[Admin]Giao lưu trực tuyến: Tài chính tiêu dùng rất quan trọng nhưng chưa phát triển xứng tầm
Tọa đàm trực tuyến với sự tham gia trả lời của các diễn giả: TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế tài chính; TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân; Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch HĐTV công ty luật Basico; Đại diện của Ngân hàng Nhà nước và Đại diện công ty tài chính Fe Credit.
Trước hết phải hiểu thế nào là tài chính tiêu dùng? Đây là phạm trù rộng bao gồm Tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính cho vay 1 phần chứng khoán, bảo hiểm…
Ở đây cụ thể là tín dụng tiêu dùng. Đối với người dân, tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày, đặc biệt cũng làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.
Đối với Doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DNNVV, có 2 tác động: (1) đáp ứng nhu cầu về vốn cho các DNNVV khó tiếp cận vốn, (2) giúp các DN này quay vòng đồng vốn thúc đẩy SXKD.
Đối với nền kinh tế, có 3 tác động: (1) Tích cực phát triển KTXH, thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt tiêu dùng cá nhân hiện chiếm 67-68% GDP (2) Góp phần phát triển thị trường tài chính (3) Góp phần giảm tệ nạn tín dụng đen.
Về quy mô, vai trò của CTTC. Quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đến 30/6/2017 khoảng 744 nghìn tỷ chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ cho vay của các CTTC khoảng 97 nghìn tỷ, chiếm 13% tổng dư nợ tiêu dùng, đóng góp việc làm cho XH, có khoảng 30 nghìn nhân viên trong các công ty tài chính.
Như vậy cho vay tiêu dùng có vai trò quan trọng là phần kết nối thị trường tài chính lớn và tiêu dùng cá nhân, tăng sự hiểu biết của người dân và DN, đặc biệt là giảm tín dụng đen.
Tôi rất đồng tình với quan điểm của anh Lực. Tài chính tiêu dùng là một mảng rất lớn và trong đó một phần rất quan trọng là tài chính cá nhân. Sau một thời gian nghiên cứu tại Mỹ, tôi nhận thấy rằng:
Tại Mỹ, tín dụng tiêu dùng được quan niệm tất cả những khoản vay để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình (không bao gồm vay để mua nhà).
TS. Đỗ Hoài Linh
Cũng như các nước phát triển khác, hoạt động cho vay tiêu dùng ở Mỹ rất phát triển. Năm 1996 dư nợ của mảng hoạt động này là hơn 1.200 tỷ USD thì đến năm 2016 dư nợ lên đến 4.100 tỷ USD, như vậy trong 20 năm thì quy mô của mảng hoạt động tăng 3,4 lần. Sự phát triển này đến từ nhiều lý do:
Thứ nhất, Tại bất kỳ thời điểm nào trong xã hội luôn có những cá nhân/hộ gia đình mong muốn có một lượng tài chính hỗ trợ từ bên ngoài để thỏa mãn tốt hơn các nhu cầu cuộc sống của mình;
Thứ hai, Hệ thống pháp luật liên quan đến mảng hoạt động tín dụng tiêu dùng rất chặt chẽ, đặc biệt là những đạo luật về bảo vệ khách hàng tín dụng tiêu dùng. Hiện tại, Mỹ đang có 8 đạo luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền lợi khách hàng tín dụng tiêu dùng, các đạo luật này rất chi tết và cụ thể với nội dung nổi bật là các nhà cung cấp sản phẩm tài chính tiêu dùng phải công khai các thông tin liên quan đến sản phẩm, các điều khoản của hợp đồng, lãi suất, phí suất… tới mọi khách hàng.
Ngoài ra, chống phân biệt đối xử, không được tiết lộ thông tin của khách hàng, đánh giá trung thực điểm số tín dụng của khách hàng… là những nội dung chủ đạo của các đạo luật này.