Abares nâng dự báo giá đường
“Nhu cầu cao” sẽ “thúc đẩy” giá đường thế giới, Cơ quan Nông nghiệp và Kinh tế Tài nguyên Australia (Abares) nhận định, đồng thời nâng dự báo về giá đường kỳ hạn giao sau, mặc dù có tính tới yếu tố “rủi ro về tiêu thụ” ở thị trường phương Tây do những lo ngại về ảnh hưởng tới sức khỏe.
Abares đã nâng khoảng 1 US cent khi dự báo về giá đường trung bình (hợp đồng giao ngay trên sàn New York), lên 21 US cent/lb cho niên vụ 2016/17 (tháng 10/2016 đến hết tháng 9/2017). Dự báo về giá trong niên vụ tiếp theo cũng được nâng lên trung bình 22 US cent/lb, trước khi giảm trở lại 20,8 US cent/lb trong niên vụ 2018/2019.
Những con số này đều lạc quan hơn nhiều so với mức dự báo trung bình của các nhà đầu tư là 19,54 US cent/lb trong năm 2016/17, 19 US cent/lb trong năm 2017/18 và 18,2 cent trong năm 2018/19.
Tiêu thụ tăng nhanh hơn sản lượng
Abares cho biết triển vọng lạc quan đó phản ánh “dự báo tiêu thụ đường thế giới sẽ tăng nhanh hơn sản lượng, làm giảm tồn trữ và tỷ lệ tồn trữ-sử dụng”, những yếu tố quyết định giá cả.
Tồn trữ đường thế giới sẽ giảm tổng cộng 15,7 triệu tấn trong 3 niên vụ liên tiếp tính tới 2017/18, trước khi tăng 1,9 triệu tấn vào niên vụ 2018/19.
“Trong trung hạn, sản lượng đường thế giới sẽ tăng trung bình khoảng 1,6% mỗi năm”, báo cáo của Abares viết, “chủ yếu bởi diện tích trồng mía và củ cải đường tăng, kéo tăng sản lượng đường tăng ở Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Thái Lan và cả một số nước sản xuất nhỏ”
Trong khi đó, tiêu thụ sẽ tăng trung bình 2,3% mỗi năm sau đó trì trệ vào niên vụ tới bởi giá đường tương đối cao so với những sản phẩm thay thế như sirô ngọt làm từ ngô (high fructose corn syrup (HFCS).
Dự báo về tăng trưởng nhu cầu trong trung hạn dựa trên cơ sở nhu cầu đường sẽ tiếp tục tăng ở những nước đang phát triển, do tốc độ tăng nhanh của các ngành chế biến thực phẩm và đồ uống, trong bối cảnh thu nhập tăng, dân số cũng tăng và đô thị hoá mạnh mẽ.
Ý thức giữ gìn sức khoẻ
Abares nhận định tiêu thụ ở Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Liên bang Nga và Ucraina sẽ tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, ở những nền kinh tế phát triển, nhất là EU và Mỹ, tiêu thụ sẽ giảm sút do tăng trưởng dân số chậm lại và những thay đổi về chế độ ăn uống theo xu hướng giảm đường để có lợi cho sức khoẻ.
Đã có nhiều ý kiến lo ngại cho rằng đường ngày càng trở thành nguyên nhân của tình trạng béo phì, và một số nước đã đánh thuế đối với mặt hàng đường, các công ty cũng đang tích cực tìm kiếm những sản phẩm thay thế.
Tại Anh, thuế đường sẽ được áp dụng vào năm tới, theo thông tin từ hãng nước giải khát AG Barr công bố đầu tháng 3 vừa qua. Hãng này đang đẩy nhanh chương trình giảm sử dụng chất ngọt, theo đó hơn 90% sản phẩm của hãng sẽ chứa dưới 5 gr đường trên mỗi 100 ml từ mùa thu tới.
“Dù đúng hay sai, rõ ràng là các nhà sản xuất đã quyết tâm giảm tỷ lệ đường”, hãng môi giới Marex ở London cho biết.
Tác động lớn tới giá cả
Ảnh hưởng của xu hướng này tới giá đường “sẽ rất lớn…nếu tiêu thụ đường thế giới không còn tăng mạnh nữa”, Marex cho biết.
Theo hãng này, năng suất củ cải tiếp tục tăng, và chắc chắn với mía cũng sẽ tương tự vì một số giống đã bắt đầu được nhân rộng với năng suất tăng đáng kể. Do vậy, giá đến một thời điểm sẽ giảm xuống mức đủ hấp dẫn các nhà chế biến, miễn là các nhà sản xuất đường vẫn có lãi.
Tuy nhiên, Marex cho rằng giá đường vẫn còn rẻ, và vị đường vẫn rất hấp dẫn người tiêu dùng, ngoài ra còn cung cấp nguồn năng lượng lớn, và trên tất cả là đường vẫn rất phổ biến trong các sản phẩm khác ngoài đồ uống và sẽ không có sản phẩm nào khác có thể thực sự thay thế vị trí của đường.
“Với tất cả những lý do trên, nhất là yếu tố “giá rẻ”, đường có thể giữ vững vị thế bất chấp những ý kiến chống đối việc sử dụng đường trong các ngành công nghiệp”.