ACB báo lãi trước thuế hơn 6.300 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng tăng gấp gần 4 lần
Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2021 của ACB đạt 6.352 tỷ, tăng 66% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 5.071 tỷ đồng.
- 15-07-2021ACB giảm lãi suất cho vay tới 1% cho tất cả khách hàng hiện hữu
- 09-07-2021VNDirect: Techcombank, ACB, MB... có lợi thế tận dụng sự phục hồi kinh tế
- 07-07-2021Rao bán 3,7 triệu cổ phiếu ACB của "bầu" Kiên
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021.
Trong quý 2/2021, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.248 tỷ đồng, tăng 71,5% so với cùng kỳ năm 2020. Động lực tăng trưởng chính đến từ tín dụng và hoạt động dịch vụ.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quý 2 của nhà băng này tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.990 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi lên 886 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng cao, có lãi 231 tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 29% đạt 91,6 tỷ đồng. Chỉ riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư kém khả quan hơn, chỉ có lãi 44,7 tỷ, giảm 86%.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động quý 2 của ACB đạt 2.125 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong khi kinh doanh khả quan, chi phí hoạt động của ACB giảm khá đáng kể, giảm 9,9% xuống còn 1.592 tỷ đồng trong quý 2. Theo đó, tỷ lệ CIR trong quý 2 chỉ ở mức 25,5%.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng của ACB tăng khá mạnh, tăng gấp 3 lần lên 1.386 tỷ đồng trong quý 2/2021.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của ACB đạt hơn 11.900 tỷ, tăng 40% so với 6 tháng đầu năm 2020. Chi phí hoạt động giảm 13,8% xuống 3.557 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng tới 3,7 lần lên 1.992 tỷ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 6.352 tỷ, tăng 66% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 5.071 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản ACB đạt 471.275 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,7% lên 341.667 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 1,5% lên 358.474 tỷ đồng.
Nợ xấu của ngân hàng tăng 489 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm lên 2.329 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay theo đó tăng nhẹ từ 0,6% lên 0,69%.
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 163% lên 560. tỷ đồng. Nợ nhóm 4 ở mức 528 tỷ, tăng 28,5% so với đầu năm. Nợ nhóm 5 là 1.241 tỷ, tăng 2% so với đầu năm.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị