ACBS: Định giá cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn so với lịch sử nhưng chưa đủ thuyết phục dòng tiền ngoại trở lại
ACBS cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào một số nhóm triển vọng tích cực trong quý 4/2023 và quý 1/2024 hoặc kỳ vọng phục hồi từ định giá thấp kỷ lục.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ACBS đánh giá bối cảnh vĩ mô thế giới, đặc biệt là Mỹ đang thuận lợi cho thị trường chứng khoán, khi các tín hiệu về việc Fed và ngân hàng trung ương nhiều nước đã hoàn thành quá trình tăng lãi suất trở nên ngày càng rõ ràng. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất kể từ giữa năm 2024.
Chính sách điều hành của Việt Nam tiếp tục theo hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chỉ số vĩ mô cho thấy nền kinh tế Việt Nam phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Hai ngành có ảnh hưởng lớn nhất tới VN-Index là ngân hàng, bất động sản chưa tìm thấy động lực rõ ràng. Các chính sách hỗ trợ liên tục được ban hành và triển khai, nhưng hiệu quả lên tăng trưởng kinh tế vẫn chưa phát huy tác dụng.
Về thị trường chứng khoán, việc nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh việc cơ cấu quỹ và gia tăng bán ròng vào tháng cuối năm cùng với bối cảnh vĩ mô chưa thực sự khởi sắc khiến đà phục hồi của chỉ số gặp khó khăn.
Sức ép khi áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tác động lên các cổ phiếu trong rổ VN30, tập trung ở các cổ phiếu của tập đoàn VHM và MWG. Đồng thời, ngành ngân hàng – vốn có tỷ trọng lớn nhất trong VN30 – cũng đang được giao dịch ở nền định giá rất thấp so với lịch sử.
Tuy nhiên, khi so sánh định giá ngành ngân hàng của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, định giá của ngành ngân hàng Việt Nam không phải là quá rẻ. Vì vậy, mặc dù định giá hấp dẫn so với lịch sử, nhưng chưa đủ thuyết phục để có thể kỳ vọng về việc ngành ngân hàng sẽ thu hút dòng tiền ngoại quay trở lại khi FED bắt đầu hạ lãi suất.
Thêm vào đó, định giá nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa (mid-cap) theo cả P/E và P/B không còn rẻ. Định giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (small-cap) theo P/E cao nhất kể từ năm 2015. Do đó, có vẻ như giá cổ phiếu của nhóm này đã chạy trước và phản ánh hầu hết kỳ vọng về việc phục hồi lợi nhuận trong tương lai.
VN-Index đang kiểm chứng vùng kháng cự 1.130 -1.140 điểm, vùng kháng cự quan trọng của chỉ số. Do đó, thị trường khó có khả năng bứt phá mạnh, xu hướng chính là dao động trong biên 1.100 - 1.180 điểm.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia ACBS cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào một số nhóm triển vọng tích cực trong quý 4/2023 và quý 1/2024 hoặc kỳ vọng phục hồi từ định giá thấp kỷ lục như Bất động sản Khu công nghiệp; Xây dựng Hạ tầng & dân dụng; Dầu khí ; Phân bón & Hóa chất cơ bản; Vận tải hàng hóa & cảng biển; Công nghệ.
Riêng nhóm ngành chứng khoán, ACBS điều chỉnh xếp hạng ngành chứng khoán trong ngắn hạn từ Tích cực xuống Trung tính. Lý do chính là kỳ vọng về KRX giảm xuống. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường tháng 12/2023 không thật sự khởi sắc.