MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ACV thay đổi đánh giá, kiến nghị giảm 3 lần tổng mức đầu tư sân bay Điện Biên

Sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ACV tính toán lại Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên, ACV đã kiến nghị giảm khoảng 3 lần cả về quy mô và tổng vốn đầu tư dự án này.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên . Trong đó, kiến nghị giảm khoảng 3 lần cả về quy mô và tổng mức đầu tư so với kế hoạch mà ACV đưa ra vào cuối năm 2019.

Cụ thể, ACV đề xuất xây mới đường cất hạ cánh (CHC) của Cảng hàng không Điện Biên với kích thước 2400 x 45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo 1 vị trí đỗ ATR72 và 2 vị trí đỗ A320/A321.

Tại khu hàng không dân dụng, trước mắt chỉ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu mà chưa xây mới, đáp ứng công suất dự kiến đạt 500.000 hành khách/năm.

Trên cơ sở quy mô dự kiến đầu tư (tính đồng bộ cả đường lăn, sân đỗ ô tô, hệ thống dẫn đường…), tư vấn lập sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.539 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Trong đó, chi phí đầu tư khu bay gần 1.000 tỷ đồng, khu hàng không dân dụng hơn 256 tỷ đồng, số còn lại là chi phí dự phòng.

Như vậy, so với tổng mức đầu tư dự kiến mà ACV đưa ra cho Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Điện Biên hồi năm 2019 là 4.787 tỷ đồng, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh đã giảm khoảng 3 lần. Tương tự, công suất dự kiến cũng giảm 4 lần từ 2 triệu hành khách/năm xuống còn 500.000 hành khách năm do không đầu tư xây mới nhà ga.

Covid-19 đã làm thay đổi quy mô vận tải hàng không

Lý giải về đề xuất trên, ACV cho rằng, để đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác, chất lượng dịch vụ.

Với việc đánh giá quy mô và khả năng phát triển dân số tại địa phương và dự báo tăng trưởng của thị trường cũng như năng lực khai thác, phát triển các tuyến và mạng đường bay đi và đến Điện Biên, việc đầu tư ngay nhà ga công suất 2 triệu hành khách/năm theo quy hoạch là chưa phù hợp.

Đồng thời, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 làm thay đổi mạnh về quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không Việt Nam.

Việc đầu tư nhà ga hành khách công suất 2 triệu hành khách/năm theo quy hoạch được phê duyệt vào năm 2019 sẽ tiếp tục được ACV nghiên cứu và đề xuất xây dựng trên cơ sở sản lượng khai thác khu bay mới được đầu tư xây dựng.

Trên cơ sở phân tích về sản lượng hành khách và quy mô đầu tư, đơn vị tư vấn kiến nghị 2 phương án đầu tư.

Phương án 1, ACV đầu tư toàn bộ khu bay và khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp trên cơ sở đất sạch được UBND tỉnh Điện Biên thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao.

Phương án 2, ACV đầu tư khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp trên cơ sở đất sạch được UBND tỉnh Điện Biên giải phóng mặt bằng, bàn giao; tỉnh Điện Biên đầu tư khu bay bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giao cho ACV khai thác.

"Trong 2 phương án này, để đảm bảo tính khả thi, ACV kiến nghị đầu tư theo phương án 1.

Ngày 29/7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương làm rõ các ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, luận cứ cơ sở pháp lý của việc giao ACV đầu tư khu bay (ví dụ như việc đầu tư mới đường cất hạ cánh không ảnh hưởng đến tài sản công thuộc khu bay hiện hữu, pháp luật hiện hành không cấm doanh nghiệp đầu tư mới khu bay,...). Đồng thời, cần tính toán hiệu quả đầu tư, khai thác toàn hệ thống các cảng hàng không do ACV đang quản lý.

Phó thủ tướng yêu cầu ACV tính toán, có ý kiến chính thức gửi Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) tại doanh nghiệp về năng lực đầu tư cảng hàng không Điện Biên, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, CMSC cho rằng, Bộ GTVT cần làm rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay của cảng hàng không Điện Biên. Việc đầu tư nhà ga theo quy mô mới phải nêu rõ theo tính toán hiện nay sẽ không sử dụng hết công suất; việc đầu tư dự án không hiệu quả về tài chính.

Mức công suất nhà ga dự kiến 2 triệu hành khách/năm mà ACV đưa ra, gấp 7 lần công suất hiện tại và gấp 35 lần sản lượng khai thác thực tế của năm 2019 chưa thực sự phù hợp, đặc biệt chưa rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay thuộc tài sản công do Bộ GTVT quản lý, chưa đảm bảo việc đầu tư đồng bộ.

Ngoài ra, CMSC cũng cho rằng, hiệu quả tài chính của dự án này chỉ đạt IRR 6%, NPV là – 321 triệu đồng, thời gian hoàn vốn hơn 50 năm cho thấy công trình không có hiệu quả tài chính.

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên