9x Việt lọt Forbes under 30 đăng video xin lỗi sau phốt dồn đồng hương vào ‘đường cùng’, cộng đồng phẫn nộ: Này CEO, anh chỉ đang cố PR chứ nào có xin lỗi chân thành!
Gọi hành động hủy offer của đồng hương vào phút chót là Ngu ngốc, Thiếu tôn trọng, Đáng xấu hổ, Không chuyên nghiệp, nhưng CEO 9x Việt từng lọt danh sách Forbes under 30 xin lỗi trên một video không công khai (unlisted) ở một kênh Youtube cá nhân chỉ có một video. Không có một lời xin lỗi chính thức nào từ trang LinkedIn hoặc các trang chính thức của Rens Original.
Jesse Khánh Trần - CEO của Rens Original, một startup Việt làm giày từ bã cà phê tại Phần Lan, xuất hiện trên một video gửi lời xin lỗi trực tiếp tới người bị hủy ngang offer Thịnh Nguyễn và cộng đồng người Việt đang làm việc tại các startup.
Jesse Khánh Trần và cộng sự Sơn Chu là niềm tự hào của Việt Nam khi xuất hiện trong danh sách 30 Under 30 năm 2020 của Forbes châu Âu. Startup với những đôi giày làm từ bã cà phê đã thu về nửa triệu đô la tiền đầu tư trên Kickstarter.
Lời xin lỗi của Khánh Trần được đưa ra sau một post trên LinkedIn của Thịnh Nguyễn chia sẻ về tình trạng bị đẩy vào chân tường khi anh chuẩn bị bay đến Helsinki nhận việc thì Rens Original hủy ngang offer. Case này sau đó đã kéo theo hàng loạt người trẻ tố văn hóa tuyển dụng và môi trường làm việc ở Rens Origional là độc hại (toxic).
Nguyên văn bài đăng tải của Thịnh Nguyễn.
Xuất hiện trên video trong trang phục áo pull trắng và áo khoác jeans, Khánh Trần gọi đây là một sự việc rất đáng tiếc và ngu ngốc của Rens Original.
"Tôi cũng xin lỗi toàn thể cộng đồng người Việt ở Phần Lan vì đã làm các bạn rất thất vọng. Mình luôn tự hào khi là người Việt Nam dù ở Phần Lan hay ở bất cứ đâu, mình chưa bao giờ look down (tạm dịch: Coi thường) những người Việt khác. Chưa hề có việc đó", Khánh Trần nói.
Về câu chuyện hủy ngang offer với Thịnh, CEO Rens Original cho biết công ty offer Thịnh một vị trí thực tập viên (Internship) tại văn phòng Helsinki. Thịnh đã chấp nhận offer này và đang trong quá trình chuyển chỗ ở từ Tampere tới Helsinki để chuẩn bị làm việc.
"Tuy nhiên, team chúng tôi bỗng tìm được một ứng cử viên long-term và phù hợp hơn. Và chúng tôi đã ngu ngốc và thiếu tôn trọng khi hủy ngang offer với Thịnh và trao vị trí này cho người khác. Đây hoàn toàn là hành động đáng xấu hổ và thiếu chuyên nghiệp từ phía chúng tôi", Khánh Trần nói.
Anh cũng cho biết, là một startup nhỏ, Rens Original không có một quy trình nhân sự (HR) hoàn chỉnh và còn nhiều thiết sót. Nhưng đây không thể là cái cớ cho hành vi nói trên.
Rens Original cũng đang tuyển dụng một vị trí HR full-time, người sẽ đảm nhiệm việc tạo bộ phận HR của công ty sau này.
Khánh Trần cũng ngỏ lời muốn trò chuyện trực tiếp khi Thịnh đã sẵn sàng, đồng thời hứa anh cũng như công ty sẽ làm mọi việc trong khả năng để làm điều đúng đắn, để sửa chữa sai lầm ngu ngốc mà Rens Original đã gây ra.
"Mong muốn của bản thân cũng như việc ra làm với Rens là muốn dùng tất cả mọi thứ công ty có và bản thân mình có được để giúp cho cộng đồng người Việt ở Phần Lan cũng như ở Bắc Âu có thể trở nên thành công hơn, cũng như có thể giúp đỡ được nước nhà Việt Nam của chúng ta", Khánh Trần nói.
Đăng video xin lỗi nhưng không công khai
Video này được đăng ở trạng thái Unlisted (không công khai), trên một kênh Youtube cá nhân mang tên Jesse Tran.
Video được đăng ở trạng thái Unlisted.
Tài khoản Jesse Tran này được lập ra từ tháng 8/2017, không có bất cứ thông tin giới thiệu nào. Và tất nhiên, khi truy cập từ tài khoản này cũng không nhìn được video xin lỗi nói trên, vốn đã được cài đặt ở trạng thái Unlisted, ẩn toàn tập khỏi công cụ Search của Youtube cũng như Google.
Click vào tài khoản thì không có một nội dung gì.
Video xin lỗi này được biết đến khi Khánh Trần comment gửi lời xin lỗi dưới post của Thịnh Nguyễn trên LinkedIn và gửi kèm một link youtube. Hành động này đã vấp phải sự phẫn nộ của các startup cũng như cộng đồng người Việt ở Phần Lan.
Chúng tôi xin lược dịch một vài bình luận (bình luận từ LinkedIn, bởi video xin lỗi của Khánh Trần không chỉ Unlisted mà còn tắt luôn cả chức năng bình luận):
"Anh bóc lột nhân viên Việt Nam ở công ty anh bởi anh biết họ sẽ không lên tiếng. Làm ơn nếu không thể giúp đỡ được người Việt ở nước ngoài, thì ít nhất đừng làm hại họ!"
"Không phải anh đang xin lỗi. Anh đang cố làm một post PR vớ vẩn. Hãy chia sẻ công khai lời xin lỗi của anh trên website cũng như trang LinkedIn chứ đừng đăng một video Unlisted mà sẽ bị xóa trong vài tuần".
"Hãy ngưng sử dụng những từ như "Tôi đã làm rối tung", từ mà giúp giảm thiểu tính đạo đức và sự cố ý trong hành động của các anh. Loại chuyện này không xảy ra bởi "tai nạn" hay đơn giản là "sự rối tung". Điều này xảy ra không chỉ với Thịnh mà còn với các ứng viên khác. Công ty anh đã bóc lột những người trẻ trong một thời gian dài…"
"Này CEO, đầu tiên là anh đưa video không công khai lên kênh cá nhân và bây giờ anh tắt phần bình luận/like-dislike? Anh có thực sự muốn chấp nhận những lời chỉ trích và xin lỗi như một nhà lãnh đạo thực thụ không vậy?"
"Anh ta (và page của công ty anh ta) vẫn giữ im lặng. Đây là loại kiểm soát khủng hoảng kiểu gì vậy?"
Doanh nghiệp và tiếp thị