MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ách tắc thủ tục hành chính, vốn, lãi suất, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ

Tính đến cuối tháng 9/2020, lần đầu tiên kinh tế TPHCM tăng trưởng dưới 1,2% và có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội TPHCM. Theo số liệu của Cục Thuế TPHCM, tính đến cuối tháng 9 năm 2020, lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2% và có trên 27.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, tạm ngừng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của TP cũng giảm 21.000 tỷ đồng...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, khó khăn do Covid-19 tác động trực tiếp đến môi giới bất động sản. Cụ thể, hơn 800 doanh nghiệp dừng hoạt động, 923 doanh nghiệp bị dừng hoạt động trong phạm vi toàn quốc. Nhiều bất động sản, mặt bằng cho thuê phải đóng cửa hoàn toàn, các trung tâm thương mại, bất động sản du lịch không cho thuê được. Trong khi đó, các gói hỗ trợ vay vốn tín dụng của Chính phủ, của TPHCM hầu như rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được.

“Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các doanh nghiệp chỉ mong là dư nợ tín dụng giữ nguyên, không chuyển nhóm thành nợ xấu và được tiếp cận các nguồn tín dụng mới. Chúng tôi cũng đề nghị việc cho vay tín dụng nên có tiêu chí đặc thù trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Ngành dệt may, da giày... là một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất của đại dịch Covid-19. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM cho biết, riêng quý 4 năm nay, các doanh nghiệp bị giảm 50% đơn hàng, giá gia công cũng đang giảm từ 15-20%, trong khi vẫn chưa có doanh nghiệp nào của ngành dệt may được vay vốn từ gói hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, theo ông Việt, cần nới lỏng các điều kiện, thủ tục, gia hạn thêm thời gian hỗ trợ cho người sử dụng lao động; đồng thời, phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ vì tất cả đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như nhau.

“Chúng tôi mong được giảm thuế VAT xuống 5% để kích cầu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đóng thuế 10% đến cuối năm mới quyết toán. Nếu được thì cũng giảm bớt dòng tiền doanh nghiệp phải bỏ ra. Hiện nay đã không có tiền mà lại phải đóng thuế VAT trước”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.

Qua khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, nhiều doanh nghiệp mong muốn việc vay trả lương cho người lao động có thể áp dụng hình thức cho doanh nghiệp vay hậu kiểm, được Nhà nước cấp bù lãi suất. Để phục hồi hoạt động sau dịch bệnh, doanh nghiệp cũng rất cần sự tiếp sức của chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết hợp tác các chuỗi sản xuất đang hình thành và hoạt động có hiệu quả trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Capella Holdings, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 1, TPHCM, ách tắc lớn nhất hiện nay là thủ tục hành chính, nếu khơi thông được thì sẽ có dòng vốn lớn ra thị trường: “Chúng tôi chỉ mong chờ tháo gỡ thủ tục hành chính, thể hiện sự đồng hành của các sở, ban, ngành, thành phố với doanh nghiệp. Nếu khơi thông được việc này thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác”.

Trong giai đoạn sắp tới, để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright đề nghị TPHCM cũng có mục tiêu kép được đặt ở một trạng thái khác. Tức là duy trì hoạt động kinh tế bình thường - chính là sự hỗ trợ quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, đồng thời, phải nhìn về tương lai, tạo ra thế và lực mới trong 5-10 năm tới, thể hiện vai trò tiên phong, sáng tạo của TPHCM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, chăm lo cho người lao động và tạo ra nền tảng an sinh xã hội tốt.

“Chính sách hiện nay không thiếu nhưng vướng mắc lớn nhất là việc thực thi. Ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp rất rõ ràng, đó là khả năng và cơ hội tiếp cận gói hỗ trợ rất thấp. Vì vậy, đề nghị TP hình thành một nhóm chuyên trách gồm các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, doanh nghiệp và các hiệp hội, viện nghiên cứu phát triển. Nhóm này sẽ góp phần đưa ra chính sách sát sao nhất, tùy từng lĩnh vực, ngành nghề bị tác động”, TS. Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo.

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước với số lượng doanh nghiệp chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp cả nước. Nhằm góp phần hạn chế tối đa tác động của suy thoái kinh tế và tạo sự bứt phá trong phát triển, thời gian tới những vấn đề chính sách kinh tế của TP nếu liên quan đến ngành nào thì TP sẽ mời các hội ngành nghề đó có ý kiến. Đồng thời, UBND TP sẽ yêu cầu các sở, ban ngành cần quan tâm hơn nữa để tháo gỡ các vướng mắc.

“Về phía TP, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền và sự phối hợp giữa các ngành thì chúng tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ quyết liệt sửa chữa. Thời gian qua đã có những chuyển động nhưng vẫn chưa như mong muốn. Hiện TPHCM đang nỗ lực phát triển Hội đồng ngành. Sắp tới, tôi đề nghị chúng ta cùng hợp tác để làm việc này”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết.

Sự tác động của dịch bệnh là rất lớn, song cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của các doanh nghiệp thành phố. Theo Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, đến cuối tháng 9/2020, có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, cùng với đó, có hơn 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng. Để đón làn sóng đầu tư dịch chuyển, ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, đây là một xu thế và TPHCM đang nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn. Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, thành phố cũng không quên đội ngũ doanh nghiệp trong nước và sẽ tạo điều kiện xây dựng thành các tập đoàn lớn đủ sức cạnh tranh. Về gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, TPHCM sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành phố sớm tiếp cận nguồn vốn.

Theo Ngọc Xuân

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên