Activist investor - Làn sóng mới đang tràn tới châu Âu
Sự xuất hiện của các quỹ Third Point, Corvex và Elliott ở châu Âu chỉ là sự khởi đầu của 1 làn sóng mới...
- 29-07-2017Tương lai của một quỹ đầu tư 32 tỷ USD đang được đánh cược vào một nhà quản lý quỹ mới ngoài 30 tuổi
- 27-06-2017Ván bài mới của ông trùm quỹ đầu cơ ở tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới
- 07-06-2017Vì sao các quỹ đầu cơ không quan tâm đến bitcoin?
Tháng 8 vừa qua, khi cả châu Âu đang say sưa với kỳ nghỉ, một loạt công ty của “lục địa già” đã bị bao vây bởi người Mỹ. Quỹ đầu cơ Corvex Manangement của Mỹ đã thâu tóm 400 triệu USD cổ phần của Danone, 1 ông lớn trong ngành thực phẩm đến từ nước Pháp. AkzoNobel, công ty hóa chất Hà Lan thì đứng trước áp lực nặng nề từ Elliott Advisors và phải đồng ý bổ nhiệm thêm 3 giám đốc mới vào hội đồng quản trị. Ở Thụy Sĩ cũng diễn ra 1 cuộc chạm trán: quỹ đầu cơ Third Point của tỷ phú người Mỹ Daniel Loeb đang tìm cách can thiệp vào Nestle. Ông chủ mới của công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, Ulf Mark Schneider, đang đứng trước áp lực rất lớn và buộc phải trình ra kế hoạch cải tổ cụ thể với nhà đầu tư vào tháng sau.
Những cuộc ẩu đả như vậy hiếm khi xảy ra ở châu Âu. Tuy nhiên, đến nay thời thế đã khác khi mà các cổ đông chủ động đang trỗi dậy, hối thúc toàn bộ cổ đông đưa ra những yêu cầu khắt khe về chuyện cải tổ doanh nghiệp. Armand Grumberg, một luật sư chuyên về các vụ M&A đang làm việc ở Paris, thống kê có tới 70 chiến dịch như vậy nổ ra ở châu Âu trong năm ngoái. Ông dự báo năm nay con số sẽ tăng lên.
Nhà đầu tư chủ động (activist investor) là những quỹ hoặc 1 cá nhân riêng lẻ dù chỉ nắm 1 lượng nhỏ cổ phần nhưng luôn ráo riết thực hiện những chiến dịch vận động các cổ đông còn lại ủng hộ các yêu cầu có lợi cho cổ đông. Thời gian gần đây, nhóm này hoạt động mạnh mẽ ở châu Âu bởi một vài lý do.
Đầu tiên, các quỹ đầu tư chủ động của Mỹ đang gặp khó khi tìm kiếm các mục tiêu ở quê nhà. Do đó họ hướng đến các công ty ở nước ngoài và những công ty châu Âu có giá khá rẻ trở thành “con mồi” hấp dẫn. Mô hình quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp châu Âu cũng được cho là chín muồi để bị phá vỡ. Trong khi người Mỹ nghĩ rằng hội đồng quản trị phải đặt lợi ích của cổ đông lên trước nhất, châu Âu (được hậu thuẫn bởi tòa án) lại cho rằng nên để ý đến lợi ích của nhân viên công ty, các chủ nợ và nhà cung ứng.
Không chỉ người Mỹ nhìn thấy cơ hội. Mới đây quỹ có trụ sở ở London The Children’s Investment Fund đã thực hiện thành công chiến dịch hối thúc công ty cung cấp linh kiện hàng không đến từ nước Pháp Safran hạ giá chào mua Zodiac, công ty chuyên sản xuất ghế và toilet trên máy bay. Ở phía bên kia của thương vụ, quỹ đầu tư chủ động có tên CIAM đã rót tiền vào Zodic và theo đuổi thương vụ M&A với Safran.
CIAM là 1 quỹ mới nổi lên trong mấy năm trở lại đây. Năm 2013, CIAM phản đối thương vụ bán công ty du lịch Club Med mà nó có sở hữu cổ phần, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đến từ Trung Quốc Fosun International nhập cuộc với giá cao hơn. CIAM cũng thực hiện chiến dịch vận động buộc Disney phải trả nhiều tiền hơn cho các cổ đông ở Euro Disney.
Đức vừa đưa ra luật doanh nghiệp mới khuyến khích các nhà đầu tư chủ động. Theo luật này quy định, các nhà đầu tư định chế “được kỳ vọng sẽ thực hiện quyền sở hữu của mình 1 cách chủ động”. Cevian Capital, 1 quỹ đầu tư chủ động lớn đến từ Thụy Điển, mới đây đã tăng cường thâu tóm cổ phần ở tập đoàn thép ThyssenKrupp (Đức). Một nhà đầu tư chủ động khác là Knight Vinke thì cố gắng gây xáo trộn ở tập đoàn năng lượng E.ON. Sở hữu 7% cổ phần của hãng dược Stada, quỹ đầu tư của Đức Active Ownership Capital đã thành công trong việc tạo ra những sự thay đổi lớn trong hội đồng quản trị, ban lãnh đạo cũng như chiến lược kinh doanh của hãng.
Châu Âu có thể là 1 mảnh đất màu mỡ còn nhiều tiềm năng để khai thác, nhưng các nhà đầu tư chủ động vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định ở thị trường này. Thông thường thì người châu Âu luôn muốn tránh phương pháp tiếp cận thô bạo đậm phong cách Mỹ mà các nhà đầu tư chủ động áp dụng. Do đó điều quan trọng là tránh bị coi là “hung hăng, hiếu chiến”.
Bên cạnh đó, ở nhiều nước châu Âu luật quản trị doanh nghiệp vẫn gây ra nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư chủ động. Ở Đức có tới 2 tầng hội đồng quản trị, bởi vậy 1 nhà đầu tư có được ghế trong hội đồng kiểm soát chưa chắc sẽ có tầm ảnh hưởng lớn. Còn ở Pháp các cổ đông dài hạn có thể tăng gấp đôi quyền bỏ phiếu.
Tuy nhiên, chiến thắng sẽ dành cho những nhà đầu tư đã quen với những đặc trưng trong văn hóa doanh nghiệp châu Âu. Theo Kay Bommer, chuyên gia đến từ nhóm vận động hành lang DIRK đại diện cho hơn 300 công ty niêm yết ở Đức, một số nhà đầu tư thông minh cố gắng tận dụng sự khác biệt trong quan điểm của hội đồng quản trị và hội đồng kiểm soát trong các doanh nghiệp Đức. Còn ở Pháp, những nhà đầu tư chủ động có tầm nhìn dài hạn sẽ tận dụng được quyền bỏ phiếu gấp đôi.
Active Ownership Capital cho biết họ chẳng bao giờ thiếu mục tiêu hấp dẫn, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô từ 1 đến 5 tỷ euro ở Đức, Italy, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. AOC nhìn thấy “khoảng 1.000 công ty” có thể trở thành mục tiêu tấn công ở Đức và các nước thuộc vùng Scandinavi và Benelux.