MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ACV: Rắc rối về đàm phán tài sản khu bay, hoãn bảo trì đường băng… sẽ không tác động đến KQKD 2019

24-09-2019 - 09:27 AM | Doanh nghiệp

Nhiều khả năng đề xuất được chấp thuận sẽ là các khối tài sản này (đường lăn, đường cất cánh) sẽ thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng ACV được phép quản lý và chịu trách nhiệm về toàn bộ lợi nhuận cũng như chi phí liên quan. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có đủ yếu tố pháp lý để tiến hành bảo trì các đường băng, và đường lăn bị xuống cấp tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất (dự kiến triển khai vào mùa thu 2020).

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao việc Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) có đề xuất mua lại tất cả các cổ phiếu giao dịch tự do của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UpCOM: ACV), biến doanh nghiệp này từ CTCP trở lại thành công ty Nhà nước.

Nhiều phản hồi được đưa ra, hầu hết phản đối việc quốc hữu hoá trở lại nói trên do đi ngược xu hướng cổ phần hoá nói chung; đến ngày 5/9, Bộ có xác nhận lại đề xuất ACV trở thành doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ không xảy ra cho đến năm 2025; đây đồng thời chỉ là một trong ba đề xuất trình Thủ tướng trong quá trình hoàn thiện đề án khu bay.

Mặc dù vậy, thông tin trên vẫn tác động tiêu cực đến giới đầu tư tài chính, thị giá cổ phiếu ACV theo đó giảm mạnh xuống dưới mốc 70.000 đồng/cp; hiện dần hồi phục về mức 76.400 đồng/cp.

Theo phân tích của CTCK HSC, ACV là doanh nghiệp độc quyền sở hữu 22 cảng hàng không và đang vận hành 21 cảng tại Việt Nam, trong đó có hai cảng hàng không trọng điểm lớn nhất là Nội Bài và Tân Sân Nhất. Vị thế trên cho phép Công ty tận dụng sự phát triển nhanh chóng và ổn định của ngành hàng không tại Việt Nam; số lượng hành khách trung chuyển qua các cảng của ACV đang chiếm tới 88,5% tổng số hành khách tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, 4 cảng hàng không đóng góp chủ lực cho doanh thu và lợi nhuận của ACV là Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Tân Sân Nhất đều đang quá tải. Trong đó, đặc biệt là Nội Bài (hoạt động 120% công suất thiết kế) và Tân Sân Nhất (hoạt động 136% công suất thiết kế).

Cuối năm 2019, ACV khả năng sẽ được quản lý, tự cân đối thu chi với các tài sản khu bay

Sự quá tải của hạ tầng nhà ga, cùng với việc các tài sản khu bay (đường lăn, đường cất hạ cánh) vẫn thuộc quyền sở hữu Nhà nước và đang xuống cấp do vận hành quá công suất làm kìm hãm khả năng tăng trưởng của ACV, CTCK HSC nhận định. Theo đó, ACV đã đề xuất tự sử dụng nguồn lực doanh nghiệp để tiến hành bảo dưỡng và tu sửa các hạng mục cần thiết (đường lăn, đường cất hạ cánh), tuy nhiên những ràng buộc về cơ chế khiến đề án này vẫn chưa được thông qua.

ACV đang tiếp tục làm việc với Chỉnh phủ và Bộ GTVT về đề xuất quản lý tài sản khu bay. Nhiều khả năng đề xuất được chấp thuận sẽ là các khối tài sản này (đường lăn, đường cất cánh) sẽ thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng ACV được phép quản lý và chịu trách nhiệm về toàn bộ lợi nhuận cũng như chi phí liên quan. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có đủ yếu tố pháp lý để tiến hành bảo trì các đường băng, và đường lăn bị xuống cấp tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất (dự kiến triển khai vào mùa thu 2020).

CTCK HSC cũng dự kiến đề án trên sẽ được thông qua vào cuối năm nay, trong đó các tài sản vẫn sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước, song ACV sẽ được phép quản lý và tự cân đối thu chi với các tài sản trên. ACV cũng sẽ tài trợ vốn đầu tư cho các hạng mục cần thiết, và các tài sản này sẽ được hạch toán như một khoản ngoại bảng với ACV.

Còn với đề xuất quốc hữu hoá trở lại ACV là không khả thi dựa trên xu thế cổ phần hoá nói chung, và chi phí có thể dẫn tới khi mua lại lượng cổ phiếu ACV đã bán ra (khoảng 7.000 tỷ đồng).

Sau khi kết thúc đàm phán về các tài sản khu bay, ACV sẽ tiến hành chuyển sàng niêm yết sang HSX, sớm nhất là đầu năm 2020. Đây sẽ là những triển vọng giúp ACV tăng trưởng mạnh trở lại, tromg bối cảnh được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng của toàn ngành.

Rắc rối về đàm phán tài sản khu bay sẽ chưa tác động đến KQKD 2019

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, ACV đã phục vụ 50,8 triệu lượt hành khách, trong đó 72,8% là khách nội địa, 27,2% là khách quốc tế. Con số này so với cùng kỳ năm 2018 tăng trưởng 2,2% về tổng lượng hành khách, 7,5% về khách nội địa, tuy nhiên sụt giảm 9,7% về khách quốc tế.

Sự tăng trưởng của ACV chậm hơn tăng trưởng tổng lượng hành khách (57,4 triệu lượt khách) do 2 cảng hàng không Đà Nẵng và Cam Ranh tiến hành chuyển đổi hành khách sang các nhà ga quốc tế mới.

Riêng tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế có sự sụt giảm tương đối mạnh so với cùng kỳ, giới phân tích đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu như:

(1) Nhà nước tăng cường quản lý các tour du lịch 0 đồng và tình hình kinh tế suy giảm ở Trung quốc làm cho tăng trưởng khách du lịch giảm mạnh. Được biết, tăng trưởng khách du lịch Trung Quốc giảm về mức 23,9% trong năm 2018 (từ mức 48,3% trong năm 2017) và chuyển sang tăng trưởng âm 1% trong 8 tháng đầu năm 2019;

(2) tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân từ Hàn Quốc trong 3 năm gần đây là 46,6%, đây là một mức tăng rất cao vì vậy khó có thể duy trì mức tăng cao như vậy trong thời gian dài.

Triển vọng thời gian tới, ACV sẽ tiếp tục hưởng lợi từ ngành hàng không với sản lượng hành khách và hàng hóa dự báo tăng CAGR 9% và 18% tới năm 2021. Ngoài ra, việc bảo trì đường băng được hoãn sang năm 2020 do các rắc rối về đàm phán tài sản khu bay cũng sẽ chưa tác động tới kết quả kinh doanh của ACV trong năm 2019.

ACV: Rắc rối về đàm phán tài sản khu bay, hoãn bảo trì đường băng… sẽ không tác động đến KQKD 2019 - Ảnh 2.

Mặt khác, phí dịch vụ hành khách nội địa đã tăng từ tháng 7/2018 và vẫn giữ nguyên trong năm 2019. Tuy nhiên, nếu tính tác động cả năm 2019 so với năm 2018, phí dịch vụ hành khách nội địa bình quân vẫn sẽ tăng 9,3%. Phí dịch vụ này bao gồm các chi phí an ninh soi chiếu, phục vụ hành khách, ...). Việc phí dịch vụ tăng sẽ góp phần cải thiên biên lãi gộp cho ACV so với năm 2018.

Tài sản tại khu hoạt động bay vẫn thuộc về Nhà nước sau khi cổ phần hóa ACV dẫn tới ACV không thực hiện được các công tác duy tu bảo dưỡng cần thiết. Hiện, các đường băng ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã xuống cấp và có thể đe dọa an toàn bay. Vì vậy, ACV và Bộ GTVT đã đàm phán thống nhất các phương án cũng như đã trình lên Chính phủ để có thể sớm sửa chữa và bảo trì khu bay.

Ba phương án được Bộ GTVT trình lên gồm:

(1) Chính phủ sẽ cho thuê khu bay và ACV sẽ phải trả phí thuê hàng năm cho Nhà nước. Chi phí đầu tư và sửa bảo trì khu bay sẽ do Chính phủ đảm nhận;

(2) ACV sẽ tham gia đấu thầu và trả trước một lần cho các tài sản khu bay. ACV chịu tránh nhiệm vận hành, đầu tư và bảo trì các tài sản khu bay;

(3) Nhà nước nâng tỷ lệ sở hữu ACV lên 100% và nhà nước giao khu bay cho ACV quản lý và vận hành.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên