MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9X trở thành thông biên dịch viên tư pháp người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhắn gửi du học sinh cần ghi nhớ vài điều để không ‘sa lưới’ pháp luật

30-12-2021 - 10:27 AM | Sống

9X trở thành thông biên dịch viên tư pháp người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhắn gửi du học sinh cần ghi nhớ vài điều để không ‘sa lưới’ pháp luật

Sở hữu vóc dáng nhỏ nhắn, Nguyễn Thị Kiều Chinh (sinh năm 1991) hiện đang là thông biên dịch viên tư pháp người Việt tại Hàn Quốc, tham gia rất nhiều vụ án quan trọng tại khu vực Gyeonggi-do và Seoul.

Đang học năm thứ 2 tại khoa Việt Nam học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Kiều Chinh sang Hàn theo chương trình trao đổi văn hóa 2+2 giữa trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Ngoại ngữ Busan.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Hàn, Chinh làm trợ lý tại văn phòng quốc tế của trường Đại học Soongsil (Seoul). Công việc chủ yếu là hỗ trợ ngôn ngữ và hướng dẫn cho du học sinh mới sang hòa nhập cuộc sống mới tại trường và Hàn Quốc.

Những "viên gạch" đầu tiên

Ở vị trí hỗ trợ cho du học sinh mới, công việc đôi lúc cũng liên quan đến luật. Chính vì vậy, cô gái 9x bắt đầu tìm hiểu về luật xuất nhập cảnh của Hàn Quốc để hỗ trợ cho các bạn du học sinh. Khi tìm hiểu về pháp luật Hàn, Chinh nhận thấy nhiều điều mới mẻ và thú vị, nên đã cố gắng tìm hiểu nhiều hơn để mở mang kiến thức.

Cuối năm 2016, sau lần vô tình đọc được thông tin tuyển dụng thông biên dịch tiếng Việt của công ty Luật, Chinh đã nộp hồ sơ và đậu vào làm việc. Trong quá trình làm việc, cô dần trở thành cầu nối giữa những công dân Việt Nam sống ở Hàn với các luật sư Hàn Quốc.

Cuối năm 2017, nhận được sự khuyến khích của công ty, cô bắt đầu chuẩn bị và tham gia thi lấy chứng chỉ thông biên dịch viên tư pháp. Đầu năm 2019, Chinh tiếp tục chuẩn bị cho kì thi thông biên dịch viên tòa án. Đây là lần đầu tiên tòa án tối cao Hàn Quốc tổ chức kỳ thi tuyển chọn thông biên dịch viên cho các tòa án.

"Đối với công việc về thông biên dịch chuyên môn, ngoài yêu cầu về khả năng ngoại ngữ và năng lực chuyển ngữ 2 chiều thì nó còn yêu cầu về kiến thức nền tảng về chuyên môn. Về kỳ thi thông dịch tư pháp, còn có phần kiểm tra về đạo đức nghề nghiệp, mình thấy đây cũng là một phần thi hay", Chinh nói.

9X trở thành thông biên dịch viên tư pháp người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhắn gửi du học sinh cần ghi nhớ vài điều để không ‘sa lưới’ pháp luật - Ảnh 1.

 Xuất phát điểm là dân ngoại đạo, những rào cản ban đầu với cô gái trẻ là vô cùng nhiều. Học về một chuyên ngành mới và học không phải bằng tiếng mẹ đẻ, những thuật ngữ pháp lý cơ bản nhất giai đoạn đầu đều như những chướng ngại vật với Chinh. Nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, cầu tiến, cô dần thành thạo và hoàn thiện hơn.

"Đối với các bạn đang có ý định thi lấy chứng chỉ thông biên dịch viên tư pháp và thông biên dịch viên tòa án tại Hàn Quốc, mình nghĩ điều kiện tiên quyết là cần giỏi tiếng Hàn. Ngoài ra, tìm hiểu các tài liệu pháp lý, xem phim về pháp luật hoặc đến dự thính tại các phiên tòa, đó chính là bước chuẩn bị kiến thức và tâm lí để có thể bước vào kì thi", cô chia sẻ.

Hiện nay, ngoài thông biên dịch theo các vụ án mà công ty Luật nơi Chinh đang làm việc tiếp nhận, hiện cô gái trẻ khá bận rộn vì nhận được nhiều đề nghị hỗ trợ thông biên dịch tư pháp từ cơ quan điều tra và tòa án.

Mong muốn góp phần hỗ trợ pháp luật cho người Việt tại Hàn Quốc

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, năm 2019, tội phạm người Việt Nam tổng cộng là 2255 người. Hiện nay, Kiều Chinh thường tham gia các vụ án hình sự. Và theo chia sẻ của cô, tội phạm người Việt tại Hàn khá đa dạng, nhưng chủ yếu liên quan đến: giao thông, ma túy, bạo hành, đánh bạc, lô đề online, làm giả giấy tờ…

Các tội phạm người Việt liên quan đến đường dây ma túy khá nhiều. Một phần do ma lực đồng tiền, một phần từ sự hiểu biết còn hạn chế. Có một số chất sẽ bị Hàn Quốc xử tội rất nặng như: cỏ Mỹ, thuốc kích dục (bị xếp vào là ma túy)… nhưng ở Việt Nam, hiện chưa đưa vào chất cấm. Chính vì vậy, Chinh mong rằng bản thân sẽ góp phần tuyên truyền, giúp đỡ về các kiến thức pháp luật cho người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn.

9X trở thành thông biên dịch viên tư pháp người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhắn gửi du học sinh cần ghi nhớ vài điều để không ‘sa lưới’ pháp luật - Ảnh 2.

 "Rất may mắn ở Hàn Quốc không có thi hành án tử hình, nhưng hầu hết tội phạm liên quan đến ma túy sẽ phải nhận án phạt tù từ 3 năm đến 10 năm; trường hợp bị án treo thì sẽ là đối tượng "được" trục xuất", cô nói. Cũng theo Chinh chia sẻ, gần đây có nhiều bạn là du học sinh Việt Nam tại Hàn bị lừa vào đường dây lừa đảo qua giọng nói có tổ chức (Voice phishing). Hình thức phạm tội rất tinh vi, đa số đầu sỏ và trụ sở đều ở nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Để gây án cần các mắt xích trung gian tại Hàn như: nhận tiền (trực tiếp đi gặp người bị hại để nhận tiền và chuyển tiền lại cho một mắt xích khác); chuyển tiền (nhận tiền từ mắt xích nhận tiền rồi đưa lại cho 1 mắt xích khác để chuyển tiền ra nước ngoài); quản lý thiết bị trung gian (như điện thoại để lắp sim trong nước rồi sử dụng phần mềm trung chuyển Izzble để có thể vừa ở nước ngoài vừa liên hệ trực tiếp với người bị hại mà không bị phát hiện); thu thập (chuyên đi thu thập tài khoản ngân hàng để lợi dụng, tìm kiếm người làm mắt xích nhận tiền, chuyển tiền…).

Mục đích cuối cùng của chúng là lừa được người Hàn Quốc hoặc người sống ở Hàn Quốc để chiếm đoạt tiền nhưng vẫn được an toàn vì người cuối cùng mà cảnh sát bắt được đa số là các mắt xích trung gian. Phần lớn các vụ án Voice phishing đều có số tiền bị hại rất lớn, từ vài chục triệu won tới vài trăm triệu won, nên đa số các bạn du học sinh bị lừa tham gia vào làm mắt xích trong đường dây lừa đảo này đều vô cùng khổ sở sau khi bị cảnh sát bắt, ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần và cuộc sống.

"Dù sống ở đâu, cũng đều phải tuân thủ pháp luật. Hi vọng các bạn du học sinh luôn tỉnh táo trước các cám dỗ và cần tránh xa các công việc ít phải động chân động tay lao động vất vả mà lại được mức thù lao lớn theo kiểu này", Chinh nói.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, dù nhiều khó khăn, thử thách, nhưng điều khiến Kiều Chinh hạnh phúc nhất khi trở thành thông biên dịch viên tư pháp, đó là có cơ hội xử lý nhiều vụ án liên quan tới người Việt ở nơi cô sinh sống và các vùng lân cận, góp phần sức lực nhỏ bé hỗ trợ những người đồng hương xa quê.

https://cafebiz.vn/9x-tro-thanh-thong-bien-dich-vien-tu-phap-nguoi-viet-nam-tai-han-quoc-nhan-gui-du-hoc-sinh-can-ghi-nho-vai-dieu-de-khong-sa-luoi-phap-luat-20211229110922118.chn

Theo Minh Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên