MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ADB: Cho dù chiến tranh thương mại đi theo kịch bản nào thì Việt Nam đều được hưởng lợi!

Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á 2019 đã đưa ra những dự báo tươi sáng cho nền kinh tế Việt Nam cho dù xu thế chung của thế giới đang là suy giảm tăng trưởng.

Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam đánh giá: Tăng trưởng tiếp tục thể hiện toàn diện cả ở tiêu dùng cá nhân, công nghiệp chế biến, nguồn vốn FDI, môi trường kinh doanh được hỗ trợ bởi cải cách và đầu tư tư nhân. CPTPP sẽ là một điểm nhấn, cùng với việc kỳ vọng phê chuẩn EVFTA và các hiệp định khác sẽ là nền tảng để mở rộng thương mại.

Ông Nguyễn Minh Cường là tác giả chính của chương viết về Việt Nam trong báo cáo, về những diễn biến kinh tế gần đây cũng như triển vọng và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Đánh giá kinh tế Việt Nam trong 2018 và quý I 2019 vừa qua, ông Nguyễn Minh Cường ghi nhận những nỗ lực và thành quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam tăng trưởng mạnh kỷ lục trong vòng 11 năm với tốc độ 7.08% và đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong ba tháng đầu năm 2019. Nhìn rộng ra, nguồn lực tăng trưởng đồng đều cả về phía cung và phía cầu. 

Về phía cung, ba nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng mạnh. Nông nghiệp tăng trưởng 3,8%. Đặc biệt, thủy sản là một trong những lĩnh vực thành công nhất với tăng trưởng 6,5%. Việc Việt Nam du nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu là một tín hiệu đáng mừng. Công nghiệp xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế tạo và dịch vụ đều tăng trưởng tích cực.Trong ba tháng đầu năm 2019 tuy xu hướng có giảm nhẹ nhưng tốc độ tăng vẫn còn mạnh.

Về phía cầu, có thể thấy xuất khẩu năm 2018 duy trì thặng dư trên 7 tỷ USD. Các ngành chủ lực đều xuất khẩu mạnh. Ba tháng đầu năm 2019, Việt Nam có thặng dư thương mại trên 500 triệu USD. Thu hút FDI cũng là động lực cho tăng trưởng. Năm 2018, Việt Nam thu hút được 35 tỷ USD. Ba tháng đầu 2019 vốn FDI cũng tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức độ giải ngân quý I trên 4 tỷ USD. Sức tiêu dùng nội địa tăng trên 7%, ngành bán sỉ và lẻ đều tăng mạnh. Tín hiệu này đã cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam không còn dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng.

Về ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới 4% bởi bốn lí do. Thứ nhất các biện pháp kiểm soát của chính phủ, đặc biệt là kiểm soát nguồn tín dụng. Thứ hai là tín dụng đầu tư đang tập trung vào các lĩnh vực hạn chế rủi ro. Thứ ba là sức ép lên đồng nội tệ giảm do FED không tăng lãi suất. Cuối cùng là giá dầu thế giới có xu hướng chững lại.

Lãi suất cũng được duy trì ổn định, tỷ giá VND không biến động nhiều so với các đồng tiền trong khu vực do chính phủ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giải ngân FDI tăng mạnh cung cấp ngoại tệ và FED không tăng lãi suất.

Về triển vọng kinh tế trong năm 2019 và năm 2020, ông Cường cho biết: tính chung toàn bộ khu vực châu Á, tăng trưởng kinh tế giảm từ 5,9% xuống 5,7% trong năm 2019 và 5,6% trong năm 2020. Đông Á sẽ suy giảm về mặt tăng trưởng từ 6% xuống còn 5,8% (năm 2019) và 5,7% (năm 2020). Đông Nam Á sẽ suy giảm nhẹ còn 4,9% (năm 2019) và 5% (năm 2020). Nam Á là khu vực hiếm hoi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Từ 6,7% trong năm 2018, họ sẽ tăng lên 6,8% trong năm nay và 6,9% trong năm 2020.

Việt Nam cho dù tăng trưởng giảm nhẹ nhưng vẫn là một trong những quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á.

Lạm phát dự báo sẽ được kiểm soát, có thể tăng nhẹ trong năm 2019, khoảng 3,5 % và năm 2020 khoảng 3,8% do điều chỉnh giá của các mặt hàng do nhà nước quản lý.

Báo cáo cũng dự báo tình hình chiến tranh thương mại có thể diễn ra theo 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất là hai bên Trung Mỹ sẽ duy trì quan hệ như hiện tại và không có thêm động thái mới. Kịch bản thứ hai là Mỹ sẽ chính thức áp 200 tỷ USD thuế. Và kịch bản thứ ba là chiến tranh thương mại sẽ lan rộng sang cả các khu vực khác. 

Nhìn chung kinh tế Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi 2% GDP nhưng phụ thuộc nhiều yếu tố. Tùy vào việc chiến tranh thương mại sẽ diễn biến theo kịch bản nào, xuất khẩu Việt Nam có thể tăng 5,8%, 7,3% và 7% theo thứ tự. Tuy nhiên những lợi ích này sẽ không thể hiện ngay trong ngắn hạn mà là trung hạn.

Rủi ro từ các yếu tố bên ngoài bao gồm hai khía cạnh. Tác động chuyển hướng thương mại sẽ bị loãng và giảm đi nhiều do các nền kinh tế lớn giảm tốc, Mỹ, EU và Nhật đều giảm. Sự suy thoái toàn cầu mang tính chu kỳ xảy ra cùng lúc với chiến tranh thương mại sẽ khiến tác động của hai sự kiện này đan xen lẫn nhau. 

Những rủi ro bên trong của Việt Nam là sự liên kết của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với doanh nghiệp FDI. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân là doannh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đủ khả năng để liên kết hiệu quả với doanh nghiệp FDI. Các ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động chưa hiệu quả. Rủi ro sẽ thực sự xảy ra nếu Việt Nam không tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Khó khăn thách thức về mặt chính sách cho thấy các thành tích hội nhập chuỗi giá trị chủ yếu là do khu vực FDI. Khu vực tư nhân trong nước hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, công nghệ mới.

Cách khắc phục ADB khuyến nghị là Việt Nam cần tăng cường vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường trình độ người lao động và năng lực của các cấp quản lý.

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên