MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ADB: 70% việc làm bị mất vì COVID-19 sẽ ở châu Á

Thu nhập của lao động trên toàn thế giới sẽ giảm từ 1,2 nghìn tỷ tới 1,8 nghìn tỷ USD vì COVID-19 – 30% trong số đó sẽ thuộc về các nền kinh tế trong khu vực châu Á, tương đương từ 359 tới 559 tỷ USD.

Nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại từ 5,8 nghìn tỷ tới 8,8 nghìn tỷ USD—tương đương 6,4% tới 9,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu — do đại dịch gây ra bởi vi-rút co-ro-na chủng mới (COVID-19), theo nhận định trong một báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hôm nay.

Báo cáo Cập nhật Đánh giá về Tác động kinh tế tiềm tàng của COVID-19 nhận thấy rằng những tổn thất về kinh tế ở Châu Á và Thái Bình Dương có thể dao động từ 1,7 nghìn tỷ USD trong kịch bản ngăn chặn ngắn với thời gian 3 tháng lên tới 2,5 nghìn tỷ USD trong kịch bản ngăn chặn dài trong 6 tháng, với khu vực này chiếm khoảng 30% tổng mức sụt giảm sản lượng toàn cầu. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thể bị tổn thất tư 1,1 nghìn tỷ tới 1,6 nghìn tỷ USD. Phân tích mới đã cập nhật những kết quả được trình bày trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020 công bố ngày 3 tháng 4, trong đó ước tính thiệt hại toàn cầu do COVID-19 có thể dao động từ 2 nghìn tỷ tới 4,1 nghìn tỷ USD.

Các chính phủ trên khắp thế giới đã hành động nhanh chóng trước những tác động của đại dịch, thực thi các biện pháp như nới lỏng tài chính và tiền tệ, tăng chi tiêu cho y tế và hỗ trợ trực tiếp để bù đắp những thiệt hại về thu nhập và doanh thu. Các nỗ lực được duy trì bởi chính phủ, tập trung vào những biện pháp này, có thể làm giảm bớt tác động về kinh tế của COVID-19 ở mức từ 30% tới 40%, theo nhận định của báo cáo. Điều này có thể làm giảm tổn thất kinh kế toàn cầu do đại dịch trong khoảng từ 4,1 nghìn tỷ tới 5,4 nghìn tỷ USD.

ADB: 70% việc làm bị mất vì COVID-19 sẽ ở châu Á - Ảnh 1.

Sử dụng mô hình cân bằng tổng thể khả toán – Dự án Phân tích thương mại toàn cầu, phân tích này bao quát 96 nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của đại dịch với hơn 4 triệu người nhiễm COVID-19. Bên cạnh các cú sốc đối với du lịch, tiêu dùng, đầu tư, cũng như các liên kết sản xuất và thương mại như đã đề cập trong các dự báo của ADO 2020, báo cáo mới cũng bao quát các kênh truyền dẫn, như sự gia tăng chi phí thương mại tác động tới việc di chuyển, du lịch và các ngành nghề; sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang có tác động tiêu cực tới sản lượng và đầu tư; và những chính sách ứng phó của chính phủ giúp giảm thiểu ảnh hưởng do tác động kinh tế toàn cầu của đại dịch COVID-19.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, chia sẻ: "Phân tích mới này trình bày một bức tranh tổng thể về tác động kinh tế tiềm tàng to lớn của COVID-19. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những can thiệp chính sách nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại đối với các nền kinh tế. Những phát hiện này có thể cung cấp định hướng chính sách phù hợp cho các chính phủ, khi họ xây dựng và thực thi những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, cũng như giảm nhẹ tác động của đại dịch tới nền kinh tế và người dân của mình".

ADB: 70% việc làm bị mất vì COVID-19 sẽ ở châu Á - Ảnh 2.

Dữ liệu Chính sách COVID-19 của ADB cung cấp thông tin chi tiết về những biện pháp kinh tế then chốt mà các quốc gia thành viên của ADB đang tiến hành trong cuộc chiến chống đại dịch.

Theo các kịch bản ngăn chặn ngắn hạn và dài hạn, báo cáo lưu ý rằng những biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và phong tỏa mà các nền kinh tế nơi dịch bùng phát đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 nhiều khả năng khiến thương mại toàn cầu sụt giảm từ 1,7 nghìn tỷ tới 2,6 nghìn tỷ USD. Toàn cầu sẽ giảm từ 158 triệu tới 242 triệu việc làm, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 70% tổng số việc làm bị mất. Thu nhập của lao động trên toàn thế giới sẽ giảm từ 1,2 nghìn tỷ tới 1,8 nghìn tỷ USD – 30% trong số đó sẽ thuộc về các nền kinh tế trong khu vực châu Á, tương đương từ 359 tới 559 tỷ USD.

Bên cạnh việc tăng chi tiêu cho y tế và tăng cường các hệ thống y tế, sự bảo vệ mạnh mẽ đối với thu nhập và việc làm là hết sức cần thiết để tránh được công cuộc phục hồi kinh tế kéo dài và khó khăn hơn. Các chính phủ cần quản lý sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tăng cường thương mại điện tử và logistics để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; tài trợ cho các biện pháp bảo hộ xã hội tạm thời, trợ cấp thất nghiệp, và phân phối các hàng hóa thiết yếu – đặc biệt là lương thực – để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh mẽ hơn trong tiêu dùng, theo nhận định của báo cáo.

Hoàng An

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên