệnh, chàng trai gốc Thanh Hóa thấy rằng phải xử lý sâu bệnh từ phân, đất và vi sinh vật. Có đồng ra đồng vào, Sơn thuê thêm nhân công. Nhưng mọi việc không suôn sẻ như Sơn mong đợi.

Thời kỳ chán nản, suy sụp, gọi điện cho bạn: Mày có việc gì không cho tao làm với?

Đến giữa năm 2015, sâu bệnh ở vườn rau của Sơn vượt tầm kiểm soát. “Các loại cây nhớt như mùng tơi, rau đay mà sâu cũng ăn. Đây là những loại mà bình thường sâu không hề đụng tới”, Sơn kể.

Rồi đến công nhân thì bỏ đi. Họ bực mình chuyện gì đó, không nói gì và sáng nhận lương thì tối bỏ đi hết. Sáng ra không thấy ai cả.

"Alo, mày ơi, có việc gì cho tao làm với", Sơn gọi điện cho bạn vì quá suy sụp sau những thất bại khi khởi nghiệp trồng rau hữu cơ.

Một điều nữa là vay nợ chồng chất. Vay tiền hết chỗ nọ đến chỗ kia mà tình hình bi đát. Sơn mệt mỏi, suy sụp. "Đợt đó, có ngày em phải uống rất nhiều thuốc Panadol vì đau đầu", Sơn nhớ lại.

“Em gọi điện cho mấy thằng bạn, hỏi xem có việc gì thì cho làm với?”, Sơn tâm sự.

Nhưng có những đêm Sơn nằm nghĩ lại, thấy như vậy thì vô trách nhiệm quá. Bố đã nghỉ cả việc ở xã để làm cùng Sơn. Giờ nếu bỏ thì phụ công bố.

Sơn lại gắng gượng tiếp tục.

“Cuối năm đấy, sâu lại đỡ, rau lại phát triển được. Thế là qua giai đoạn khủng hoảng chị ạ”, Sơn kể, có chút hào hứng trở lại.

Sơn lại hành trình bán rau dạo. Cùng với chiếc xe máy, Sơn rong ruổi bán rau khắp nơi. Dân công chức như giáo viên, nhân viên văn phòng, mua rau riết của Sơn cũng quen và giới thiệu cho người này người kia.

9x thất nghiệp về quê nuôi gà, mở 3 tiệm rau sạch sập cả 3, từng suy sụp hỏi bạn “Có việc gì cho tao làm với”, nay là ông chủ đàn heo 400 con, đi lại bằng Ford Ranger - Ảnh 3.

Chiếc xe máy cùng thùng rau những ngày đầu khởi nghiệp của Sơn.

“Tao phải lên thành phố tìm thị trường” và 3 lần mở cửa hàng thì cả 3 sập tiệm

Một ngày kia, Sơn nghĩ nếu cứ loanh quanh ở thị trường gần đây thì chỉ dừng ở mức như vậy. Sơn nói với bạn bè rằng anh phải lên thành phố để tìm kiếm thị trường, đối tác.

“Đang sôi sục và rất máu nên em mở cửa hàng rau sạch ở TPHCM. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, mặt bằng giá cao nên cửa hàng chỉ sống được 2 tháng”, Sơn cho biết.

Nghỉ được một tháng, như tiếc nuối điều gì, Sơn trang trí lại cửa hàng đó rồi mở trở lại. Nhưng cửa hàng cũng chỉ hoạt động thoi thóp. 1 tháng sau thì đành đóng cửa.

3 lần mở tiệm rau sạch thì cả 3 lần đóng cửa. Mỗi cửa hàng chỉ sống được 1-2 tháng.

“Thiếu kinh nghiệm, hấp tấp, nhân sự chưa tốt là những nguyên nhân khiến 2 lần em mở cửa hàng đều thất bại”, Sơn rút ra bài học.

Rồi một người quen ở quận 7 đầu tư để Sơn mở cửa hàng. Do mặt bằng cao quá và nhiều yếu tố khác nên cửa hàng lại phải đóng cửa tiếp sau 1 tháng hoạt động.

Thất bại triền miên, kinh tế gia đình cạn kiện vào cuối năm 2016.

“Em nhớ Tết 2016, cả gia đình em 5 người, ăn Tết với 2 triệu đồng”, chàng thanh niên sinh năm 1991 nhớ lại.

Đến với việc nuôi heo để tận dụng nguồn rau thừa

Để tận dụng nguồn rau thừa, chàng trai bắt đầu nuôi heo. Cậu em của Sơn học ngành thú y nên cũng hỗ trợ. Cả nhà cùng hỗ trợ cậu cả trong gia đình thực hiện giấc mơ.

“Bố mẹ em nhiều khi xót ruột quá. Cũng có càm ràm nhưng ít thôi. Bố mẹ em rất máu làm ăn”, Sơn kể.

Và Sơn lại bắt xe lên thành phố tìm thị trường heo sạch vào đầu năm 2017.

9x thất nghiệp về quê nuôi gà, mở 3 tiệm rau sạch sập cả 3, từng suy sụp hỏi bạn “Có việc gì cho tao làm với”, nay là ông chủ đàn heo 400 con, đi lại bằng Ford Ranger - Ảnh 5.

“Thời gian đầu, em thuê xe 400.00 đồng/chuyến chở heo vào ban đêm, ban ngày bán ở chợ Tân Hương, quận Tân Phú. Thời gian đầu tiêu thụ rất chậm. Em bắt đầu thay đổi chiến lược, đầu tư hút chân không và nhãn mác và thấy bán chạy hơn”, Sơn kể lại.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều người biết đến heo của Nam An hơn.

Cơ duyên đến, chuỗi thực phẩm sạch Nông sản Nhà quê và Sơn liên kết với nhau. Nông sản Nhà quê tiêu thụ lượng lớn rau và thịt heo của Nam An.

Hiện giờ mỗi ngày chuỗi Nông sản Nhà quê bán hết khoảng 2-3 con heo. Thứ 7 khoảng 6 con. Ngoài ra, em bán ở Phiên chợ Xanh tử tế, cuối tuần cũng được khoảng 60-70 kg”, Sơn hào hứng khoe.

9x thất nghiệp về quê nuôi gà, mở 3 tiệm rau sạch sập cả 3, từng suy sụp hỏi bạn “Có việc gì cho tao làm với”, nay là ông chủ đàn heo 400 con, đi lại bằng Ford Ranger - Ảnh 6.

Trang trại của Sơn tại Bình Dương.

Trang trại Nam An Farm của Sơn trồng 7.000 m2 rau, 400 con heo, đang bán sỉ cho nhiều cửa hàng rau sạch khác. 80% doanh số đến từ heo.

“Nam An là viết tắt của Thực phẩm đất Nam, An lòng người Việt. Cũng là tên của bố và em út của em, với mong muốn là thuận từ đầu đến cuối”, Sơn chia sẻ.

Sơn khoe con Ford Ranger mua trả góp, ban đầu là định chở thịt heo đông lạnh lên thành phố.

9x thất nghiệp về quê nuôi gà, mở 3 tiệm rau sạch sập cả 3, từng suy sụp hỏi bạn “Có việc gì cho tao làm với”, nay là ông chủ đàn heo 400 con, đi lại bằng Ford Ranger - Ảnh 7.

Nông trại Nam A của Sơn giờ liên kết sâu với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Nông sản Nhà quê.

Mục tiêu năm 2018 của ông chủ trang trại Nam An là xây dựng xong hệ thống chuồng heo sạch đẹp, mở rộng thị trường.

9x thất nghiệp về quê nuôi gà, mở 3 tiệm rau sạch sập cả 3, từng suy sụp hỏi bạn “Có việc gì cho tao làm với”, nay là ông chủ đàn heo 400 con, đi lại bằng Ford Ranger - Ảnh 8.

Nguyễn Văn Sơn đang xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chuồng heo ở trang trại Nam An.

"Thị trường thịt heo sạch đang rất tiềm năng. Bản thân em nhận được những tín hiệu tốt từ khách hàng", ông chủ 9X nhận định, đôi mắt ánh lên niềm tin vào con đường mà Sơn đeo đuổi suốt nhiều năm qua.

9x thất nghiệp về quê nuôi gà, mở 3 tiệm rau sạch sập cả 3, từng suy sụp hỏi bạn “Có việc gì cho tao làm với”, nay là ông chủ đàn heo 400 con, đi lại bằng Ford Ranger - Ảnh 9.

Sơn đã có chiếc Ranger để đi học ở Sài Gòn cuối tuần, dù là trả góp.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

Trở lên trên