ACBS chỉ ra động lực giúp ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa cuối năm
ACBS cho biết áp lực trích lập dự phòng giảm đáng kể so với năm 2021 và đây sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho các ngân hàng trong nửa cuối năm 2022.
- 23-09-2022NHNN tăng lãi suất quyết liệt hơn dự báo, giới phân tích lo biên lợi nhuận ngân hàng bị thu hẹp
- 17-09-2022Nỗi lo lợi nhuận ngân hàng những tháng cuối năm
- 17-08-2022Lợi nhuận nhiều ngân hàng đã gần cán đích cả năm chỉ sau 6 tháng
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 kỳ vọng tiếp tục ở mức cao nhờ áp lực trích lập dự phòng giảm xuống
Theo ACBS, lãi suất huy động đang tăng lên, tuy nhiên các ngân hàng sẽ kiểm soát tốt chi phí vốn nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao (CASA). Đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ CASA rất cao như Techcombank (47,5%), MB (44,3%), Vietcombank (36,5%) và MSB (34,4%). Lãi suất cho vay cũng có thể tăng thêm trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang ở mức cao. Trong khi đó, hạn mức tín dụng eo hẹp khiến các ngân hàng thương mại phải chọn lọc khoản vay có lãi suất tốt. Vì vậy, ACBS kỳ vọng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng sẽ đi ngang hoặc cải thiện nhẹ so với năm 2021.
Nhóm phân tích dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải do rủi ro lạm phát đang gia tăng. Các hoạt động thu nhập ngoài lãi như thanh toán, phân phối bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng đầu tư và thu hồi nợ ngoại bảng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh.
ACBS cho biết áp lực trích lập dự phòng giảm đáng kể so với năm 2021 và đây sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho các ngân hàng trong nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân áp lực dự phòng giảm đến từ: Chất lượng tài sản cải thiện. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 duy trì ở mức ổn định, trong khi nợ tái cơ cấu do COVID-19 có xu hướng giảm dần kể từ sau dịch bệnh. Bộ đệm dự phòng ngày càng lớn.
''Chúng tôi nhận thấy nhiều ngân hàng lớn đã trích lập 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, ACB, Sacombank,... Do đó, áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu này là không còn đáng kể trong năm 2022'', nhóm phân tích cho hay.
Mặt khác, ACBS nhận định các động thái kiểm soát tín dụng của Chính phủ có thể khiến nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản nhìn chung là khá lành mạnh, trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam vẫn còn rất cao. Do đó, rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hiện chưa đáng kể và nợ xấu tại lĩnh vực này vẫn duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm 2022.
Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng: (1) hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục tăng trưởng ổn định. Việc tăng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ không có tác động đáng kể lên NIM do lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng. Ngoài ra, với việc NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2%, thu nhập lãi thuần dự kiến sẽ tăng trưởng khá tốt trong nửa cuối năm 2022; (2) áp lực trích lập dự phòng giảm xuống sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng cao trong nửa cuối năm 2022.
Nhịp sống Thị trường