Adidas vừa phải đóng cửa 2 nhà máy sản xuất giày bằng robot vì vừa đắt vừa kém linh hoạt hơn so với thuê gia công ở Trung Quốc và Việt Nam
Nhà máy robot của Adidas được cho là đắt đỏ và gây khó khăn hơn trong việc mở rộng công nghệ cho các dòng sản phẩm khác.
Adidas lên kế hoạch đóng 2 nhà máy robot công nghệ cao tại Đức và Mỹ mà họ mở với mục tiêu mang các sản phẩm gần với khách hàng hơn. Lý do của động thái này được cho là bởi một vài công nghệ nếu được triển khai ở châu Á sẽ "kinh tế và linh hoạt hơn".
Các nhà máy robot của Adidas được mở một phần nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển nhanh hơn những mẫu mới đến các thị trường lớn và để đối phó với tình trạng lương tăng tại châu Á cũng như phí vận chuyển tăng. Ban đầu, họ lên kế hoạch tạo ra một mạng lưới toàn cầu những nhà máy tương tự như vậy.
Công ty này không nói chi tiết tại sao họ lại đóng cửa 2 nhà máy kể trên – nhưng theo đánh giá của một vài chuyên gia phân tích, nó đắt đỏ và gây khó khăn hơn trong việc mở rộng công nghệ cho các dòng sản phẩm khác.
Martin Shankland – Chủ tịch hoạt động toàn cầu của Adidas nói rằng các nhà máy đã giúp công ty cải thiện chuyên môn trong sản xuất sáng tạo nhưng áp dụng những gì học được với các nhà cung ứng sẽ "linh hoạt và kinh tế hơn".
Adidas bắt đầu sản xuất giày bằng robot ở Speedfactory tại Ansbach, Đức vào năm 2016 và mở một nhà máy khác tại Atlanta vào năm 2017.
Được thành lập bởi Adi Dassler vào năm 1949, Adidas đã chuyển hầu hết hoạt động sản xuất từ châu Âu sang châu Á và hiện nay họ phụ thuộc vào hơn 1 triệu công nhân tại các nhà máy gia công ở Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, Adidas nói vào hôm thứ 2 rằng 2 nhà máy robot kể trên sẽ chấm dứt hoạt động vào tháng 4/2020 và tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ mới tại hai nhà cung ứng châu Á.
Trí Thức Trẻ/Reuters